Hai năm kể từ khi nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tiết lộ kế hoạch niêm yết tại thị trường nước ngoài, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Không chỉ vì tốn kém, thị trường quốc tế suy giảm, mà cổ phiếu khó xuất ngoại vì động đâu, cũng thấy vướng về thủ tục.

Tại hội thảo về niêm yết tại nước ngoài hôm 12/11, nhiều doanh nghiệp nêu kế hoạch niêm yết tại thị trường Singapore, cùng với đó là nhiều băn khoăn bởi về nguyên tắc, đã có thể ra thị trường nước ngoài. Nhưng thực tế chưa doanh nghiệp nào tiến hành được.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo băn khoăn, với 25% cổ phần của cổ đông nước ngoài tại Tân Tạo, doanh nghiệp có thể niêm yết lượng cổ phiếu này ở thị trường nước ngoài hay không, bởi hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. Khi doanh nghiệp niêm yết ở thị trường ngoại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được quy định là 49%. Nhưng trong trường hợp tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp đã chạm mức này, khi cổ phiếu xuất ngoại, doanh nghiệp có thể phải tính đến việc phát hành thêm để nâng lượng cổ phiếu cho khối ngoại.

Đại diện của tập đoàn tài chính Sacombank nêu thực một thực tế: khi tư vấn cho doanh nghiệp trong nước niêm yết ở nước ngoài, mệnh giá ở mỗi thị trường khác nhau. Nhưng hiện chưa có hướng dẫn xử lý các trường hợp như vậy ra sao.

Còn ông Thân Đức Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5), không nêu cụ thể những vướng mắc, nhưng đề xuất được tạo điều kiện về thủ tục, để được niêm yết ở nước ngoài.

Những vướng mắc còn lại đối với việc niêm yết tại nước ngoài chủ yếu là về kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Hà

Hiện Vinamilk, SSI và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có ý định đưa cổ phiếu xuất ngoại, trong đó PVN dự kiến đưa 4 doanh nghiệp trực thuộc ra sàn giao dịch nước ngoài, sau đó thuận lợi có thể tính đến việc đưa thêm 4 công ty, nhằm huy động vốn cho các dự án thăm dò, khai thác dầu ở nước ngoài.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho rằng, những quy định liên quan đến thủ tục quan trọng như công bố thông tin và các thủ tục khác để lên sàn nước ngoài về cơ bản đã được công bố trong các quy định. Nhưng những vấn đề còn lại vẫn là về kỹ thuật, như thủ tục lưu ký, theo dõi sở hữu nước ngoài để làm sao chốt được tỷ lệ trong nước thế nào cho phù hợp với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là quy định khác nhau về chuẩn mực kiểm toán, trả cổ tức bằng ngoại tệ.

Để niêm yết ở sàn ngoại, hiện doanh nghiệp Việt Nam gặp khó vì khác biệt về chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và Việt Nam (VAS). Theo IAS, giá trị tài sản được ghi nhận theo giá trị thị trường, trong khi theo VAS, giá trị tài sản ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc. Doanh nghiệp Việt Nam, vì thế được định giá thấp hơn giá trị thị trường khi cổ phần hoá, nhất là với các doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác, các sàn giao dịch nước ngoài có yêu cầu về vốn và lợi nhuận từ sán xuất kinh doanh khá lớn. Tại thị trường Singapore, doanh nghiệp phải có lợi nhuận trước thuế tích lũy ít nhất 7,5 triệu USD trong 3 năm tài chính gần nhất.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán cũng xác nhận, niêm yết ra thị trường nước ngoài vào lúc này có thể khó khăn hơn trước, vì diễn biến thị trường thế giới không thuận lợi. “Sức cầu của thị trường chứng khoán các nước không lớn như trước, giá cả chứng khoán quốc tế cũng đang xuống, nên khả năng huy động không thể tốt như trước đây”, ông Bằng nói. Uỷ ban Chứng khoán cũng chưa có số liệu bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam đã đủ điều kiện để niêm yết ở thị trường nước ngoài, do kế hoạch của nhiều doanh nghiệp đã thay đổi.

Hiện Uỷ ban Chứng khoán xử lý từng bước những vướng mắc về kỹ thuật, bằng cách hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quy trình thủ tục niêm yết trên sàn nước ngoài và điều chỉnh thêm dựa trên thông tin phản hồi từ chính các doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết ở nước ngoài.

Cơ quan quản lý cũng không hạn chế về việc niêm yết cổ phần do cổ đông nước ngoài nắm giữ, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kế toán, kiểm toán. “Về kiểm toán, có thể theo quốc tế hay Việt Nam, nhưng cần có sự phân biệt về những điểm khác biệt để nhà đầu tư hiểu được. Chủ trương đã rõ trong các văn bản luật, nhưng có một số vấn đề kỹ thuật và đang xây dựng thông tư”, ông Vũ Bằng cho biết thêm.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán cho rằng, niêm yết ở nước ngoài hiện có thể chưa thuận lợi, nhưng ít nhất sẽ giúp doanh nghiệp cải cách về phương thức hoạt động và công bố thông tin. Cùng với đó là tạo được hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, khai thông thêm được kênh huy động vốn ở thị trường nước ngoài. “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, thay cho cách nhìn nhận không chính thống, từ đó tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam”, ông Bằng nói thêm.

Ngọc Châu-Vnexpress