3/1: VN-Index xuống sát 900 điểm
Kết thúc phiên giao dịch sáng 3/1, chỉ số VN-Index giảm 12,82 điểm (tương đương giảm 1,39%) xuống 908,25 điểm. (Ảnh: LAD)
Tâm lý lo ngại về tình trạng mất cân đối cung cầu, tình hình lạm phát gia tăng trong những ngày cuối năm đã khiến nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quay lại giao dịch. VN-Index tiếp tục giảm và sắp về ngưỡng 900 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 3/1, chỉ số VN-Index giảm 12,82 điểm (tương đương giảm 1,39%) xuống 908,25 điểm.
Trong số 141 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn (thêm cổ phiếu L10 của Lilama 10 lên sàn hôm 25/12), có 14 mã tăng giá, 108 mã giảm giá và 19 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch toàn phiên chỉ đạt 5,02 triệu đơn vị, trị giá 472,4 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2007.
Theo khảo sát của một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, các nhà đầu tư chuyên nghiệp tỏ ra đang rất thận trọng xem xét thị trường trước khi xúc tiến kế hoạch đầu tư trong năm mới. Hầu hết đều đang chờ động thái của cơ quản quản lý nhà nước trong việc giải quyết vấn đề cung-cầu. Đồng thời chờ đợi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV 2007.
Với những động thái nêu trên, rất có khả năng thị trường còn điều chỉnh giảm nhẹ, giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Trong 1 vài tuần tới, khi thị trường bước vào mùa công bố thông tin và lượng kiều hối được chuyển về nhiều hơn, cùng với những quyết định cụ thể điều chỉnh cán cân cung cầu, thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu mới lên sàn sáng 25/12 là L10 của Lilama 10 bất ngờ giảm sàn 2.500 đồng xuống 56.000 đồng/cp sau khi tăng trần trong 2 phiên trước đó.
Sáng nay, trong top 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có 1 mã cổ phiếu tăng giá là HPG của Tập đoàn Hoà Phát tăng 500 đồng lên 96.000 đồng, còn lại giảm giá.
Giảm mạnh nhất là FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT với 4.000 đồng xuống 215.000 đồng/cp và SJS của Sudico giảm 4.000 đồng xuống 248.000 đồng/cp.
Cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường là STB của Ngân hàng Sacombank giảm 1.000 đồng xuống 63.500 đồng/cp; đại gia VNM của Vinamilk cũng giảm 1.000 đồng xuống 164.000 đồng/cp; đại gia DPM của Đạm Phú Mỹ cũng giảm 1.500 đồng xuống 72.500 đồng/cp; PPC của Nhiệt điện Phả Lại giảm 500 đồng xuống 59.000 đồng/cp; PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling giảm 3.000 đồng xuống 150.000 đồng/cp; SSI của Chứng khoán Sài Gòn giảm 2.000 đồng xuống 166.000 đồng/cp; VIC của Vincom giảm 3.000 đồng xuống 154.000 đồng/cp.
Về khối lượng giao dịch, hôm nay chỉ có 9 cổ phiếu có mức giao dịch đạt trên 10 vạn đơn vị, trong đó STB của Sacombank đứng đầu với 614.520 cổ phần, tiếp đến là DPM của Đạm Phú Mỹ với 336.450 đơn vị. Cổ phiếu SSI đứng ở vị trí thứ 3 về tính thanh khoản với 300.200 đơn vị. Cổ phiếu mới chào sàn ALP của Alphanam vượt FPT, HPG, VNM và VIC đứng ở vị trí thứ 4 với 280.860 đơn vị.
Một điểm nổi bật trong phiên giao dịch sáng nay là khối lượng giao dịch chung trên toàn thị trường vẫn đứng ở mức thấp nhất tính tháng 8/2007 tới nay mặc dù từ thời điểm đó tới nay hàng loạt cổ phiếu mới lên sàn trong đó có những gương mặt rất lớn như Đạm Phú Mỹ, Chứng khoán Sài Gòn, Tập đoàn Hoà Phát…
Như vậy, mặc dù giá cổ phiếu đang đứng ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua và thị trường sắp bước vào mùa công bố thông tin nhưng lượng cung hàng hoá lớn và lượng cầu chưa được cải thiện đã khiến đa số các nhà đầu tư vẫn đang nghe ngóng xu hướng thị trường.
Chỉ riêng trong năm 2007, lượng huy động vốn từ thị trường chứng khoán đã lên tới 90.000 tỷ đồng. Còn theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN trong năm 2007, quy mô thị trường đã tăng gấp đôi so với năm 2006.
Hiện, mức vốn hoá thị trường chứng khoán đạt khoảng hơn 40% GDP và theo ông Bằng với những kế hoạch khả thi trong năm 2008, khả năng mức vốn hoá thị trường đạt 50% GDP là có thể đạt được.
Đây là một tốc độ tăng trưởng rất nhanh mà cầu thì khó có khả năng theo kịp mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 2007 là khá cao ở mức 8,48% và lượng kiều hối chuyển về Việt Nam cũng khá cao, hơn 5 tỷ USD.
Lượng cầu còn không được cải thiện do Chỉ thị 03 của NHNN thắt chặt cho vay kinh doanh chứng khoán dưới 3% và room cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được mở rộng.
Cùng với không khí giao dịch buồn tẻ do nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại sàn giao dịch sau một kỳ nghỉ tết dài ngày, việc cổ phiếu trên khắp châu Á giảm phiên đầu năm dường như góp phần làm giao dịch chùng xuống, cổ phiếu giảm giá. Dự báo thị trường sẽ sớm tăng trở lại nhưng do lượng cung còn rất lớn nên một bước tăng mạnh như đầu năm 2007 là khó xảy ra.
(Theo VietnamNet)
0 Responses to 3/1: VN-Index xuống sát 900 điểm
Something to say?