Hầu hết các gương mặt lớn như ITA, KDC, NKC, FPT, STB, VNM, REE hay SJS... đều không để lại dấu ấn nào trên thị trường. Trong khi đó, góp mặt trong top 5 mã tăng giá phần lớn là các cổ phiếu vừa và nhỏ.


Đáng chú ý là hai anh em nhà Kinh Đô KDC, NKD khi để tuột mất tổng cộng 64.000 và 38.000 đồng, tương ứng với mức giảm 23,97% và 16,52% trong tháng 10, "chiếm" luôn vị trí mất điểm nhiều nhất tháng.

SJS cũng không phải ngoại lệ khi để mất tới 28.000 đồng, tương ứng 9,46%, còn 268.000 đồng trong phiên giao dịch đóng cửa cuối tháng 10. Các gương mặt khác như REE, VNM, ITA cũng lần lượt góp mặt trong danh sách những cổ phiếu đi xuống với các mức giảm là 9.000, 7.000 và 6.000 đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý III của hầu hết các công ty lớn được đánh giá là khả quan, giá cổ phiếu của các công ty này vẫn không tăng như mong muốn. Theo các chuyên gia là do trước đó, kết quả kinh doanh thực chất đã phản ánh vào trong giá chứng khoán bởi phần lớn nhà đầu tư đã đoán trước thông tin nên tích cực mua vào, đẩy giá lên. Chính vì vậy, khi các công ty công bố kết quả, giá cũng không lên mạnh mẽ nữa.

Nhiều nhà đầu tư vẫn trong trạng thái lưỡng lự do chưa xác định được xu thế của thị trường. Ảnh: Hoàng Hà

Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ lại trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, đặc biệt là những tay "lướt sóng" hay những người chơi ngắn hạn. Dẫn đầu mức tăng giá trong nhóm này là cổ phiếu LAF của Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An, tăng 17.300 đồng, tương ứng 72,08%.

Vị trí tiếp theo thuộc về BTC, tăng 12.700 đồng, tương ứng 39,69%. Trong top 10 còn có sự góp mặt của các cổ phiếu khác như DPC, TTC, MHC và HTV...với các mức tăng tương ứng là 36,57%; 31,25%; 30,28% và 28,81%.

Gây ấn tượng không kém là nhóm cổ phiếu mới chào sàn, trong đó HDC, SC5, TCM và TSC liên tục tăng kịch trần, thường xuyên trong tình trạng cầu vượt cung. Hiện tượng này, theo các chuyên gia, là do các tay đầu cơ đã biết thông tin gom hàng trước khi các cổ phiếu này lên sàn. Sau đó, họ lại dùng các chiêu như đánh bóng tên tuổi, tạo dư luận ảo... để "thổi" giá của chúng lên.

"Hầu hết những công ty này đều có vốn điều lệ nhỏ, Nhà nước lại nắm cổ phần chi phối. Chính vì vậy, lượng hàng bán ra ngoài thị trường thường bị hạn chế. Cung ít mà cầu nhiều thì rất dễ bị các đại gia làm giá", một chuyên gia nhận định.

Mặc dù trong những phiên cuối tháng, giá của một số cổ phiếu mới đã bắt đầu chững lại, hoặc quay đầu giảm giá như HDC hay SC5, trên thực tế, một trào lưu săn lùng hàng sắp lên sàn vẫn đang diễn ra sôi nổi. Vị chuyên gia trên khuyến cáo, các nhà đầu tư nên thận trọng để tránh không rơi vào bẫy của những tay làm giá chuyên nghiệp.

Nhìn chung trong tháng 10, thị trường chứng khoán VN vẫn không có sự bứt phá nào đáng kể và thường xuyên rơi vào trạng thái điều chỉnh. Tổng cộng có 11 phiên tăng điểm trong khi 12 phiên đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, Vn-Index còn 1.065,09 điểm. Như vậy tính chung cả tháng, Vn-Index mất tới 19,3 điểm.

Sau một thời gian khá dài lình xình, cuối tháng 9 thị trường chứng khoán VN đột ngột tăng nóng trở lại, kích thích sự hưng phấn cho người chơi chứng khoán sau một thời gian khá dài "ngủ đông". Sự hưng phấn của giới đầu tư tiếp tục được duy trì trong những phiên đầu tiên của tháng 10.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng, chỉ số Vn-Index đã phi nước đại khi tăng tới 37,53 điểm. Phiên giao dịch này cũng ghi nhận sự nhảy vọt về giá trị khớp lệnh với hơn 2.000 tỷ đồng được nhà đầu tư đổ vào thị trường. Sự sôi động tiếp tục được duy trì trong hai phiên tiếp theo. Tuy nhiên, suốt thời gian sau đó cho tới cuối tháng, Vn-Index cứ lên rồi lại xuống và không xác định được hướng đi rõ ràng dù có khá nhiều thông tin hỗ trợ tích cực như nền kinh tế vẫn tăng trưởng khả quan, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng khá, xếp hạng môi trường kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể...

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tháng 10 thị trường vấp phải một ngưỡng cản tâm lý 1.100 điểm. Bằng chứng là trong suốt cả tháng, Vn-Index chỉ xoay quang mốc này mà vẫn chưa bứt khỏi ra được. Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital Dominic Scriven cho hay, thị trường cần một sự nhiệt tình nhất định để vượt qua mức cản tâm lý này trong thời gian tới. Chỉ đến khi đó, thị trường mới bật lên mạnh mẽ được.

Gần như trong suốt cả tháng, nhà đầu tư trên thị trường rơi vào trạng thái lưỡng lự khi chưa xác định được rõ xu hướng của thị trường. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, song sự kiện được đánh giá là tác động lớn nhất chính là việc trì hoãn IPO của đại gia ngân hàng Vietcombank. Sự chậm chạp cũng như không rõ ràng về thông tin chào bán cổ phần lần đầu của đại gia này khiến giới đầu tư trong nước, kể cả các quỹ đầu tư nước ngoài vô cùng sốt ruột. Một dòng tiền khá lớn đang chờ giải ngân cũng khiến thị trường không thể ra khỏi thế giằng co trong suốt tháng.

Thêm vào đó, tâm lý chung của người chơi chứng khoán trong tháng là chờ đợi hàng mới của một loạt doanh nghiệp lớn như Đạm Phú Mỹ, Hòa Phát, Cao su Đồng Phú...

Tháng 11 được cho là khoảng giao nhau giữa quý III và quý IV, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán có thể sẽ còn tiếp tục lình xình trong tháng này, sau đó mới bật lên được.

Top các cổ phiếu tăng giá nhiều nhất tháng

IMP 52.000 31,33

Các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất tháng

CAN 31.600 9,71

Trái lại, tháng 10 lại được coi là khoảng thời gian sôi động của sàn chứng khoán Hà Nội. Tính chung cả tháng, chỉ số Hastc-Index tăng tới 44,72 điểm.

Sự đảo chiều nhanh chóng trên sàn Hà thành khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay. Một số người sau một thời gian chinh chiến trên sàn HOSE vội vã quay sang đánh chiếm sàn HASTC càng làm cho thị trường thêm sôi sục. Có những phiên, Hastc-Index tăng tới gần 12 điểm.

Theo giới chuyên gia, biên độ 10% của sàn Hà Nội (thậm chí nếu tính nhanh có thể đạt tới 20%) đã tạo ra sức hút thực sự đối với các nhà đầu tư. Chính vì thế, không chỉ có giới đầu tư trong nước mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu nhảy vào cuộc đua này.

(Theo VnExpress)