Bên bán đồng loạt xả hàng khi phiên này được coi là cơ hội cuối để bán ra trước khi giao dịch với biên độ thu hẹp. Lệnh mua cũng tăng đột biến. Vn-Index giảm nhẹ ở đợt khớp lệnh đầu tiên, song lượng mua lớn dần kéo chỉ số tăng 8,03 điểm (1,61%), lên mức 504,57.

Phiên giao dịch hôm nay diễn ra sau một "ngày thứ ba đen tối" khi Vn-Index rơi khỏi ngưỡng 500 điểm. Hôm qua cũng là ngày các cơ quan quản lý có một loạt động thái mới, trong đó đáng chú ý nhất là Ủy ban Chứng khoán điều chỉnh biên độ dao động giá tại sàn Hà Nội và TP HCM xuống lần lượt 2% và 1%, và SCIC được chỉ đạo tiếp tục mua vào cổ phiếu.

Vừa mở cửa phiên giao dịch, các lệnh mua và bán ATO đã lan nhanh trên bảng điện tử. Trái ngược hoàn toàn với dư mua trống trơn trong cả tuần qua, các lệnh mua dần dần phủ kín ngay ở đợt khớp lệnh đầu tiên. Gần 20 mã tăng trần. Tuy nhiên, lượng bán ra khổng lồ vẫn kéo Vn-Index giảm nhẹ 1,62 điểm (0,32%). Kết thúc đợt một, Vn-Index đứng tại 495,02 điểm, khối lượng giao dịch đã vọt lên 6 triệu đơn vị.

Sang đến khớp lệnh liên tục, lệnh mua khối lượng lớn trên giá tham chiếu liên tiếp xuất hiện. Trong đó, STB được đặt mua tới gần 1,5 triệu đơn vị, DPM gần 50.000 đơn vị. Nhiều mã nhỏ cũng được đặt mua trên giá tham chiếu với khối lượng trên dưới 2.000 đơn vị, đẩy Vn-Index dần đi lên.

Đến cuối đợt, chỉ số đã trở lại mốc điểm 500, ở mức 504,13 điểm. Lệnh bán và mua cùng lớn, đẩy khối lượng giao dịch lên tới 16 triệu đơn vị, trị giá 718,7 tỷ đồng.

Sau thông tin biên độ dao động giá cổ phiếu thu hẹp từ phiên 27/3 được phát đi hôm qua, nhiều nhà đầu tư, nhất là những tay lướt sóng, đã xác định phiên này phải đẩy hàng đi càng nhiều càng tốt. Trên sàn giao dịch, ngay khi Vn-Index vừa quay đầu đi lên ở đợt khớp lệnh liên tục, nhiều nhà đầu tư đã điện thoại gọi bạn bè nhanh chóng bán ra.

"Từ mai biên độ chỉ còn 1%, đến bao giờ mới bán được giá cao", nhà đầu tư tên Long tại sàn Habubank, lý giải.

Nhà đầu tư này cũng cho rằng, thu hẹp biên độ là biện pháp "cực chẳng đã" để ngăn chặn đà đi xuống của thị trường. "Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát 3 tháng đầu năm trên 9%, chứng khoán đành tạm ngưng lại để đối phó với lạm phát trước", anh Long nhận xét.

Vì thế, nhiều người không dự đoán trước là Vn-Index lại tăng điểm liên tục trong hai đợt sau. Khác với trước đây, mỗi lúc Vn-Index đảo chiều, nhà đầu tư trên sàn bật dậy vỗ tay, phiên này không khí tĩnh lặng bao trùm sàn giao dịch. Nhà đầu tư mải miết theo dõi bảng điện tử, rì rầm hỏi nhau lệnh bán xuất phát từ đâu.

Một nhà đầu tư có kinh nghiệm 5 năm trên sàn nhận xét, nhiều lệnh mua khối lượng nhỏ phiên này xuất phát từ các nhà đầu tư mới, tranh thủ lúc giá thấp gom vào. Mặt khác, nhiều người cho rằng, biện pháp thu hẹp biên độ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sợ đến khi thị trường đi lên sẽ không kịp gom, nên cũng tăng mua.

Phiên nay giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng đột biến. Tại sàn TP HCM, họ mua bán tổng cộng khoảng 3,5 triệu đơn vị qua khớp lệnh. Trong khi đó, giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức trong nước lại khá hạn chế.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index chốt tại 504,67. Tâm lý nghi ngại của nhà đầu tư chỉ giúp chỉ số tăng 8,03 điểm (1,61%) so với phiên trước và kết thúc chuỗi 8 phiên liên tiếp sụt giảm. Khối lượng giao dịch qua khớp lệnh đạt 18,9 triệu đơn vị, trị giá 810 tỷ đồng.

Các blue-chip tiếp tục tăng giảm không đồng đều, khi DPM, DHG, VNM tăng điểm, trong đó DHG tăng trần. SSI, KDC, FPT, SJS cùng đi xuống.

Tại sàn Hà Nội, Hastc-Index cũng tăng 8,74 điểm (5,25%), lên mức 175,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,27 triệu đơn vị, trị giá 327,4 tỷ đồng.

(Theo VnExpress)