TTCK tuần 26-30/11: Bao giờ thị trường đảo chiều?
Tuần vừa qua tiếp tục là tuần đi xuống của chỉ số VNINDEX, giảm 22,3 điểm, tương đương 2,23%, xuống còn 975,92 điểm. Như vậy, thị trường đã giảm giá liên tục trong 6 tuần liên tiếp kể từ trung tuần tháng 10. Cường lực của đợt đi xuống lần này là khá mạnh, không kém nhiều so với đợt giảm 7 tuần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 4/2007, đưa VNIndex từ mức đỉnh 1170 điểm xuống 905 điểm.
(Ảnh nguồn: Theo vhdn.com.vn)
Điều đáng lưu ý là khối lượng giao dịch cũng đồng thời giảm mạnh từ 52,5 triệu cổ phiếu trong tuần trước xuống còn 35,4 triệu cổ phiếu, tương đương mức giảm 32,57%. Tại phiên giao dịch cuối tuần, ngày 23/11/2007, số lượng cổ phiếu giao dịch chỉ còn 6,35 triệu cổ phiếu, bằng 61% so với mức trung bình trượt của số lượng cổ phiếu giao dịch 20 ngày trước đó (10,4 triệu cổ phiếu/phiên). Sự suy kiệt khối lượng giao dịch này vừa là tín hiệu xấu, vừa là tín hiệu đáng mừng cho thị trường. Dù sao đi nữa, cũng đã có rất ít nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu với mức giá thấp như hiện nay.
Vì thị trường thế giới tiếp tục bất ổn
(Ảnh nguồn: users.york.ac.uk)
Trong tuần vừa qua, đồng loạt các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới tiếp tục bất ổn định và có xu thế giảm điểm. Những khó khăn chính là cuộc khủng hoảng cho vay nhà đất ở Mỹ, giá dầu thô leo thang kỷ lục (tiệm cận mức 100$/thùng) và đặc biệt đáng lo ngại là mức tiêu dùng của người dân Mỹ có thể giảm sút, một tín hiệu xấu cho sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt thị trường chứng khoán thế giới đã rất xấu vào các phiên thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm tuần trước.
Trong ngày thứ Sáu, trước thềm ngày lễ Tạ Ơn – được coi là khởi đầu cho mùa mua sắm lớn nhất năm của các nước phương Tây, chứng khoán Mỹ và thế giới đã phục hồi lại đôi chút từ tình trạng ốm yếu trong tuần. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 200 điểm. Vào thời điểm đóng cửa ngày hôm qua, chỉ số này đã lấy về 181,84 điểm tương đương 1,42% với 12980,88 điểm. Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 của châu Âu tăng thêm 1,7% lên 357,74 điểm; phần nào bù đắp lại sự mất điểm nặng nề trong những ngày qua. Dù vậy, tính từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ số này đã mất đi 7,9% giá trị.
Những phiên giao dịch ngay sau ngày Lễ Tạ ơn vào đầu tuần sau sẽ rất quan trọng tới tương lai sắp tới của thị trường chứng khoán thế giới. Những hy vọng về việc thị trường Mỹ sẽ dần ổn định hơn vẫn chỉ là hy vọng khi những tin tức xấu về nền kinh tế Mỹ vẫn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điểm lạc quan lớn nhất và duy nhất vào lúc này là dường như thời điểm tồi tệ nhất của cơn khủng hoảng tài chính thị trường địa ốc của Mỹ đang đi qua. Một con số có ý nghĩa nữa là giá trị bán lẻ trong ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn, một chỉ số quan trọng, đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, thứ Hai đầu tuần sẽ là một phiên tăng giá của thị trường Mỹ.
Tuy nhiên thời điểm thực sự có ý nghĩa quyết định đối với thị trường thế giới sẽ là ngày 11/12 sắp tới – khi các nhà lãnh đạo của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhóm họp về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản nhằm trợ giúp nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Thông tin bất lợi thử thách bản lĩnh của các nhà đầu tư
Đã có khá nhiều tin xấu và đặc biệt xấu đối với thị trường đã xuất hiện trong tuần qua, có tiềm năng gây ra những đợt sụp đổ của thị trường.
(Ảnh nguồn: vhdn.com.vn)
Thứ nhất, là việc Chỉ thị 03 sẽ được thực thi nghiêm túc gây sức ép khiến luồng tiền vào thị trường sẽ bị giảm sút, trong bối cảnh nguồn cung cổ phiếu mới đang gia tăng. Riêng đợt IPO ngân hàng VCB sắp tới (một nguồn tin cho biết sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12) cũng đã hút khỏi thị trường hàng chục nghìn tỷ đồng. Chỉ thị 03 đang tiếp tục tạo sức ép bán cổ phiếu cho nhà đầu tư và các tổ chức nhận cầm cố cổ phiếu, khiến VN-Index rất khó tăng điểm.
Thứ hai, đó là việc Quốc hội thông qua Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó quy định các mức thuế khá cao đánh vào giao dịch và thu nhập từ chứng khoán. Có thể nhắc lại một trường hợp gần đây, vào tháng 5/2007, khi tin tức tăng thuế chứng khóan của Trung Quốc bị rò rỉ, thị trường Trung Quốc đã lâm vào “tiểu khủng hoảng”, giảm tới trên 10% trong vòng 2 ngày, và buộc cơ quan quản lý Trung Quốc phải rút lại đề xuất chính sách trên.
Thứ ba, là việc thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, đã có những phiên giao dịch đặc biệt xấu, trong tuần vừa qua.
Điều đáng nói là những tin xấu tập trung xuất hiện trùng hợp vào đầu tuần, dẫn tới những lo ngại rằng thị trường Việt Nam sẽ có những phiên giao dịch sụp đổ vào thứ Tư và thứ Năm tuần qua.
Tuy nhiên, bất chấp những cú đánh "chí mạng" như vậy, VNIndex đã chỉ mất 13 điểm trong phiên giao dịch thứ Tư, và ngay sau đó đã hồi phục một phần (tăng 6 điểm) trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Sự thích ứng khá tốt của thị trường Việt Nam trước các cú sốc bất lợi trong tuần vừa qua là một tín hiệu rất khả quan, cho thấy đà sụt giảm của thị trường đã giảm cường lực. Đợt downtrend đã đi được quá nửa đường. Cho dù thị trường đã giảm khá mạnh, nhưng chưa xuất hiện tình trạng bán tháo tại các phiên giao dịch giảm giá.
Các "ông lớn" đang muốn thị trường tăng giá?
(Ảnh nguồn: vhdn.com.vn)
Nhìn về phía trước, thị trường Việt Nam vẫn đang bị kiềm chế bởi nhiều yếu tố không chắc chắn, trong đó 2 vấn đề đặc biệt quan trọng là diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới và các tin tức liên quan đến đợt IPO của VCB. Chưa có đủ cơ sở để dự đoán về chiều hướng diễn biến của 2 sự kiện này, do vậy cũng chưa đủ cơ sở để dự đoán về xu hướng thị trường sắp tới.
Tuy nhiên, đó chỉ là các nguyên nhân bề nổi và ngắn hạn, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phụ thuộc phần lớn vào sức mạnh của nội lực thị trường, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là sự phát triển của các công ty niêm yết ở Việt Nam, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của EPS của các công ty này, và sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Xét trên phương diện này, những đốm sáng lạc quan đã được ghi nhận ở một số khía cạnh cốt yếu.
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao (trên 8,5%) với kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng này trong 5 năm tới là yếu tố nền tảng hỗ trợ tích cực cho TTCK. Dòng vốn đầu tư trực tiếp đang chảy mạnh vào Việt Nam với dự báo năm nay có thể thu hút được 15 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã và đang huy động một số tiền khá lớn cho đợt giải ngân sắp tới.
Thị trường đã giảm xuống mức được nhiều nhà đầu tư coi là “đủ rẻ”. Mức P/E trung bình của các cổ phiếu Sàn Giao dịch TP. Hồ Chí Minh đã giảm xuống mức dưới 25. Đây là một mức thấp và rất hấp dẫn đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam. Nếu so sánh với giá trị P/E trung bình lên tới 71 vào tháng 3/2007 (theo báo cáo của IMF vào thời điểm đó), giá trị P/E của các cổ phiếu trên sàn Hồ Chí Minh đã giảm xuống còn xấp xỉ 1/3 so với mức đỉnh điểm, phản ánh giá của các cổ phiếu Việt Nam đã “rẻ đi” rất nhiều. Mỏ neo quan trọng này khiến giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam khó có thể giảm mạnh và lâu dài trong thời gian sắp tới.
Dự kiến thời gian tới một loạt các cổ phiếu lớn sẽ công bố những tin tức quan trọng về lợi nhuận đạt hoặc vượt kế hoạch, thực hiện kế hoạch chia cổ phiếu và các dự án kinh doanh mới. Đây cũng sẽ là lực đẩy quan trọng đối với thị trường.
Các “bigboys” (ông lớn) dường như cũng đang muốn thị trường tăng giá, thể hiện qua các phát biểu lạc quan của các đại diện thể chế tài chính lớn như HSBC, VFM và nhiều quỹ đầu tư khác. Bên cạnh đó, cũng có thể phán đoán về mong muốn thị trường hồi phục kịp thời trước đợt IPO Ngân hàng VCB của nhiều người và nhiều tổ chức. Tin tốt và nhận định lạc quan đang xuất hiện dày đặc hơn trên phương tiện truyền thông.
Phân tích kỹ thuật
- Nhìn tổng quát, các chỉ số xu hướng như PSAR, MA, MACD hay ADX cho thấy xu hướng giảm của thị trường CHƯA đến hồi kết thúc.
- Tuy nhiên, các chỉ báo động lượng (là các chỉ số nhạy hơn, tuy rằng ít đáng tin cậy hơn, so với các chỉ số xu hướng) đã báo hiệu những dấu hiệu tích cực ban đầu, như các chỉ số RSI, MFI, SI hay OBV. Chỉ số Bottom Reversal (Đảo chiều ở đáy) cũng đã phát ra tín hiệu dương. Điều này cho thấy thời điểm đảo chiều của thị trường không còn quá xa.
- Đáng chú ý, “chỉ số lòng tin” của nhà đầu tư (khung trên cùng của đồ thị) đã vượt qua khỏi ngưỡng tín hiệu 25 điểm để đạt giá trị xấp xỉ 30 điểm. Có một sự trùng hợp về mẫu hình biến động của chỉ số lòng tin của nhà đầu tư vào thời điểm cuối tháng 8/2007 và thời điểm hiện nay (hai hình mũi tên trên đồ thị). Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang ở rất gần mức đáy.
Kết luận và khuyến nghị
Thời điểm đảo chiều của thị trường đang phụ thuộc vào 2 nhân tố khách quan, khó dự đoán: đó là thời điểm phục hồi của nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ và kết quả của cuộc đấu giá VCB.
Phân tích kỹ thuật tiếp tục đưa ra những tín hiệu lạc quan ban đầu, tuy nhiên “tín hiệu mua” là chưa rõ ràng và chưa có tín hiệu khẳng định đợt đi xuống của thị trường đã kết thúc. Không loại trừ thị trường sẽ có một số phiên giảm rất mạnh trước thời điểm đổi chiều. Dấu hiệu đáng tin cậy nhất khẳng định thời điểm đảo chiều sẽ là sự gia tăng đột biến của số lượng cổ phiếu giao dịch.
Xét trên phương diện phân tích cơ bản, nhiều cổ phiếu đã “đủ rẻ” và đủ an toàn để mua vào. Ngay trong trường hợp xấu nhất, giá của những cổ phiếu này cũng khó hạ hơn quá 10%, và trong trường hợp tốt, giá của những cổ phiếu này có thể tăng trên 50%. Triển vọng tăng trưởng mạnh của thị trường vào đợt công bố kết quả kinh doanh cuối năm vẫn khá lớn.
Quyết định cụ thể tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng nhà đầu tư, tuy nhiên rõ ràng thời điểm tốt nhất để bán cutloss đã qua, cho dù thời điểm tốt nhất để mua vào dường như chưa tới. Cán cân cổ phiếu và tiền được khuyến nghị vẫn giữ nguyên như mức tuần trước, tức là ở mức 40:60, tuy nhiên có thể tăng mạnh khi xuất hiện dấu hiệu thị trường đổi chiều.
0 Responses to TTCK tuần 26-30/11: Bao giờ thị trường đảo chiều?
Something to say?