Chứng khoán đã tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp sau khi UBCKNN siết biên độ, nhưng vẫn chưa đủ để các nhà đầu tư thực sự yên lòng.

Việc biên độ giao dịch siết lại được nhiều người cho là giải pháp tình thế đúng đắn trong bối cảnh thị trường sụt giảm vừa qua, nhưng những “phản ứng phụ” của nó cũng không phải là nhỏ, mà biểu hiện rõ nhất là tính thanh khoản của thị trường đã bị sụt giảm đáng kể.

Do đó, cho dù thị trường đi lên, nhưng “sức khoẻ” của thị trường còn rất yếu và vẫn cần một sự nâng đỡ vững vàng hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bó hẹp biên độ cũng có nhiều tác dụng tích cực nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư sau một chuỗi dài những ngày thị trường “rơi tự do”. Sau khi siết biên độ, thị trường liên tục tăng trần 5 phiên liên tiếp, mỗi ngày Vn-Index và Hastc-Index tăng dần từng điểm số một.

Tuy giao dịch không sôi động, nhưng về mặt tâm lý, ít nhất là các nhà đầu tư không còn cảm giác hoang mang khi phải nhìn thấy tài sản của mình cứ liên tục vơi đi. Cho dù giá cổ phiếu tăng qua mỗi phiên giao dịch không nhiều, nhưng việc tăng giá kéo dài cũng phần nào tạo sự yên tâm về một thị trường trong xu hướng đi lên.

Đã có một số ý kiến cho rằng, nếu thị trường tiếp tục lên điểm trong vài phiên nữa thì biên độ giao dịch có thể mở trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc thay đổi biên độ liên tục cũng chưa hẳn là một giải pháp hay, vì sự đi lên của thị trường trong mấy ngày qua chưa có gì đảm bảo cho sự ổn định lâu dài.

Lý do là, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích thị trường, như chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước mua cổ phiếu vào để tăng cầu, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại không giải chấp các hợp đồng cầm cố..., nhưng đó chỉ là các giải pháp tạm thời.

Trong khi đó, các yếu tố nền tảng gây khó khăn cho sự phục hồi lâu dài của thị trường vẫn tồn tại, như lạm phát vẫn ở mức cao, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, chí phí vay vốn cao...

Ngoài ra, việc các ngân hàng tạm ngừng giải chấp cũng chỉ là tạm thời, vì với những hợp đồng đáo hạn mà khách hàng mất khả năng trả nợ thì ngân hàng vẫn buộc phải bán thanh lý để thu hồi nợ.

Chính vì vậy, nếu như thị trường tiếp tục lên điểm trong một vài phiên nữa và sau đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định “tháo” biên độ giao dịch thì việc thị trường quay lại kịch bản rớt giá là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Rõ ràng, bối cảnh thị trường hiện nay đang là một bài toán khó đối với các nhà quản lý. Việc biên độ bó hẹp và tính thanh khoản của thị trường sụt giảm đương nhiên là điều không ai muốn và cũng không thể kéo dài.

Do vậy, những giải pháp đó chỉ có thể là những biện pháp mang tính tạm thời để cứu nguy thị trường trong lúc cấp bách và giúp các nhà quản lý có đủ thời gian để có thời gian suy nghĩ và đưa ra những giải pháp có tính lâu dài hơn nhằm làm “điểm tựa” cho thị trường phát triển ổn định.

(Theo DauTu)