Các nhà đầu tư tài chính cho rằng, đại hội cổ đông của doanh nghiệp hằng năm, hoặc 2 năm một lần, sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đại diện phần vốn nhà nước. Người nào không đạt tỷ lệ tín nhiệm theo yêu cầu nên được thay thế.

VAFI đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hằng năm, hoặc 2 năm một lần.
Ảnh: Hoàng Hà.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đợi hết nhiệm kỳ 5 năm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới bỏ phiếu tín nhiệm với người quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa có thể là quá lâu. Vì thế, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được tiến hành hằng năm, hoặc 2 năm một lần.

Các nhà đầu tư đề xuất, những đại diện không đủ mức tín nhiệm trên 40% cổ phần của cổ đông ngoài cổ phần nhà nước trong Hội đồng quản trị nên được thay thế.

Theo VAFI, thông qua cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm, có thể loại bỏ những người đại diện không đủ năng lực vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cũng như tạo trách nhiệm cao cho những người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước.

Theo quy định, doanh nghiệp sau cổ phần hóa tại địa phương và công ty độc lập trực thuộc các Bộ sẽ bàn giao vốn nhà nước về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Khi doanh nghiệp mới cổ phần hóa, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Nhà nước là 51%. Về sau, tỷ lệ giảm dần theo lộ trình khi SCIC thoái vốn, thông qua việc tổng công ty này bán bớt cổ phần tại các doanh nghiệp.

Ngọc Châu-Vnexpress