Đúng như dự đoán của một số nhà đầu tư, sau phiên VN-Index rơi thẳng đứng xuống dưới 500 điểm, một loạt các biện pháp mạnh đã được đưa ra. Nhiều cổ phiếu quay đầu tăng giá kịch trần. VN-Index tạm thời thoát khỏi những cú xoáy giật của cơn bão giảm giá đang hoành hành trên cả 2 sàn chứng khoán.

Trái ngược với diễn biến trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, tình trạng bán tháo cổ phiếu dường như đã tạm thời chấm dứt. Lượng đặt bán cổ phiếu giảm hẳn trong khi lượng đặt mua ở nhiều mã cổ phiếu tăng lên không ngừng.

Kết thúc đợt giao dịch thứ 1 phiên giao dịch sáng 26/03, chỉ số VN-Index chỉ còn giảm 1,62 điểm (tương đương giảm 1,62%) xuống còn 495,02 điểm.

Trong tổng số 153 mã chứng khoán niêm yết, đã có 34 mã tăng giá, 15 mã đứng giá, 1 mã không có giao dịch, còn lại 103 mã giảm giá, nhưng số lượng giảm kịch sàn không còn nhiều.

Khối lượng giao dịch cũng được cải thiện đáng kể. Trong đợt 1 sáng nay, tổng cộng có 6,1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh, trị giá 241,8 tỷ đồng.

Ngay mở đầu phiên giao dịch sáng nay, không khí trên sàn giao dịch của các công ty chứng khoán An Bình, SeABank, APEC tại Hà Nội rất sôi động với chủ đề chính là một loạt các biện pháp mà Chính phủ và UBCKNN vừa đưa ra.

Quyết định bất ngờ chiều 25/3 về việc giảm biên độ giao động từ 5% xuống 1% đối với sàn chứng khoán TP.HCM và từ 10% xuống 2% với sàn Hà Nội, áp dụng từ ngày 27/3 là tâm điểm bàn luận của các nhà đầu tư. Có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về dự báo tác động của quyết định này.

Cũng trong chiều hôm qua (25/3) Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tập trung mua vào các cổ phiếu có tỷ trọng lớn góp phần ổn định TTCK và giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước và vận động các Ngân hàng thương mại cổ phần quyết định chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán.

Với những thông tin trên và thực tế là hầu hết các cổ phiếu đã giảm từ 50-60% so với cách đây 1 năm, lượng đặt mua đã tăng rất mạnh ở nhiều mã cổ phiếu như GMD, HPG, STB, DPM, PVD, REE, VNM, TTF, VIC, PNC.

Cụ thể, ngay trong những phút đầu tiên, lượng dư mua cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ - một doanh nghiệp về phân bón hàng đầu tại Việt Nam đã gấp khoảng 2,5 lần lượng dư bán.

Cũng trong tình trạng tương tự, dư mua ở các mã STB của Ngân hàng Sacombank, VIC của Vincom, PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling đều lớn hơn dư bán. Tình trạng ngược lại chỉ diễn ra ở 2 mã là SSI của Chứng khoán Sài Gòn và FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.

Trừ STB của Ngân hàng Sacombank, xu hướng tăng mua diễn ra cho tới hết đợt giao dịch thứ 1 và ở diện rộng hơn (đối với rất nhiều mã khác).

Kết thúc đợt giao dịch thứ 1 phiên giao dịch sáng nay, rất nhiều cổ phiếu blue-chips đã tăng giá kịch trần như DPM, PVD, VIC, ITA, VNM, VSH, TDH, DHG, PPC. Bên cạnh đó còn có các cổ phiếu khác cũng tăng trần như: CAN, COM, CYC, DPR, GMC, HMC, HSI, SAF, SAV, SCD, TRC, TTF, TYA , MHC, PNC, TAC…

Dư mua lớn tập trung vào các cổ phiếu: DHG, DPM, PPC, PVD, VIC, VSH.

Bước sang đợt giao dịch khớp lệnh liên tục (đợt 2), số lượng và tốc độ tăng giá của các cổ phiếu gia tăng mạnh hơn. Tính thới 9h50, chỉ số VN-Index đang tăng 6,7 điểm (1,34%) lên 503,34 điểm.

Tới 10h30 (đóng cửa phiên giao dịch), chỉ số VN-Index chung cuộc tăng 8,03 điểm (tương đương tăng 1,61%) lên 504,67 điểm. Khối lượng giao dịch tăng đột biến lên gần 19 triệu đơn vị, trị giá 810,6 tỷ đồng.

Chung cuộc, trong tổng số 153 mã chứng khoán niêm yết, có 84 mã tăng giá, 8 mã đứng giá và 61 mã giảm giá, nhưng số lượng giảm kịch sàn không còn nhiều.

Tổng cộng có 39 mã cổ phiếu và 1 chứng chỉ quỹ tăng kịch trần, trong đó chủ yếu là các cổ phiếu vừa và nhỏ có thị giá thấp. Các gương mặt lớn tăng giá kịch trần chỉ bao gồm: CII, DHG, GDM, PPC, VIC, VSH.

Do lượng bán ra tăng vào cuối phiên, rất nhiều cổ phiếu lớn tăng kịch trần trong đợt 1 đã không duy trì được cho tới hết phiên như đại gia DPM của Đạm Phú Mỹ, PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling, ITA của Itaco, TDH của Nhà Thủ Đức, VNM của Vinamilk.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, DPM chỉ tăng 1.500 đồng (tương đương tăng 3,32%) lên 46.700 đồng/cp; PVD tăng 3.000 đồng (3,03%) lên 102.000 đồng/cp; TDH tăng 2.500 đồng (2,84%) lên 90.500 đồng/cp; VNM tăng 3.000 đồng (2,91%) lên 132.000 đồng/cp.

(Theo VietnamNet)