Hôm qua 13/2, chứng khoán Mỹ có thêm phiên giảm do giới đầu tư chưa hoàn toàn yên tâm về gói kích cầu cũng như chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng (TARP). Trái lại, tại thị trường châu Á sắc xanh lại là màu chủ đạo.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 82,35 điểm, tương đương với 1,04% xuống còn 7.850,41 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) đóng cửa tại 826,84, thấp hơn tham chiếu 1%, ngang với 8,35 điểm. Chỉ số Nasdaq chốt tuần tại 1.534,36 điểm, bị trừ 7,35 điểm, ứng với 0,48%.

Như vậy sau khi thụt lùi 5,2% giá trị trong tuần qua, hiện Dow Jones đã trở về mức thấp nhất kể từ 20/11 năm ngoái. Mức giảm tuần trên hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 lần lượt là 3,6% và 4,8%.

Phố Wall đã trở về mức thấp nhất kể từ 20/11/2008 sau phiên giảm hôm qua. Ảnh: forextradingonlinesystems.com.

Vào hôm qua, cả Morgan Stanley, Citigroup và JP Morgan Chase đều đồng loạt tuyên bố hoãn nợ cho một số hoặc tất cả các khoản nợ sắp bị tịch thu tài sản thế chấp cho đến đầu tháng 3. Khoảng thời gian này cho phép Chính quyền của Tổng thống Obama thời gian để hoàn thành chương trình hỗ trợ cho vay để mua nhà.

Bất chấp thông tin trên, khối ngân hàng tiếp tục xuống điểm, thể hiện sự hoài nghi của giới kinh doanh về kế hoạch sử dụng 350 tỷ đôla còn lại thuộc Chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng (TARP).

Ông Ben Halliburton, sáng lập viên đồng thời là Giám đốc Đầu tư tại Tradition Capital Management, nói: “Tôi cho rằng Chính phủ không thỏa mãn với diễn biến của phố Wall tuần này”. Ông phân tích: “Kế hoạch kích thích kinh tế gây thất vọng vì nó sẽ khó tạo được nhiều việc làm như dự tính ban đầu. Kế hoạch của bộ tài chính (TARP) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện trong khi nhà đầu tư lại mong đợi kế hoạch chi tiết đã phải được hoàn thành”.

Kế hoạch kích cầu này là sự kết hợp của các chương trình giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng chi tiêu chính phủ vào các dự án phục vụ cộng đồng, và nhiều biện pháp kinh tế khác. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại nó không đủ để giải quyết những vấn đề sâu xa của kinh tế Mỹ.

Phiên cuối tuần của thị trường châu Âu kết thúc với hình ảnh buồn vui lẫn lộn. Trong khi tại Anh, chỉ số FTSE 100 xuống 0,3%, thì hai chỉ số chính DAX của Đức và CAC 40 của Pháp lại tăng lần lượt 0,13% và 1,13%. Sau tuần qua, chỉ số FTSE 100 sụt 2,4%, CAC 40 tiến bước 4%, chỉ số DAX được cộng 4,9%.

Chứng khoán châu Á có một ngày cuối tuần lạc quan nhờ tin nước Mỹ sắp đưa ra chương trình hỗ trợ người vay ngân hàng để mua nhà. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật được cộng 0,96%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 1,07%. Chỉ số Shanghai Composite lên 3,23%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đóng cửa cao hơn tham chiếu 2,47%.

Như vậy, sau 5 phiên liên tiếp của tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,7%. Chỉ số Hang Seng giảm 0,7%, chỉ số KOSPI giảm 1,47%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 6,4%.

Xuân Hoà (Theo CNN, Bloomberg)