Tiếp tục xu hướng giảm mạnh có từ vài phiên trước, gần như toàn bộ cổ phiếu sáng nay tiếp tục giảm kịch sàn với dư mua đồng loạt bằng 0.

Chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam kết thúc phiên giao dịch sáng 21/02 giảm 34,47 điềm (tương đương giảm 4,62%) xuống còn 710,45 điểm.

Trong tổng số 151 mã chứng khoán niêm yết (thêm DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang đưa vào giao dịch 15.434.000 cổ phiếu hôm 21/2), chỉ có 1 mã giữ giá tham chiếu, một mã tăng giá còn lại toàn bộ 149 mã giảm giá, với gần như toàn bộ giảm sàn.

Khác với 2 phiên giao dịch liền trước, mặc dù giá cổ phiếu tiếp tục giảm rất sâu nhưng lượng mua vào đã giảm đáng kể và gần như toàn bộ lệnh đặt mua giá sàn đều được khớp hết.

roitudo.jpg
(Ảnh minh họa: LAD)

Tính chung trong toàn phiên, có tổng cộng 10,6 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh, trị giá 743,3 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, bên cột dư mua của gần như toàn bộ các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM đều không còn, trong khi dư bán ở mức giá sàn vẫn kín đặc.

Không khí buồn tẻ đang bao trùm trên sàn giao dịch của các công ty chứng khoán. Hầu hết các nhà đầu tư tỏ ra rất thất vọng.

"Sụt giảm quá mạnh. Lịch sử chưa từng có khi mà cả đối với những cổ phiếu có tính thanh khoản lớn nhất như SSI và STB cũng không có ai mua vào. Tình hình này có thể có nhiều công ty chứng khoán không còn khả năng hoạt động", một nhà đầu tư đau đớn nói.

"Tin xấu đến dồn dập, trên sàn toàn đặt lệnh bán ATO, ATC thì việc thị trường tụt giảm là tất yếu thôi. Thị trường kiểu này thì giờ có muốn xả cũng không kịp", anh Đặng Trung Nghĩa, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán APEC nói.

Anh Trần Hữu Văn, trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán sắp đi vào hoạt động cho biết, có quá nhiều lý do để các nhà đầu tư đang tranh nhau bán cổ phiếu ra. Trước hết, đó là các chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với quyết định rút một lượng tiền khổng lồ lên tới 90.000 tỷ đồng ra khỏi lưu thông. Sau đó là các tin xấu như: giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao (dầu thô đã lên 100 USD/thùng); kinh tế thế giới và theo đó là chứng khoán sụt giảm; biến động xấu của thời tiết ở nhiều nước… Bên cạnh đó là những dự báo không mấy lạc quan của các tổ chức tài chính lớn…

“Với tình hình này, các nhà đầu tư lớn có thể còn đợi thị trường giảm sâu hơn nữa trước khi mua vào. Còn đối với các nhà đầu tư nhỏ, mức thua lỗ từ 30-50% trong thời gian qua là vượt sức chịu đựng của nhiều người. Nhiều người đã chấp nhận bán lỗ để rút khỏi thị trường và khả năng quay lại là rất xa”.

Tuy nhiên, một số ít các nhà đầu tư khác thì cho rằng thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại.

“Bây giờ là thời điểm tốt để mua cổ phiếu vào và giữ trong vòng 6 tháng tới 1 năm. Thị trường có lên thì có xuống, điều quan trọng là kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển. Cơ quan quản lý ưu tiên kiềm chế lạm phát là một quyết định đúng đắn. Bởi tất nhiên không ai muốn lãi chứng khoán vài trăm ngàn đồng mà phải bỏ ra cả triệu đồng để mua một mớ rau muống. Theo thôi thị trường sẽ điều chỉnh tăng trở lại trong vài phiên nữa”, anh Nguyễn Văn Thịnh, một nhà đầu tư tại sàn SeABank nói.

(Theo VietnamNet)