Cổ phiếu lớn nhỏ đua nhau tăng giá

Posted In: , . By Công Ty Truyền Thông Số

Chỉ số chứng khoán của cả 2 sàn sáng nay cùng quay đầu tăng điểm mạnh, với rất nhiều mã tăng trần. Thị trường bất ngờ tăng điểm sau khi giá cổ phiếu xuống thấp, cộng thêm tin tốt từ phố Wall và dấu hiệu khả quan về kinh tế trong nước.

Dấu hiệu thanh khoản cải thiện ở những phiên giao dịch gần đây tiếp tục được khẳng định ngay từ đầu phiên sáng nay. Mở cửa thị trường, lệnh mua ATO xuất hiện liên tiếp, khiến nhiều mã được khớp ở giá trần. Vn-Index tăng một mạch 6,4 điểm (2,72%), lên mức 241,9 điểm.

Khối lượng giao dịch lên tới 2,45 triệu đơn vị, trị giá 45,2 tỷ đồng, tăng gấp đôi đợt mở cửa của những phiên trước. Tất cả blue-chip đều tăng giá, trong đó DPM, FPT, SSI, STB tăng trần, kéo các mã nhỏ đi lên cùng chiều.

Trong đợt khớp lệnh liên tục, lệnh mua với giá trên tham chiếu tiếp tục xuất hiện dày đặc trên bảng điện tử, không phân biệt mã lớn hay nhỏ, kéo Vn-Index tăng 8,95 điểm.

Về cuối đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index càng tăng mạnh, có thời điểm tăng 8,67 điểm. Ảnh: Hoàng Hà

Giá cổ phiếu xuống thấp sau 11 phiên giảm liên tiếp, nhiều nhà đầu tư chỉ đợi thêm thông tin để quyết định mua vào. Hôm qua, Vn-Index xuống tới 235,5, bỏ xa các ngưỡng hỗ trợ trước đó. Một nhà đầu tư trung tuổi tại sàn chứng khoán Habubank cho biết, chị đã gom dần từ một vài phiên gần đây. Sáng nay chị đặt lệnh ATO mua cổ phiếu của một ngân hàng từ đợt đầu tiên, nhưng vẫn không kịp khớp lệnh.

Vn-Index bất ngờ bật xanh khiến nhà đầu tư hào hứng hơn và bàn tán sôi nổi trên sàn. Song nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng duy trì đà tăng điểm của chỉ số, và cho rằng sẽ không kéo dài quá 2-3 phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index đóng cửa tại 244,33 điểm, lấy lại 8,83 điểm (3,7%). Khối lượng giao dịch qua khớp lệnh đạt 9,44 triệu đơn vị, tương ứng 163,7 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 148 mã tăng điểm, chỉ 16 cổ phiếu giảm giá và 13 mã giữ giá tham chiếu.

STB là mã được đặt mua nhiều nhất trong phiên này, nhưng hầu như không có lệnh bán. Ngay từ đầu phiên, lệnh ATO đã dồn dập đặt mua mã này, và đến đợt khớp lệnh đóng cửa, lệnh mua ATC cũng xuất hiện với hàng trăm nghìn đơn vị, cùng hơn 1,7 triệu đơn vị đặt mua ở giá trần. Song khối lượng khớp lệnh toàn phiên chỉ là trên 4.400 đơn vị. Giá tham chiếu của STB trong phiên hôm nay là 13.000 đồng, và ngân hàng này vừa báo cáo lãi trong tháng đầu năm. Xu hướng giao dịch với các mã blue-chip khác cũng diễn biến tương tự STB.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng phân tích (SMES) nhận định, việc thị trường quay đầu tăng điểm trong phiên hôm nay là một diễn biến bất ngờ, phần lớn do giá cổ phiếu đã xuống thấp sau 11 phiên liên tiếp giảm. "Động lực chính của thị trường hôm nay vẫn là hoạt động gom hàng của nhà đầu tư", ông Lân nhận định. Cũng theo chuyên gia phân tích này, đã có thêm thông tin hỗ trợ, song hiện chưa thông tin nào đủ sức nặng để một mình kéo chỉ số của sàn TP HCM bật mạnh như vậy.

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản tiền đồng, song tỷ lệ dự trữ bắt buộc được đưa từ 5% xuống 3%. Đây được coi là động thái khuyến khích hệ thống ngân hàng đưa thêm vốn ra lưu thông, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 được công bố tiếp tục tăng và hoàn toàn thoát khỏi xu hướng giảm, khiến mối lo về giảm phát thêm mờ nhạt.

Hôm 24/2, chứng khoán Mỹ cũng có một ngày giao dịch hứng khởi, khi Dow Jones lấy 3,3% giá trị sau chuỗi ngày chỉ đi xuống. Trước đó, Chủ tịch Cực Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã đưa ra nhận định, kinh tế Mỹ có khả năng chấm dứt suy thoái vào cuối năm nay. Giới đầu tư quốc tế cũng đang theo dõi sát sao thông điệp liên bang của Tổng thống Obama, đang được phát đi vào sáng nay.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index cũng tăng nhanh từ đầu phiên, với vai trò "đầu tàu" của ACB. HaSTC-Index đóng cửa tại 81,93 điểm, tăng 3,87 diểm (4,96%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,88 triệu đơn vị, trị giá 108,4 tỷ đồng.

Ngọc Châu

 

Mất đi 8,52 điểm, tương đương 3,49%, Vn-Index hôm nay chỉ còn 235,5 điểm trước làn sóng bán ra áp đảo, trong khi đó, HaSTC-Index tuột hẳn khỏi mốc 80.

Đà giảm lại nối tiếp trong phiên giao dịch sáng nay, chỉ số chứng khoán sàn TP HCM duy nhất một chiều đi xuống để kết phiên, Vn-Index thủng ngưỡng 240 điểm. Tuy nhiên, khối lượng chuyển nhượng vẫn duy trì ở mức khả quan, với 11,57 triệu chứng khoán, ứng với 277,9 tỷ đồng

Xu hướng bán ra mạnh mẽ khiến giá cổ phiếu suy giảm sâu hơn. Nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên HOSE mất điểm, thậm chí giảm sàn, như FPT, HPG, HAG, PVD, PVF... Trong khi đó, sự vươn lên của những mã vừa và nhỏ như IFS, VHC, SJ1... không đủ lực đẩy kéo Vn-Index đảo chiều sau 10 phiên liên tiếp mất điểm.

Vn-Index sáng nay mất đến 8,52 điểm khiến tổng quỹ chỉ còn 235,5 điểm. Ảnh: Đức Quang.

Chưa có thông tin hỗ trợ đủ mạnh giúp Vn-Index vực dậy về điểm số, trong khi đó, danh sách cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát lại tăng lên. Kể từ ngày 23/2, mã FPC (Công ty cổ phần Full Power) trở thành thành viên thứ 13 trong diện bị kiểm soát, do kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm tại thời điểm 31/12/2008.

Thi công ít công trình nhưng chi phí quản lý lớn... khiến kết quả kinh doanh quý IV của FPC lỗ 49,6 tỷ đồng và lũy kế năm thua 44,5 tỷ đồng. Hiện thị trường đã không còn quá sốc với thông tin cổ phiếu bị kiểm soát, song nó vẫn ít nhiều tác động đến tâm lý, khiến nhà đầu tư càng dè chừng hơn, chưa sẵn sàng nhập cuộc dù Vn-Index đã sụt gần 75% giá trị so với đầu năm 2008.

Đáng chú ý, trong hơn 20 mã tăng vào chung cuộc có sự góp mặt của 4 cổ phiếu đang bị kiểm soát, gồm BHS và VTA cùng ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp. Riêng PPC hồi phục nhẹ 0,1 điểm, lên 17.700 đồng. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Kim Eng, đây là cổ phiếu có thể xem xét mua vào. Bởi lẽ, PPC lỗ vì khoản trích lập dự phòng tỷ giá. Đây cũng là phiên thứ 5 liên tiếp cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết tăng điểm.

STB tiếp tục dẫn đầu thị trường về khối lượng sang tay, đạt 1,7 triệu cổ phiếu. VFMVF1 đứng vị trí thứ hai nhưng cũng chỉ có 827.840 cổ phiếu.

HaSTC-Index kéo dài chuỗi đi xuống khi hôm nay mất tiếp 2,2 điểm, tương đương 2,74% để tuột khỏi mốc 80 điểm và chỉ còn có 78,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt tăng mạnh nhất trong hơn một tháng qua, đạt gần 6 triệu chứng khoán, trị giá 112 tỷ đồng.

Bạch Hường

 

Phiên giảm điểm kỷ lục trong vòng 12 năm tại phố Wall hôm qua mang đến cho chứng khoán thế giới thêm một ngày ảm đạm. Đà tụt dốc tiếp tục tái diễn tại khu vực châu Á sáng nay.

Giới đầu tư ngày càng bất an về kế hoạch kích thích kinh tế của Nhà Trắng. Thêm vào đó, tin xấu từ AIG là một phần nguyên nhân khiến Phố Wall chao đảo. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trung bình 251 điểm trong ngày hôm qua, rất gần với mức đáy 7000 điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Chỉ số Standard & Poor 500 thậm chí đã chạm mức đáy của năm đó với việc giảm 26,72 điểm (3,47%), xuống mức 743,33 điểm.

Giá cổ phiếu của các công ty lớn rớt hàng loạt. Cổ phiếu của Hewlett-Packard giảm 1,96 USD (6,3%), của Intel giảm 70 cent (5,5%). General Electric giảm kỷ lục trong vòng 14 năm qua với 5,7%, xuống mức 8,85 USD.

Trong bối cảnh chung ảm đạm đó, le lói một vài tín hiệu khả quan ở ngành tài chính – ngân hàng. Sau những động thái của chính phủ Mỹ, cổ phiếu của Citigroup đã tăng 19 cent (9,7%) đạt mức 2,14 USD. Trong khi đó, gía cổ phiếu của Bank of America cũng tăng 12 cent (3,2%) đạt 3,91 USD. Tuy nhiên, đà tăng này được đánh giá là không bền vững.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hơn lúc nào hết, đang ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán châu Á. Lợi nhuận của các công ty sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều nhà đầu tư phải bán tống cổ phiếu để cân bằng hoá đơn tài chính. Chính những động thái này đã khiến chỉ số chứng khoán khu vực sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 1,7%, xuống mức 75,01 điểm vào thời điểm 8 giờ 30 phút sáng nay, giờ Tokyo. Như vậy, chỉ số này đã “phá đáy” được xác lập vào ngày 28/08/2003. Kể từ thời điểm đầu năm, MSCI Asia Pacific đã mất đi 16% giá trị. Một trong những tác nhân trực tiếp gây ra hiện tượng này chính là sự chững lại của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, chỉ số MSCI World cũng giảm trong ngày thứ 11 liên tiếp ở mức 0,4% bất chấp việc các chính phủ Mỹ và Australia đều đã thông qua gói cứu trợ. Tại Nhật, chỉ số Nikkei 223 giảm 2,3% xuống mức 7204,54 điểm. Nếu chỉ số này còn tiếp tục giảm xuống dưới 7162,9 điểm trong ngày hôm nay, đó sẽ là mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 1982.

Thông tin đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán nước này là việc ban lãnh đạo Nomura Holding, công ty môi giới lớn nhất Nhật Bản, vừa đề cập đến việc ra bán lượng cổ phiếu trị giá 3,1 tỷ USD. Giá cổ phiếu của hãng này lập tức giảm 8,2% do các cổ đông lo ngại giá trị cổ phần của họ sẽ giảm nếu kế hoạch này được thưc hiện.

Vào lúc 10h40 Hà Nội, chỉ số Nikkei mất thêm 191,66 điểm, tương đương 2,6%. Hang Seng tại Hong Kong giảm 3,96% và KOSPI của Hàn Quốc mất 3,69%.

Thêm một kỷ lục buồn nữa được xác lập tại Australia khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,3%, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cổ phiếu của các công ty lớn tại nước này, đương nhiên, cũng không tránh khỏi đà giảm giá. Cổ phiếu của BHP Billiton, công ty khai mỏ hàng đầu thế giới giảm 2,1% trong khi con số này đối với Suncorp-Metway, nhà cung cấp bảo hiểm lớn thứ 3 tại Australia, là 5,4%.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,99%. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,95% trong khi 0,82% là mức giảm tại Pháp của CAC-40.

Nhật Minh (theo Bloomberg, Yahoo)

 

Gần 44 điểm tiêu tan qua trọn 10 phiên liên tục đi xuống, Vn-Index hôm nay chỉ còn lại 244,02 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường có tín hiệu vui khi đạt trên 11 triệu chứng khoán.

Sức cầu hiện vẫn chưa đủ mạnh giúp Vn-Index chấm dứt chuỗi suy giảm 9 phiên liên tiếp. Các trụ cột nâng đỡ thị trường hôm nay lại "im tiếng" khiến chỉ số chứng khoán sàn TP HCM kết thúc đợt khớp lệnh đầu ngập chìm trong sắc đỏ. Vn-Index lùi thêm 5,53 điểm với lượng chứng khoán thực hiện đạt 1,21 triệu, trị giá 19,2 tỷ đồng.

Trọn 10 phiên lao dốc, Vn-Index mất tổng cộng 43,55 điểm. Ảnh: Đức Quang.

Tình hình càng tồi tệ trong đợt khớp lệnh liên tục khi điểm số mất gần 4% giá trị. Chỉ có khoảng 15 cổ phiếu giữ mức tăng nhưng lại là những mã vừa và nhỏ, như BAS, CAN, IFS, KSH, PNC... nên không đủ sức lèo lái chỉ số quay đầu. Dù sụt gần 8,73 điểm sau đợt 2, nhưng thanh khoản lại là tín hiệu vui khi có đến 8,15 triệu chứng khoán giao dịch, thay vì mức 4-5 triệu trong cùng đợt của hơn tháng qua.

Sự suy giảm của Vn-Index khiến không ít nhà đầu tư lo ngại nhưng với một số người, đây lại là cơ hội giải ngân dòng tiền. Chính vì vậy, dù lao dốc sâu đến 3,38 % nhưng khối lượng chuyển nhượng chung cuộc lên đến 11,348 triệu, xấp xỉ mức đỉnh của tuần trước.

Trong danh sách cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với tỷ lệ 5%, đáng chú ý có cổ phiếu BHS của Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, lên 12.300 đồng, sau chuỗi giảm và đứng giá kéo dài kể từ khi bị kiểm soát tại HOSE ngày 9/2. Mã TPC (Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng) cũng vọt lên tăng trần ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp, sau 4 phiên giảm khi có thông tin cổ phiếu bị kiểm soát. VTA cũng lấy lại đôi chút sinh khí khi nhích lên 4.700 đồng.

STB giao dịch với 1,5 triệu cổ phiếu tiếp tục dẫn đầu thị trường về thanh khoản, VFMVF1 ở vị trí thứ hai, nhưng chỉ đạt 782.520 cổ phiếu.

HaSTC-Index sàn Hà Nội đánh dấu ngày mở hàng tuần cuối cùng tháng 2 bằng phiên đi xuống 3,94 điểm, tương đương 4,68%, chốt ở 80,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 4,4 triệu chứng khoán, ứng với 73,6 tỷ đồng.

Bạch Hường


 

Cổ phiếu rớt giá, khối ngoại nghiêng về bán ra, kết quả sản xuất kinh doanh nhiều công ty thua lỗ phải đưa vào diện kiểm soát khiến Vn-Index mỗi ngày đều có đáy mới. Theo ông Ken Tai, phân tích kỹ thuật công ty chứng khoán Kim Eng, tháng 10 mới là thời điểm đáng đầu tư nhất trong năm.

Trọn tuần lao dốc, chỉ số chứng khoán sàn TP HCM mất tổng cộng 21,94 điểm, tương đương 8,2%. Cứ mỗi ngày trôi qua, Vn-Index lại xác lập một đáy mới để chốt phiên cuối tuần chỉ còn có 252,57 điểm, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Vn-Index mất tổng cộng 21,94 điểm trong tuần. Ảnh: Đức Quang.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Ken Tai, đây chưa phải là chặng dừng chân cuối cùng của Vn-Index: "Châu Á sẽ không tách ra khỏi sự đi xuống từ Mỹ và Vn-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi xuống các mức thấp hơn. Mức hỗ trợ mạnh hiện tại là 221 điểm". Và chỉ khi xuất hiện các tin đặc biệt xấu làm cho ngưỡng 221 bị phá thì thị trường mới có thể xuống các mức sâu hơn.

Theo ông Ken Tai, chu kỳ của một cuộc khủng hoảng thường kéo dài khoảng 1 năm 11 tháng. Thị trường thế giới đã tạo đỉnh vào tháng 10/2007 nên có thể kỳ vọng Vn-Index sẽ tạo đáy vào quý IV năm nay. Đáng chú ý, nếu xem xét tính chu kỳ của Vn-Index, giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời điểm chỉ số chứng khoán gia tăng mạnh nhất, nên ông Ken Tai cho rằng "tháng 10 là tháng đáng để đầu tư nhất trong năm". Do đó, nhà đầu tư không nên bán ra ở thời điểm này.

Dù chưa tích lũy thêm điểm nào trong 5 phiên qua, nhưng giao dịch thị trường đã có phần ráo riết, nhộn nhịp hơn khi khối lượng chứng khoán chuyển nhượng bỗng vọt hơn 11 triệu ở hai phiên giữa tuần. Màu xanh cũng đã chớm trở lại nhưng không thể duy trì lâu khi lượng bán ra vẫn là rào cản chính không cho Vn-Index trở mình. Bình quân mỗi phiên có gần 9,2 triệu chứng khoán chuyển nhượng, vượt 30% so với bình quân tuần trước, trị giá 171 tỷ đồng.

Một tuần trôi qua, có thêm 5 cổ phiếu bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đưa vào diện kiểm soát do kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm, gồm có SAM, HAP, TPC, PPC, TYA. Thị trường đã ngay lập tức "sốc" ngay sau khi thông tin trên được công bố, tuột hẳn 9,24 điểm (3,339%) vào ngày 17/2. Danh sách cổ phiếu bị kiểm soát liệu có được nối dài thêm trong những ngày tới vẫn là câu hỏi khi còn 11 công ty niêm yết xin chậm nộp báo cáo tài chính.

Nhà đầu tư nước ngoài đã tăng cường bán ra so với mua vào. Cụ thể, khối ngoại mua tổng cộng gần 3,2 triệu chứng khoán, tập trung ở các cổ phiếu DPM, PPC, VNM, CII, trong khi lượng bán ra lên đến 6,3 triệu, hướng vào các mã KDC, NKD,SSI, ANV, DPM.

HaSTC-Index sàn Hà Nội may mắn hơn khi có được một phiên đi lên trong tuần dù chỉ nhích nhẹ 0,65 điểm, nhưng cũng góp phần hãm đà đi xuống của chỉ số. HaSTC-Index sẽ bắt đầu tuần mới với 84,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường mỗi phiên trong tuần đạt 3,3 triệu chứng khoán, ứng với 71 tỷ đồng.

Bạch Hường


 

Chứng khoán 2 sàn xác lập đáy mới

Posted In: , . By Công Ty Truyền Thông Số

Dấu hiệu tích cực không một lần xuất hiện, khiến xu hướng sụt giảm tiếp diễn từ đầu đến hết phiên giao dịch hôm nay. Vn-Index chạm mức 252,57 điểm ở phiên giảm thứ 9 liên tiếp, trong khi HaSTC-Index xuống ngưỡng 84,2.

Sau một phiên đảo chiều không thành vào hôm qua và thông tin chứng khoán Mỹ sụt mạnh, trong đó Dow Jones xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua, xu hướng thị trường trong nước tiếp tục đi xuống đã được dự báo trước.

Ở đầu phiên giao dịch, lệnh mua và bán tương đối đồng đều và các blue-chip giao dịch quanh giá tham chiếu. Nhưng về sau, lượng bán gia tăng khiến các mã lớn lần lượt mất điểm và ngưỡng hỗ trợ 250 điểm càng trở nên mong manh.

Đây là phiên thứ 9 liên tiếp Vn-Index mất điểm. Ảnh: Hoàng Hà

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index đóng cửa tại 252,57 điểm, giảm 2,28 điểm (0,89%). Khối lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm, đạt 7,62 triệu đơn vị thông qua báo giá, trị giá 138 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 58 cổ phiếu tăng điểm, 86 giảm và 33 mã giữ giá tham chiếu.

Tâm lý nhà đầu tư trước 8 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, cùng thông tin không mấy khả quan về kinh tế thế giới, khiến có thời điểm trong đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index đã xuống đến 250,6 điểm, giảm trên 3%.

Với tình hình thị trường hiện nay, chiến lược của nhiều nhà đầu tư mới dừng lại ở xem xét thị trường, chứ chưa sẵn sàng mua vào. Tâm lý lo lắng và thận trọng của giới đầu tư thể hiện rõ qua giao dịch hạn chế và mỗi ngày một giảm.

Điểm nhấn hiếm hoi trên sàn TP HCM hôm nay là sự tăng điểm của nhiều cổ phiếu nhỏ và các mã giảm mạnh trong những phiên trước. ANV, TRI, NKD, SAM có sự phục hồi mạnh mẽ và đều khớp ở giá trần, trong đó SAM duy trì đà tăng điểm từ đầu đến cuối phiên giao dịch. HAP, BBC, CNT, MPC cũng là những mã tăng mạnh. Chính đà đi lên của mã nhỏ và những cổ phiếu phục hồi này đã đỡ được một phần đà giảm điểm của Vn-Index và giúp chỉ số lấy lại điểm vào cuối đợt khớp lệnh liên tục.

Sau đại hội cổ đông bất thường diễn ra hôm qua, phiên này cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết không có giao dịch, dù vẫn có lệnh mua. Từ ngày 29/9/2008, BBT chỉ được giao dịch vào 15 phút của đợt khớp lệnh đóng cửa.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index giảm 1,07 điểm (1,25%), xuống mức 84,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch rất thấp, chỉ đạt 3,36 triệu đơn vị, trị giá 62,8 tỷ đồng.

Ngọc Châu

 

Thị trường phố Wall hôm 19/2 chứng khiến thêm một phiên giảm mạnh, khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones xuống sát mức điểm của năm 2002.

Chỉ số quan trọng nhất thế giới đã phá vỡ ngưỡng của ngày 20/11 năm ngoái và rơi xuống sát mức điểm của ngày 9/10/2002. Đóng cửa ngày giao dịch, Dow Jones chốt ở 7.465,95 điểm, giảm 89,68 điểm (1,2%). S&P 500 cũng giảm thêm 1,2%, trong khi Nasdaq mất tới 1,7%.

Nguyên nhân giảm điểm của thị trường phố Wall được nhận định là do yếu tố tâm lý. Nhà đầu tư chưa thấy xuất hiện hy vọng kinh tế Mỹ cũng như thế giới phục hồi, trong khi khủng hoảng nhà đất đã kéo dài trong 14 tháng. Kế hoạch kích thích kinh tế và hỗ trợ thị trường nhà đất của Tổng thống Mỹ Obama cũng chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.

Cùng ngày, thị trường châu Âu có phần khởi sắc, khi FTSE 100 của Anh tăng 0,3%, DAX của Đức nhích 0,2% trong khi CAC 40 của Pháp giảm nhẹ 0,1%. Cùng ngày, thị trường châu Á cũng tăng điểm, trong đó Nikkei 225 tăng 0,3%.

Tuy nhiên, tại phiên giao dịch sáng nay, các thị trường tại châu Á lại đồng loạt quay đầu đi xuống theo xu hướng của phố Wall. Vào lúc 10h15 tại Tokyo (8h tại Hà Nội), MSCI châu Á giảm 0,6%, với tỷ lệ 2 mã giảm mới có một mã tăng. Nikkei 225 cũng mất 0,7%.

Ngọc Châu (theo AP, Bloomberg)

 

Vn-Index nhanh chóng tăng hơn 2 điểm vào đầu phiên, song hoạt động chốt lời của nhà đầu tư dần dần kéo chỉ số đi xuống. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số của sàn TP HCM mất thêm 0,24 điểm.

Sự bật xanh bất ngờ của Vn-Index khiến giới đầu tư sáng nay trở nên hào hứng. Nhiều blue-chip tăng giá, trong đó có DPM, VNM với khối lượng khớp lệnh khá lớn đã kéo toàn thị trường đi lên. Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, Vn-Index tăng 2,22 điểm (0,87%), lên mức 257,31 điểm. Song khối lượng giao dịch toàn sàn TP HCM dừng lại ở 1,48 triệu đơn vị, trị giá 27,5 tỷ đồng.

Không có thông tin hỗ trợ cũng như diễn biến tích cực từ thị trường quốc tế, song 7 phiên giảm điểm liên tiếp khiến giá nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Trong đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index tiếp tục tăng và tiến xa khỏi ngưỡng hỗ trợ 250 điểm. Sau khi tăng cường mua vào ngày hôm qua, phiên này nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom vào các mã lớn. Có thời điểm Vn-Index tăng hơn 3 điểm.

Tuy nhiên, từ giữa đợt 2, sức cầu yếu dần trong khi lượng bán ra tăng nhanh. Từ đầu tuần này, báo cáo của nhiều công ty chứng khoán đã nhận định, trong ngắn hạn chưa có cơ sở để kỳ vọng thị trường khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp ít rủi ro nhất lúc này là chốt lãi ngay khi có dấu hiệu khả quan. Kết thúc đợt 2, Vn-Index lùi xuống 253,9 điểm, giảm 1,19 điểm (0,47%).

Tại thị trường quốc tế, hôm 18/2, ngoại trừ Dow Jones nhích nhẹ, các chỉ số chính đều đi xuống. Tuy nhiên, mức giảm điểm của các thị trường đã thấp hơn các ngày giao dịch trước, với sự tăng giảm đan xem trong phiên. Mở cửa phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, các chỉ số các quay đầu tăng điểm. Song giới phân tích nhận định, thị trường quốc tế vẫn ở trong giai đoạn lình xình.

Kết thúc phiên giao dịch, dư bán vẫn đầy ắp. Vn-Index đóng cửa tại 254,85 điểm, giảm 0,24 điểm (0,09%). Thanh khoản thị trường không được cải thiện, với khối lượng giao dịch qua khớp lệnh đạt 9,4 triệu đơn vị, trị giá 169,7 tỷ đồng.

Toàn sàn có 57 mã tăng điểm, 77 cổ phiếu giảm giá và 43 mã giữ giá tham chiếu.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index cũng tăng nhẹ từ đầu phiên và duy trì cho đến lúc đóng cửa thị trường. Chỉ số chốt phiên ở 85,27%, nhích 0,65 điểm (0,77%). Song giao dịch vẫn ở mức cầm chừng, với tổng khối lượng giao dịch 4 triệu đơn vị, trị giá 76,9 tỷ đồng.

Ngọc Châu



 

Ngoại trừ Dow Jones, các chỉ số quan trọng khác của chứng khoán Mỹ và châu Âu hôm 18/3 tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, thị trường diễn biến tích cực hơn khi đà giảm chậm lại.

Hôm 18/2, mức giảm điểm của các thị trường đã thấp hơn những ngày trước. Ảnh: AP

Sau nhiều diễn biến giằng co, đến cuối ngày giao dịch, Dow Jones chỉ nhích 3,03 điểm (0,1%) lên mức 7.555,63 điểm. Đây là ngày giao dịch thứ hai chỉ số công nghiệp đứng sát với mức giá thấp lịch sử của ngày 20/11 năm ngoái.

Trong khi đó, Standard & Poor's 500 tiếp diễn đà di xuống, khi giảm 0,1% và Nasdaq cũng mất thêm 0,2%.

Giới đầu tư có phản ứng khá lạnh nhạt với thông tin Tổng thống Obama công bố kế hoạch 75 tỷ USD nhằm hỗ trợ những người mua nhà thế chấp trả nợ để tránh tình trạng họ bị tịch biên nhà. Họ cũng được khích lệ bởi phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama về "khởi đầu của sự kết thúc khủng hoảng" với gói 787 tỷ USD, nhưng tâm lý lo lắng vẫn bao trùm.

Đến nay khủng hoảng nhà đất Mỹ đã kéo dài 14 tháng và là một trong những thời kỳ nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua. Số liệu mới công bố cho thấy tỷ lệ xây dựng nhà mới trong tháng 1 đã giảm 16,8%, xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Sản xuất tại các khắp nước Mỹ cũng giảm 1,8% trong tháng qua, mạnh hơn mức dự kiến.

Tại châu Âu, FTSE 100 của Anh giảm 0,7%, DAX của Đức mất 0,3% và CAC 40 của Pháp lùi thêm 0,1%. Cùng ngày tại Nhật, Nikkei 225 giảm mạnh 1,5%, và đóng cửa tại 7.534,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tín hiệu tích cực đã xuất hiện rõ nét hơn khi sáng nay, các chỉ số tại châu Á đã quay đầu tăng điểm. Chỉ số MSCI châu Á tiến được 0,3% vào 10h sáng tại Tokyo (8h tại Hà Nội), trong khi Nikkei 225 lấy lại 0,6%, S&P/ASX 200 tăng 1,2% và NZX của New Zealand nhích 0,4%.

Ngọc Châu (theo AP, Bloomberg)

 

Khối lượng cổ phần đấu giá công khai của công ty lần đầu ra công chúng nhỏ hơn 10 tỷ VND, và sẽ thực hiện qua tổ chức tài chính trung gian là Công ty cổ phần Chứng khoán FPT. Dự kiến, giá cổ phiếu khởi điểm sẽ là 11.200 đồng.

Theo kế hoạch IPO vừa được công bố, trong vòng 2-4 tuần, FPT Elead sẽ tiếp nhận đơn đăng ký và tiến hành đấu giá.

Dự kiến công ty mẹ FPT sẽ chỉ giữ 20% vốn, phần còn lại sẽ huy động từ cán bộ nhân viên, các đối tác và bên ngoài, với tỷ lệ tương ứng 25%, 35% và 20%. Đối với cán bộ nhân viên, cổ phiếu ưu đãi sẽ được bán với giá bán bằng 80% đấu giá thành công bình quân nhưng không thấp hơn mệnh giá và hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Với đối tác của công ty, cổ phiếu được bán theo giá ưu đãi với giá bán bằng 90% giá đấu giá thành công bình quân và hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.

Thành lập tháng 5 năm 2002, FPT Elead trực thuộc tập đoàn FPT. Sau hơn 6 năm hoạt động chính thức, FPT Elead đã trở thành nhà sản xuất và lắp ráp máy tính thương hiệu số 1 tại Việt Nam. Để đáp ứng kịp tốc độ phát triển của FPT Elead, nằm trong chiến lược của Tập đoàn FPT, FPT Elead bắt đầu tiến trình cổ phần hóa vào tháng 2 năm 2009.

Giá trị FPT Elead được xác định để cổ phần hóa tại thời điểm 31/10/2008 là hơn 64,2 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn chủ sở hữu (phần vốn đầu tư của Công ty TNHH phân phối FPT) tại thời điểm cổ phần hóa là 37,86 tỷ.

Trong năm 2008, công ty đã đạt 35 triệu USD doanh số, đạt 160% lợi nhuận, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ Duyên

 

Tổng thống Mỹ Obama ngày 17/2 đã đặt bút ký thông qua dự luật kích thích kinh tế 787 tỷ USD, nhưng lo ngại của giới đầu tư về tình hình đang ngày một xấu đi khiến phố Wall tiếp tục có một ngày mất điểm mạnh.

Một nhà môi giới làm việc trên sàn phố Wall ngày 17/2. Ảnh: Reuters

Kết thúc ngày giao dịch, Dow Jones giảm 297,8 điểm (3,79%) và đóng cửa ở mức 7.552,6, gần chạm tới mức điểm của ngày giao dịch đen tối 20/11 năm ngoái, sau khi Thượng viện Mỹ hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua kế hoạch sử dụng gói 25 tỷ đôla giải cứu ngành công nghiệp xe hơi. Cũng trong ngày 17/2, Standard & Poor's 500 mất 4,56% xuống mức 789,17 điểm. Nasdaq giảm 4,15%.

Cùng ngày Tổng thống Obama đã ký thông qua dự luật 787 tỷ USD và biến nó chính thức trở thành kế hoạch kích thích kinh tế thứ hai của Mỹ trong gần nửa năm qua. Cùng lúc, giới đầu tư tài chính nôn nóng chờ đợi những bước đi cụ thể của Chính phủ Mỹ để vực dậy nền kinh tế.

Tuy nhiên, mối lo ngại về hệ thống ngân hàng đang ốm yếu, ngành công nghiệp xe hơi bên bờ vực phá sản và thị trường nhà đất chưa có dấu hiệu thoát khỏi khủng hoảng, và người dân vẫn thắt chặt chi tiêu đã lấn át những hy vọng về chuyển biến mới tại nền kinh tế lớn nhất thế giới với kế hoạch 787 tỷ USD.

Ngày 17/2 cũng tiếp diễn chuỗi ngày giao dịch trong xu hướng đi xuống của chứng khoán toàn cầu, bởi các nhà đầu tư đang cân nhắc trước viễn cảnh thời điểm kinh tế thế giới phục hồi có thể lùi xa hơn dự kiến. Trong khi đó, cuộc họp của bộ trưởng tài chính của các quốc gia công nghiệp lớn nhất G7 không mang lại kết quả cụ thể.

Hiện giới phân tích thế giới nhận định, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đi xuống, ít nhất cho đến giữa tháng 7 năm nay.

Trên các thị trường Á, Âu, cũng chưa xuất hiện dấu hiệu tích cực. FTSE 100 của Anh lùi 2,43%, DAX của Đức giảm 3,44% và CAC 40 của Pháp giảm tiếp 2,94%. Cùng ngày, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 1,4% và Hang Seng của Hong Kong mất tới 3,79%.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, đà mất điểm tiếp diễn. Vào 9h50 tại Tokyo (khoảng 8h tại Hà Nội), chỉ số MSCI châu Á giảm 0,9% và Nikkeei 225 mất 1,6%.

Ngọc Châu (theo AP, Bloomberg)

 

Không có thông tin hỗ trợ, Vn-Index hôm nay bay vèo 9,24 điểm, tương đương 3,39% xuống còn 263,07. Tuy nhiên, giao dịch hé lộ khởi sắc sau chuỗi ngày thấp dần đều.

Trong hơn 10 phiên giao dịch kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Vn-Index chỉ tăng 3 phiên. Xu hướng đi xuống chủ đạo khiến chỉ số chứng khoán sàn TP HCM không ngừng lập đáy mới và đang lùi về khởi điểm của hơn 3 năm trước.

Vn-Index ngày 17/2 khởi động trong sự uể oải và buồn tẻ khi giao dịch chỉ đạt 985.540 chứng khoán, tương đương 18,3 tỷ đồng. Chỉ số cũng không thể gỡ 3,55 điểm đã mất trong đợt 1, ngược lại còn tuột dốc nhanh hơn trong đợt khớp lệnh liên tục.

Điểm số Vn-Index hôm nay giảm mạnh nhất trong hai tháng qua. Ảnh: Đức Quang.

Những cổ phiếu mới bị đưa vào diện kiểm soát hôm qua trên HOSE (SAM, HAP, TPC, PPC, TYA) cùng chung nhịp đi xuống với dư bán chất đầy. Dù thị trường đã không còn quá sốc với thông tin cổ phiếu liệt vào diện kiểm soát, nhưng trong bối cảnh chưa có những yếu tố hỗ trợ tích cực thì thông tin trên vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Tổng cộng 8 triệu chứng khoán sang tay sau đợt 2, trị giá 156,28 tỷ đồng.

Kết cục không được chờ đợi lại tái diễn khi Vn-Index mất đến 9,24 điểm hôm nay. Tuy nhiên, trái ngược với sự suy giảm mạnh về điểm số, thanh khoản ở mức cao nhất trong hơn một tháng qua, với lượng thực hiện toàn phiên đạt 11,4 triệu chứng khoán, giá trị 215,16 tỷ đồng.

Theo Giám đốc phân tích đầu tư công ty chứng khoán Tân Việt, ông Hoàng Xuân Quyến, từ "cắt lỗ" hiện không còn ý nghĩa nữa vì giá chứng khoán đã suy giảm mạnh, nếu bán ra, nhà đầu tư chắc chắn lỗ và cũng không gom lại bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều dự báo cho rằng, quý I là thời điểm Vn-Index tìm đáy, sau đó đi dần đến sự hồi phục ở những quý tiếp theo khi những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế trong và ngoài nước xuất hiện. Chính vì thế, hiện nhà đầu tư vẫn chưa dám mua vào mạnh tay dù giá cổ phiếu thấp, nhất là lại sợ rằng, khi cổ phiếu về đến thì giá chứng khoán đã lại suy giảm tiếp.

Theo dự báo của Phòng phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt, thị trường có thể sẽ tiếp tục duy trì xu thế đi ngang hoặc giảm nhẹ trước khi có sự hồi phục. Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật gần nhất là vùng 250-255 điểm nên những nhà đầu tư theo quan điểm an toàn và ngắn hạn, cần chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn để tham gia.

Toàn sàn có 17 mã tăng, 25 cổ phiếu đứng và 134 mã tuột điểm.

Chia tay mốc 90 điểm, HaSTC-Index sàn Hà Nội vơi mất 2,02 điểm (2,24%), chỉ còn lại 88,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 4,4 triệu chứng khoán, ứng với 82,6 tỷ đồng.

Bạch Hường-Vnexpress


 

Các thị trường chứng khoán châu Âu và Á hôm 16/2 đồng loạt đi xuống, sau khi có thêm tin xấu về ngành ngân hàng và viễn cảnh kinh tế Nhật xuống dốc nhanh nhất trong vòng 35 năm qua.

Tin xấu liên tiếp được cập nhật khiến thị trường chứng khoán Âu, Á không tránh khỏi đà giảm điểm. Ảnh: AFP

Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 0,91%, trong khi DAX của Đức mất 0,79% và CAC 40 của Pháp lùi 0,76%. Chỉ số tổng hợp DJ Euro Stoxx 50 của các cổ phiếu thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng mất 0,94%.

Thị trường châu Á trước đó đã sớm có phản ứng với tin xấu. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 0,4%, Hang Seng của Hong Kong mất 0,7% và Kosspi của Hàn Quốc mất tới 1,4%. Các thị trường Ấn Độ, Australia và Singapore cũng chứng kiến đà giảm giá, riêng các chỉ số tại Thượng Hải tăng điểm.

Trong ngày 16/2, Nhật công bố báo cáo cho thấy, GDP của nước này có mức sụt giảm so với cùng kỳ năm trước mạnh nhất trong vòng 35 năm. Hiện là thời kỳ kinh tế Nhật xuống dốc nhanh nhất kể từ sau Thế chiến II, bởi cầu về hàng hóa xuất khẩu từ Nhật trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Trước đó, vào cuối tuần trước, tập đoàn ngân hàng của Anh Lloyds (LBG) thông báo có thể mức thua lỗ trước trong năm 2008 có thể lên tới 10 tỷ bảng (14,5 tỷ USD).

Trong khi đó, hội nghị của bộ trưởng tài chính của các nước G7 đưa ra cảnh báo, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tiếp diễn trong cả năm nay. Ngoài lời cảnh báo này, lãnh đạo tài chính của 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới không đưa ra biện pháp cụ thể nào để tháo gỡ tình trạng khủng hoảng trên thị trường tài chính thế giới.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch nhân lễ Presidents Day.

Thu Nga (theo AFP, AP)

 

Thêm 5 cổ phiếu bị kiểm soát

Posted In: , . By Công Ty Truyền Thông Số

Từ ngày 16/2, thêm 5 cổ phiếu được Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đưa vào diện kiểm soát, gồm SAM, HAP, TPC, PPC, TYA, do kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008 phát sinh âm

Công ty cổ phần dây và cáp điện Taya Việt Nam (mã TYA) trong quý IV lỗ 176,49 tỷ đồng, trong khi quý III lãi 29,16 tỷ đồng và cả năm âm 110,3 tỷ đồng. Theo giải trình của TYA, nguyên liệu đồng trên thế giới giảm mạnh khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá nguyên liệu hàng tồn kho gần 135 tỷ đồng. Thêm vào đó là sự biến động của tỷ giá hối đoái, công ty vay vốn nhà băng bằng USD để nhập khẩu nguyên vật liệu, đến khi đáo hạn, chênh lệch tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do vào khoảng 9% và liên ngân hàng khoảng 5%.

Tính đến nay đã có 12 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Ảnh: Đức Quang.

Biến động tỷ giá cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2008 của công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại lỗ 469,44 tỷ đồng. Tỷ giá JPY/VND tăng cao, vì thế đã phát sinh khoản chi phí xác định lại khoản nợ vay lên đến 1.543 tỷ đồng đã khiến PPC thua lỗ trong năm qua.

Bị liệt vào danh sách kiểm soát còn có SAM (công ty cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông) vốn được xem là blue-chip và gắn bó với thị trường chứng khoán từ những phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE. Chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế quý IV năm 2008 của SAM âm 154,84 tỷ đồng và lũy kế cả năm lỗ 67,38 tỷ đồng.

Có tên trong danh sách cổ phiếu bị kiểm soát còn HAP (công ty cổ phần Hapaco) với mức lỗ 68,7 tỷ đồng do chi phí tăng, trích lập dự phòng. Trong khi đó, mã TPC của công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, thua khoảng 51 tỷ đồng.

Với mức thua lỗ trong năm 2008 lớn hơn vốn chủ sở hữu, cổ phiếu TRI đã bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đưa vào diện kiểm soát từ ngày 3/2. Chưa đầy một tuần sau lại có thêm 4 cổ phiếu bị liệt vào dạng kiểm soát, gồm REE, BHS, VTA, VHG do kết quả kinh doanh cả năm âm.

Như vậy, đến nay đã có 12 cổ phiếu bị kiểm soát tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, gồm có BTC, BBT, TRI, REE, BHS, VTA, VHG, SAM, HAP, TYA, TPC, PPC.

Bạch Hường


 

Phiên đầu tuần diễn ra không suôn sẻ với các nhà đầu tư, chỉ số chính tại cả HaSTC và HOSE cùng lập các kỷ lục mới về giảm điểm khi chốt phiên lần lượt tại 272,31 điểm và 90,03 điểm.

Hy vọng về một phiên tăng được nhen nhóm sau đợt khớp lệnh mở cửa sáng nay 16/2. Chỉ số chính Vn-Index nhích nhẹ 0,35 điểm, tương ứng 0,13%, lên mức 274,86 điểm. Lượng thực hiện sau đợt một là 754 nghìn cổ phiếu, giá trị 9,94 tỷ đồng.

Ngoại trừ REE, STB, SSI, PPC, VNM, VSH các mã lớn còn lại chỉ đứng giá tham chiếu hoặc giảm nhẹ. Động lực kéo Vn-Index đi lên chủ yếu đến từ sự hồi phục khá yếu ớt tại một số penny-chip.

Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc, tăng điểm vào đầu phiên để rồi ngập trong sắc đỏ vào giữa hoặc cuối ngày lại được lặp lại. Vn-Index sụt xuống dưới tham chiếu ngay khi đợt hai bắt đầu được vài phút.

Vn-Index lần thứ 5 liên tiếp phá đáy, và đang hướng tới mốc chẵn tiếp theo 270 điểm. Ảnh: Hoàng Hà.
Vn-Index lần thứ 5 liên tiếp phá đáy, và đang hướng tới mốc chẵn tiếp theo 270 điểm. Ảnh: Hoàng Hà.

Đợt khớp lệnh thứ hai kết thúc, Vn-Index chốt tại 272,14 điểm, bị trừ 2,37 điểm, ứng với 0,86%. Số chứng khoán được khớp đạt 4,62 triệu, giá trị 80,81 tỷ đồng.

Số điểm trừ của hàn thử biểu được xóa bớt trong đợt ba xuống còn 2,2 điểm, ứng với 0,8%. Chừng đó là không đủ để tránh cho thị trường thêm một viên giao dịch thất bát, Vn-Index đóng cửa tại 272,31 điểm. Như vậy, đây là ngày giao dịch thứ 4 liên tiếp, Vn-Index phá đáy. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo mà chỉ số này hướng đến sẽ là mốc chắn 270 điểm.

Tổng lượng sang tên qua giao dịch báo giá đạt 5,54 triệu chứng khoán, giá trị 100 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận giúp lượng giao dịch trong ngày có thêm 30 nghìn cổ phiếu, giá trị 970 triệu đồng.

Toàn sàn có 50 mã tăng, 37 mã đứng giá, và 89 mã giảm giá.

Trong giai đoạn giảm mạnh hồi giữa năm ngoái, Vn-Index dù giảm sâu liên tiếp nhưng vẫn lác đác một số cổ phiếu nhỏ đi lên trong một thời gian dài, chẳng hạn như chuỗi tăng trần kéo dài hơn 20 phiên của FPC và TMS. Nhà đầu tư nhờ vậy có thể tìm được lợi nhuận từ các mã trên. Tuy nhiên, cơ hội thu lời từ đầu tư cổ phiếu trong khoảng 2 tháng gần đây là rất ít ỏi. Gần như không một cổ phiếu nào trên cả hai sàn thoát khỏi xu hướng xuống của thị trường.

Nếu tính trong gần 2 tuần trở lại đây, tại HOSE chỉ duy nhất cổ phiếu MCP của Công ty Bao Bì Mỹ Châu là mang lại lợi nhuận đáng kể. Mã MCP đã có chuỗi 6 phiên liên tiếp không mất điểm, giá trị tăng khoảng 18%. Dư mua ở cổ phiếu này dẫu sao vẫn rất thấp và không có nhiều cơ sở đảm bảo rằng, đà tăng của mã này sẽ được duy trì trong thời gian tới.

Diễn biến tại HaSTC cũng không khả quan hơn. Tạm thời thoát hiểm dù có thời điểm bước chân xuống dưới ngưỡng 90, chỉ số HaSTC-Index xác lập đáy mới tại 90,03 điểm, thấp hơn phiên trước 0,91 điểm, ngang mức giảm 1%. Tổng giao dịch toàn sàn đạt 2,81 triệu, giá trị 53,22 tỷ đồng.

Xuân Hòa

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng đôla để đầu tư cho các dự án trọng điểm và bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.

Theo quyết định này, trái phiếu được phát hành theo nhiều đợt và Bộ Tài chính sẽ quyết định khối lượng và lãi suất cho từng đợt phát hành sau khi tham khảo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng như nhu cầu vốn trong nước. Kỳ hạn của trái phiếu là một năm, và được thanh toán bằng đôla.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều thuộc diện được mua trái phiếu, bao gồm cả người dân.

Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức bảo lãnh, đấu thầu hoặc bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và được niêm yết, giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán. Chủ sở hữu trái phiếu có thể chuyển nhượng, tặng, thừa kế hoặc sử dụng để cầm cố trong các quan hệ tín dụng.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, trong năm 2009, thị trường trái phiếu tại khu vực Đông Á mới nổi, bao gồm Việt Nam, sẽ phát triển mạnh nhờ hoạt động phát hành trái phiếu của chính phủ các nước nhằm huy động vốn cho kích thích kinh tế.

Cũng theo ADB, trong năm 2008 vừa qua, Trung Quốc và Việt Nam là 2 thị trường trái phiếu phát triển mạnh, trong đó Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất vào quý IV và nhìn chung trong cả năm phát triển nhanh hơn các nước khác.

Ngọc Châu

 

Hai chỉ số chính Vn-Index và HaSTC-Index mất lần lượt 1,74% và 2,52% sau tuần qua, kéo dài chuỗi giảm tuần của chứng khoán lên con số 4. Trong đó, lợi nhuận ảm đạm của quý IV tiếp tục là thủ phạm cho diễn biến xấu của thị trường.

Chỉ số chính của HOSE mất điểm 4 trong tổng số năm phiên. Từ mức 281,63 điểm của cuối tuần trước, Vn-Index trượt dốc 7,12 điểm, tương đương 2,52%, xuống còn 274,51 điểm. Như vậy, chỉ trong 3 phiên gần đây, Vn-Index liên tiếp phá đáy ba lần, xuống mức thấp nhất kể từ 16/9/2005, và nhiều khả năng sẽ còn “phá” tiếp trong những ngày tới.

Trung bình có 6,55 triệu chứng khoán được sang tên mỗi phiên, giá trị 126,86 tỷ đồng. So với tuần trước, khối lượng khớp lệnh thay đổi không nhiều, giảm 0,6% nhưng giá trị khớp lệnh giảm 11,5%.

Chứng khoán giảm điểm 4 phiên trong tổng số 5 phiên của tuần, trong đó có 3 lần liên tiếp phá đáy. Ảnh: Hoàng Hà.
Chứng khoán giảm điểm 4 phiên trong tổng số 5 phiên của tuần, trong đó có 3 lần liên tiếp phá đáy. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau 5 ngày giao dịch liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài không còn ở vị thế mua vào mà tăng cường bán ra. Khối ngoại tuần qua mua vào 4,19 triệu cổ phiếu, và bán ra 5,9 triệu. Lượng bán ra lớn hơn mua vào xấp xỉ 1,6 triệu cổ phiếu, trong khi tuần trước, nhà đầu tư ngoại mua ròng gần 800 nghìn cổ phiếu.

Xuyên suốt 4 phiên giảm của Vn-Index là sự ảm đạm đến từ kết quả quý IV cũng như cả năm 2008 của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Không chỉ các công ty nhỏ hoặc trung bình gặp khó khăn mà nhiều cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hang đầu thị trường cũng điêu đứng.

Bên cạnh các mã thiệt hại nặng là REE lỗ 152 tỷ, BVS lỗ 452,86 tỷ, KLS lỗ 347 tỷ... là những khoản lỗ quý IV chóng mặt 1.001 tỷ của PPC, 232 tỷ của HPG. Ngoài ra, trong giới đầu tư đang rộ lên tin đồn các quỹ nước ngoài bán bớt cổ phiếu để cơ cấu lại danh mục do sức ép giảm giá liên tiếp thời gian qua. Thông tin không kiểm chứng này cũng góp phần khiến chứng khoán càng thêm ảm đạm.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC dù gắng gượng được hai phiên tăng nhưng chung cuộc vẫn mất 1,72 điểm, tương đương với 1,85%, và chốt tại 90,94 điểm sau tuần qua. Tổng lượng khớp lệnh đạt 3,124 triệu chứng khoán, giá trị thực hiện 64,48 tỷ đồng.

Trước đó, chính phủ đã tuyên bố sẽ thực hiện gói kích cầu ngay trong tháng này với một số chương trình đáng chú ý như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, giãn thuế, giảm giá nhiên liệu... Tuy nhiên, thông tin trên chưa thể cải thiện được tâm lý bi quan của nhà đầu tư do kết quả kinh doanh của năm 2008.

Diễn biến và tình hình vĩ mô của thị trường trong nước là khá trùng hợp với xu hướng của thế giới, đặc biệt tại thị trường Mỹ, khi các gói kích cầu, kế hoạch cứu trợ ngân hàng được áp dụng hoặc thông qua nhưng vẫn không đủ để vực dậy các chỉ số chứng khoán.

Có lẽ do các điều chỉnh về tài khóa, tiền tệ để kích thích vĩ mô sẽ cần khoảng 3 đến 6 tháng để phát huy hiệu quả. Khoảng thời gian trên là khá dài và khó có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra với Vn-Index nên đa số nhà đầu tư vẫn chưa muốn quay lại với thị trường cổ phiếu.

Trong tuần tới, bên cạnh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, diễn biến của thị trường thế giới, cụ thể là nước Mỹ với việc gói kích cầu trị giá 787 tỷ đôla nhiều khả năng được chính thức thông qua vào thứ 2, sẽ có tác động nhất định tới chứng khoán.

Xuân Hòa-Vnexpress

 

Hôm qua 13/2, chứng khoán Mỹ có thêm phiên giảm do giới đầu tư chưa hoàn toàn yên tâm về gói kích cầu cũng như chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng (TARP). Trái lại, tại thị trường châu Á sắc xanh lại là màu chủ đạo.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 82,35 điểm, tương đương với 1,04% xuống còn 7.850,41 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) đóng cửa tại 826,84, thấp hơn tham chiếu 1%, ngang với 8,35 điểm. Chỉ số Nasdaq chốt tuần tại 1.534,36 điểm, bị trừ 7,35 điểm, ứng với 0,48%.

Như vậy sau khi thụt lùi 5,2% giá trị trong tuần qua, hiện Dow Jones đã trở về mức thấp nhất kể từ 20/11 năm ngoái. Mức giảm tuần trên hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 lần lượt là 3,6% và 4,8%.

Phố Wall đã trở về mức thấp nhất kể từ 20/11/2008 sau phiên giảm hôm qua. Ảnh: forextradingonlinesystems.com.

Vào hôm qua, cả Morgan Stanley, Citigroup và JP Morgan Chase đều đồng loạt tuyên bố hoãn nợ cho một số hoặc tất cả các khoản nợ sắp bị tịch thu tài sản thế chấp cho đến đầu tháng 3. Khoảng thời gian này cho phép Chính quyền của Tổng thống Obama thời gian để hoàn thành chương trình hỗ trợ cho vay để mua nhà.

Bất chấp thông tin trên, khối ngân hàng tiếp tục xuống điểm, thể hiện sự hoài nghi của giới kinh doanh về kế hoạch sử dụng 350 tỷ đôla còn lại thuộc Chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng (TARP).

Ông Ben Halliburton, sáng lập viên đồng thời là Giám đốc Đầu tư tại Tradition Capital Management, nói: “Tôi cho rằng Chính phủ không thỏa mãn với diễn biến của phố Wall tuần này”. Ông phân tích: “Kế hoạch kích thích kinh tế gây thất vọng vì nó sẽ khó tạo được nhiều việc làm như dự tính ban đầu. Kế hoạch của bộ tài chính (TARP) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện trong khi nhà đầu tư lại mong đợi kế hoạch chi tiết đã phải được hoàn thành”.

Kế hoạch kích cầu này là sự kết hợp của các chương trình giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng chi tiêu chính phủ vào các dự án phục vụ cộng đồng, và nhiều biện pháp kinh tế khác. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại nó không đủ để giải quyết những vấn đề sâu xa của kinh tế Mỹ.

Phiên cuối tuần của thị trường châu Âu kết thúc với hình ảnh buồn vui lẫn lộn. Trong khi tại Anh, chỉ số FTSE 100 xuống 0,3%, thì hai chỉ số chính DAX của Đức và CAC 40 của Pháp lại tăng lần lượt 0,13% và 1,13%. Sau tuần qua, chỉ số FTSE 100 sụt 2,4%, CAC 40 tiến bước 4%, chỉ số DAX được cộng 4,9%.

Chứng khoán châu Á có một ngày cuối tuần lạc quan nhờ tin nước Mỹ sắp đưa ra chương trình hỗ trợ người vay ngân hàng để mua nhà. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật được cộng 0,96%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 1,07%. Chỉ số Shanghai Composite lên 3,23%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đóng cửa cao hơn tham chiếu 2,47%.

Như vậy, sau 5 phiên liên tiếp của tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,7%. Chỉ số Hang Seng giảm 0,7%, chỉ số KOSPI giảm 1,47%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 6,4%.

Xuân Hoà (Theo CNN, Bloomberg)

 

Chỉ số chứng khoán sàn TP HCM tiếp tục lùi bước phiên hôm nay, đưa Vn-Index về 274,51 điểm sau khi mất 1,58 điểm (0,57%), đánh dấu phiên đi xuống thứ tư liên tiếp trong tuần.

Giao dịch Vn-Index vẫn ở mức cầm chừng bởi giới đầu tư đang thận trọng nghe ngóng, xem xét liệu có còn những trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát trong thời gian tới. Đợt khớp lệnh đầu không có gì khác biệt so với 4 phiên trước đó, Vn-Index suy giảm xuống 274,21 điểm sau khi bị trừ 0,68%, với lượng thực hiện 1,01 triệu chứng khoán, trị giá 14,8 tỷ đồng.

Vn-Index mất 7,12 điểm trong tuần giao dịch thứ hai của tháng 2. Ảnh: Đức Quang.

Vn-Index có thêm nhiều thời gian hơn trong đợt khớp lệnh liên tục để đảo ngược tình thế khi điểm số cách mốc tham chiếu chưa đến 2 điểm. Tuy nhiên, thị trường dường như vẫn còn ảnh hưởng nhiều bởi tin các cổ phiếu bị kiểm soát. Chưa kể vào cuối tháng này, doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng phải gửi bản kế hoạch tăng vốn lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, nếu không sẽ phải chia tay HOSE.

Nhà đầu tư hiện vẫn dõi theo diễn biến thị trường hơn là sẵn sàng nhập cuộc khiến Vn-Index đuối sức trong nỗ lực đảo chiều ở đợt 2. Trong số 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn TP HCM có mỗi PPC leo cao hơn tham chiếu, VNM, PVF cùng STB trụ mức tham chiếu trong khi những mã khác trượt giá.

Phiên giao dịch thứ sáu ngày 13 tái diễn kết thúc buồn khi Vn-Index lại mất điểm, ấn định phiên đi xuống thứ tư liên tiếp của chỉ số này với tổng cộng 7,12 điểm đã bốc hơi. Khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh thấp nhất kể từ phiên đầu tháng, chỉ có gần 5,6 triệu chứng khoán sang tay, tương đương 98,89 tỷ đồng. Phương thức thỏa thuận giúp chỉ số gặt hái thêm 20 nghìn chứng khoán, cũng chỉ đưa tổng giá trị giao dịch lên 99,18 tỷ đồng.

Chung cuộc có 65 mã tăng, 46 cổ phiếu đứng giá và 65 mã mất điểm. Cổ phiếu SAM hôm nay giao dịch nhiều nhất phiên với 509.090 cổ phiếu và tăng trần, ở mức 12.200 đồng mặc dù báo cáo quý IV công ty thua lỗ 155 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng cao, kéo lợi nhuận cả năm âm 67 tỷ đồng. REE dù đã thuộc diện bị kiểm soát do kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm, nhưng giao dịch vẫn thuộc hàng top 5 thị trường hôm nay, với 356.020 cổ phiếu, tăng nhẹ lên 18.800 đồng.

HaSTC-Index trên sàn Hà Nội đánh dấu phiên kết tuần với việc sụt giảm 0,44 điểm (0,48%), để dừng ở 90,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường xấp xỉ phiên hôm qua, đạt 2,77 triệu chứng khoán, ứng với 52,18 tỷ đồng.

Bạch Hường


 

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị HOSE cho biết, do tình hình đặc biệt năm nay nên báo cáo tài chính năm của công ty niêm yết nếu lỗ, sẽ bị đưa vào diện kiểm soát ngay mà không cần chờ đến khi có kết quả kiểm toán như quy định.

Theo người phát ngôn của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), tác động từ những chính sách của kinh tế vĩ mô trong nước cộng với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến doanh nghiệp trải qua một năm kinh doanh khó khăn vừa qua. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp báo cáo thông tin về kết quả hoạt động năm, Sở ngay lập tức công bố ra thị trường và sẽ đưa vào diện bị kiểm soát nếu kết quả kinh doanh phát sinh âm.

Việc đưa chứng khoán vào diện bị kiểm soát nhằm cảnh báo cho nhà đầu biết về việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của HOSE. Ảnh: Đức Quang.

Tuy nhiên, nếu kết quả kiểm toán báo cáo tài chính là lãi thì doanh nghiệp sẽ ra khỏi diện kiểm soát. Nhưng theo HOSE, điều này rất khó xảy ra vì doanh nghiệp đã hạch toán lỗ thì khi kiểm toán khó chuyển lỗ thành lãi được.

Chi phí lãi vay, nguyên vật liệu tăng cao cộng với việc sụt giảm của thị trường chứng khoán chính là những nguyên nhân chủ đạo khiến các doanh nghiệp bị thua lỗ trong năm qua. Theo dự đoán của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, số cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát nhiều khả năng sẽ tăng lên khi còn đến 45 doanh nghiệp niêm yết xin chậm nộp báo cáo tài chính năm.

Trước tình hình này, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM khuyến cáo nhà đầu tư không nên hoảng loạn, ngược lại cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và khả năng khôi phục các khoản thua lỗ cũng như những thông tin Sở yêu cầu công ty giải trình thêm. Ví như REE, âm do đầu tư tài chính trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh chính vẫn tốt. VTA lỗ do vay vốn lưu động với lãi suất cao trong khi hàng sản xuất không bán được buộc phải ngừng sản xuất. Trong khi đó, BHS thua do dự phòng tài chính và chi phí sản xuất tăng cao.

"Chỉ khi doanh nghiệp khắc phục hết các nguyên nhân dẫn đến bị kiểm soát thì tình trạng này sẽ được dỡ bỏ", đại diện Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết. Đối với trường hợp lỗ, do kết quả kinh doanh một quý không phản ánh hết tính mùa vụ, chu kỳ kinh doanh đặc thù của một công ty, nên Sở sẽ căn cứ vào báo cáo năm có kiểm toán. Và nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm tiếp theo của doanh nghiệp có lãi thì công ty sẽ được đưa ra khỏi diện kiểm soát.

Ngày 3/2, cổ phiếu TRI của công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn - Tribeco bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đưa vào diện kiểm soát khi mức thua lỗ trong năm 2008 (khoảng 145 tỷ đồng) lớn hơn vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12 (khoảng 140 tỷ đồng). Nguyên nhân lỗ do chi phí tăng, dự phòng giảm giá chứng khoán cùng nợ khó đòi, công ty liên kết Tribeco Bình Dương 6 tháng cuối năm thua lỗ.

Chưa đầy 1 tuần sau, vào ngày 9/2, thêm 4 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát với cùng nguyên nhân, kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm. Theo đó, REE lỗ 139,34 tỷ đồng do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán; BHS (công ty cổ phần đường Biên Hòa) thua 43,2 tỷ đồng do dự phòng tài chính và chi phí sản xuất tăng cao; VTA (công ty cổ phần Vitaly) âm gần 2,9 tỷ đồng do vay với lãi suất cao nhưng hàng không bán được, trong khi đó, VHG (công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt - Hàn) âm 17,02 tỷ đồng.

Bạch Hường


 

Các doanh nghiệp dưới 80 tỷ đồng phải trình Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) kế hoạch tăng vốn điều lệ, số vốn sau khi tăng và thời gian thực hiện, chậm nhất vào ngày cuối tháng 2.

Riêng những công ty không có kế hoạch tăng vốn phải gửi công văn xác nhận lên HOSE, xin ý kiến cổ đông tại đại hội cổ đông gần nhất về việc chuyển niêm yết ra sàn Hà Nội (HaSTC). Trước ngày 8/5, Sở sẽ hướng dẫn cụ thể quy trình chuyển niêm yết sang HaSTC.

Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã cho 6 tháng để doanh nghiệp sàn TP HCM có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng thêm thời gian hoàn tất thủ tục ở lại HOSE. Trong vòng 6 tháng kể từ khi đăng ký, các doanh nghiệp này nếu không hoàn thành việc tăng vốn sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn Hà Nội.

Trong khi đó, doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết tại sàn Hà Nội cũng sẽ chuyển sang thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (thị trường Upcom). Trong trường hợp đến tháng 5 mà thị trường Upcom chưa kịp triển khai, các cổ phiếu này vẫn giao dịch tại sàn Hà Nội, tuy nhiên sẽ được đưa vào diện cảnh báo để nhà đầu tư biết là cổ phiếu không đủ điều kiện niêm yết trên HaSTC.

Riêng những công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng trở lên tại sàn Hà Nội và có lãi trong 2 năm liên tiếp sẽ được HaSTC thông báo để đăng ký chuyển sàn.

Hiện có khoảng 45 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng và khoảng 4 công ty niêm yết trên HaSTC có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng.

Bạch Hường-Vnexpress


 

Thông tin về kế hoạch hỗ trợ cho thị trường bất động sản do Nhà Trắng đề xuất đóng vai trò cứu cánh cho phố Wall khỏi một phiên giảm sâu.

Hôm qua 12/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 0,09%, tương ứng với 6 điểm, đóng cửa tại 7.932,76 điểm. Chỉ số Nasdaq kết thúc phiên ở mức 1.541,71 điểm, cao hơn tham chiếu 11,21 điểm, ứng với 0,73. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) chốt phiên tại 835,19 điểm, tăng 1,45 điểm, ngang với 0,17.

Trước khi có một kết quả "dễ coi" như trên, chỉ số Dow Jones đã có thời điểm bị trừ tới 245 điểm, rơi xuống thấp nhất kể từ 21/11, ngưỡng được coi là đáy của thị trường. Trong đó, sự hoài nghi về tính hiệu quả của kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng (TARP) là lý do chính khiến phố Wall xuống điểm vào đầu giờ. Đà bán càng được đẩy nhanh khi báo cáo xấu về tình hình nhà đất tại Mỹ.

Tuy nhiên, mọi việc đã đỡ tồi tệ hơn khi có tin Chính quyền của Obama đang làm việc để đưa ra kế hoạch hỗ trợ người vay thế chấp để mua nhà. Động thái trên được hy vọng sẽ ổn định lại thị trường nhà đất đang tuột dốc tại Mỹ.

Nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm trước kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình TARP. Ảnh: huffingtonpost.com.
Nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm trước kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình TARP. Ảnh: huffingtonpost.com.

Những thông tin ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua:

- Giá nhà đất tại Mỹ trượt dốc 12,4% trong quý IV/2008, đưa thị trường về mức thấp nhất kể từ 2003 trở lại đây.

- Số người thất nghiệp tuần trước giảm sút nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 26 năm. Số người thất nghiệp tuần qua là 623.000 người, thấp hơn 8.000 so với thống kế gần nhất.

- Sau 6 tháng liên tiếp đi xuống, doanh số bán lẻ tăng 1% trong tháng 1, khả quan hơn so với dự đoán của chuyên gia.

- Trong ngày thứ sáu, Đại học Tổng hợp Michigan sẽ công bố chỉ số lòng tin người tiêu dùng tháng 2. Dự kiến chỉ số này sẽ sụt từ 61,2 của tháng trước xuống còn 60,2.

- Dầu thô giao sau tháng 3 tại Sở Giao dịch New York, giảm 1,96 đôla xuống còn 33,98 đôla một thùng.

Cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu nhờ vậy đã xóa được phần lớn số điểm âm tích lũy vào đầu giờ. Điểm sáng của phiên thuộc về Coca-Cola nhờ tập đoàn nước giải khát này công bố lợi nhuận quý cao hơn dự kiến. Cổ phiếu của Coca-Cola tăng 7,6%. Dẫn đầu trong đà hồi phục của khối công nghệ là các công ty Qualcomm, Dell, và Apple.

Trái với phiên thoát hiểm của phố Wall, chứng khoán Âu, Á chìm nghỉm trước làn sóng bán ra, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh đi xuống 0,76%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 2,7%. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 2,09%.

Trở lại sau ngày nghỉ lễ, chứng khoán Nhật lập tức gây thất vọng với mức giảm 3,03% trên chỉ số chính Nikkei 225. Trong đó, bên cạnh đà giảm chung của cổ phiếu ngân hàng, việc đồng yen tăng giá cũng khiến chứng khoán của các nhà xuất khẩu hàng đầu giảm theo.

Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa thấp hơn phiên trước 0,56%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ thấp 2,3%. Tại Hàn Quốc, bất kể nỗ lực cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 2% của ngân hàng Trung ương nước này, chỉ số chính KOSPI vẫn bị trừ 0,87%. Theo dự đoán, kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng âm 2% trong năm 2009.

Tính tới 10h50 sáng nay 13/2, chỉ số Hang Seng và chỉ số Nikkei 225 cùng tăng 1,47%. Chỉ số Shanhai Composite tăng 1,08%. Chỉ số KOSPI tăng nhẹ 0,08%.

Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)

 

Lập Câu lạc bộ quản lý quỹ VN

Posted In: , . By Công Ty Truyền Thông Số

Câu lạc bộ quản lý quỹ VN trình làng chiều 12/2 với 14 thành viên sáng lập là đại diện của những công ty quản lý quỹ đầu tư đang hoạt động tại VN.

Bước đầu, tham gia câu lạc bộ có Công ty quản lý quỹ VietFun Management, Bản Việt, SSI, VinaCapital, Bảo Việt, Prudential, Công ty quản lý quỹ Hà Nội...

Đại diện câu lạc bộ cho biết, thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ họ mong muốn tăng cường kết nối, hợp tác giữa đại diện các quỹ nhằm phát triển hoạt động trong quản trị rủi ro và phát triển danh mục đầu tư; cung cấp các dịch vụ của công ty quản lý quỹ liên quan đến thị trường chứng khoán VN; chia sẻ kinh nghiệm...

Tần Vy

 

Vn-Index tiếp tục có đáy mới

Posted In: , . By Công Ty Truyền Thông Số

Tuy sụt giảm về giá trị nhưng dấu hiệu tích cực về thanh khoản lại xuất hiện, khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất trong hơn một tháng trở lại đây.

Đợt một của phiên sáng nay 12/2, lượng bán chiếm thế áp đảo so với mua vào. Hàn thử biểu sàn TP HCM giảm nhẹ 0,31%, tương đương 0,85 điểm, xuống còn 275,37 điểm. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch khá sôi động với số cổ phiếu khớp đạt 1,56 triệu, giá trị 27,01 tỷ đồng.

Bước vào đợt hai, cán cân cung cầu trở nên cân bằng hơn và dần diễn biến theo hướng tích cực. Vn-Index nhờ đó đã chuyển sang sắc xanh. Tuy nhiên hàn thử biểu chỉ trụ được trên mốc tham chiếu trong gần một giờ khớp lệnh liên tục. Sau khi đạt giá trị cao nhất trong ngày, gần 278 điểm, chỉ số chính của HOSE đảo chiều và quay về sát giá mở cửa.

Kể từ đầu năm 2009 cho đến nay, toàn cảnh thị trường chứng khoán vẫn là một bức tranh với nhiều mảng tối. Ảnh: Hoàng Hà.
Kể từ đầu năm 2009 cho đến nay, toàn cảnh thị trường chứng khoán vẫn là một bức tranh với nhiều mảng tối. Ảnh: Hoàng Hà.

Dẫu sau, những nỗ lực muộn mằn của bên mua vào cuối đợt hai khiến Vn-Index một lần nữa đi lên, chốt phiên tại 276,13 điểm, chỉ kém mốc tham chiếu 0,09 điểm, tương đương 0,03%. Tổng lượng thực hiện sau đợt này đạt 6,82 triệu chứng khoán, giá trị 130,74 tỷ đồng.

Ngày giao dịch khép lại sau đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa. Vn-Index gần như không đổi so với đợt hai và kết thúc phiên tại 276,09 điểm, thấp hơn tham chiếu 0,13 điểm, tương đương 0,05%. Tổng lượng thực hiện qua giao dịch báo giá lên tới 8,153 triệu chứng khoán, giá trị 157,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận góp cho khối lượng sang tên của ngày hôm nay 235 nghìn cổ phiếu, giá trị 4,81 tỷ đồng.

Như vậy, dù chỉ giảm vẻn vẹn 0,13 điểm nhưng với mức giá đóng cửa 276,09 điểm, Vn-Index đã lần thứ hai liên tiếp lập đáy mới, từ đó rơi xuống mức thấp nhất kể từ 28/9/2005. Thiếu thông tin hỗ trợ kèm theo đó là lợi nhuận ảm đạm của các doanh nghiệp niêm yết là nguyên nhân chính cho chuỗi thành tích nghèo nàn của thị trường kể từ đầu năm 2009 đến nay.

Tuy vậy, trong bức u ám của chứng khoán, vẫn có những điểm sáng khi tính thanh khoản của phiên hôm nay là cao nhất kể từ 8/1, đồng thời đây là lần thứ ba liên tiếp trong tuần khối lượng giao dịch gia tăng.

Tương tự như của Vn-Index, diễn biến giá cổ phiếu từ các blue-chip cho tới các mã nhỏ và trung bình đều khá đỏng đảnh. Các mã DPM, FPT, HAG, VNM, VIC, STB, SSI đổi màu "xoành xoạch" giữa đỏ và xanh hoặc vàng (giá tham chiếu).

Cổ phiếu đứng đầu về lượng giao dịch trong ngày hôm nay là REE với 1,24 triệu cổ phiếu được khớp, đứng thứ hai và thứ ba là STB và PPC với lần lượt 477 nghìn và 333 nghìn cổ phiếu trao tay.

Toàn sàn có 53 mã tăng, 33 mã đứng giá và 90 mã giảm giá.

Tại sàn Hà Nội, tình hình có vẻ sáng sủa hơn khi chỉ số chính HaSTC-Index tăng nhẹ 0,08 điểm, tương ứng với 0,09%, lên mức 91,38 điểm. Tổng giao dịch toàn sàn đạt 2,78 triệu cổ phiếu, giá trị 56,31 tỷ.

Xuân Hòa-Vnexpress

 

Chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt khởi sắc vào hôm qua 11/2 sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ đạt được thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế.

Chỉ số Dow Jones đóng cửa tại 7.939,53 điểm, cao hơn tham chiếu 50,64 điểm, tương đương 0,64%. Chỉ số Nasdaq hiện ở mức 1.530,5 điểm, tăng 5,77 điểm, ứng với 0,38%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) được cộng 6,58 điểm, ngang với 0,8%, lên thành 833,74 điểm.

Một ngày sau khi Thượng viện đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 838 tỷ đôla, Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện, nghị sĩ Harry Reid tuyên bố các nhà làm luật đã đã đạt được thỏa thuận với nhà trắng cho một đạo luật kích cầu mới trị giá 789 tỷ đôla. Điểm khác biệt giữa kế hoạch này và gói trị giá 838 tỷ đôla, được thượng viện chấp thuận vào thứ ba, là số tiền được cắt giảm xuống chỉ còn 789 tỷ đôla.

Phố Wall tăng nhẹ sau khi thông tin về gói kích cầu được công bố. Ảnh: zimbo.com.
Phố Wall và chứng khoán châu Âu tăng nhẹ sau khi thông tin về gói kích cầu được công bố. Ảnh: zimbo.com.

Tuy nhiên, cho đến tận cuối ngày hôm qua, ông Reid và Phát ngôn viên của Nhà trắng, Nancy Pelosi vẫn đang thảo luận về một số khoản liên quan tới việc xây dựng trường học.

Thượng viện và Hạ viện sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch mới trong vài ngày tới. Tổng thống Barack Obama nói rằng, ông muốn thấy phiên bản cuối cùng của gói kích cầu vào thứ hai.

Thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 12 đã hạ xuống thấp nhất trong 6 năm qua. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu tại xứ cờ hoa được rút ngắn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Tim Geithner đã phát trước Hội đồng Ngân quỹ của Thượng viện về kế hoạch sử dụng 350 tỷ đôla còn lại của Chương trình Giải trừ Nợ xấu (TARP). Tuy nhiên, cũng giống như bài phát biểu vào thứ ba, ông Geithner tiếp tục đưa ra những thông tin không rõ ràng. Cũng vào hôm qua, tổng giám đốc của 8 định chế tài chính lớn nhất nước Mỹ đã trình bày trước Hội đồng Dịch vụ Tài chính của Quốc hội về việc sử dụng tiền nhận được từ phần đầu của TARP.

Một ngày trước, chứng khoán Mỹ rớt điểm thảm hại xuống mức thấp nhất trong ba tháng khi kế hoạch giải cứu ngân hàng của Chính phủ không ổn định được tâm lý giới đầu tư. Kế từ đầu năm đến nay, phố Wall thường xuyên ngập trong sắc đỏ do tin xấu từ thị trường lao động, lợi nhuận èo uột từ các tập đoàn, và các báo cáo kinh tế kém khả quan. Bên cạnh đó, những tranh cãi kéo dài về gói kích thích kinh tế và hỗ trợ ngân hàng cũng góp phần khiến hình ảnh phố Wall thêm hỗn loạn.

Tương tự như tại Mỹ, thị trường cổ phiếu châu Âu có phiên phục hồi nhẹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh tiến thêm 0,5%. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,54%. Chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa cao hơn phiên trước 0,23%.

Do phiên giao dịch tại châu Á bắt đầu và kết thúc sớm hơn tại Mỹ nên nhà đầu tư tại đây chẳng những không được hưởng lợi từ thông tin của gói kích cầu mà còn chịu ảnh hưởng xầu của phiên giảm trước tại phố Wall. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 2,46%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt dốc 0,19%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa thấp hơn tham chiếu 0,72%.

Chứng khoán Nhật ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

Tính tới 9h40 sáng nay 12/2, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,34%, chỉ số Hang Seng mất 1,21%, chỉ số Shanghai Composite bị trừ 1,11%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1%.

Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)

 

Quảng cáo

Nuoc hoa - Mua ban perfume nhà cung cấp nước hoa, mỹ phẩm chính hiệu giá sỉ. Đảm bảo nước hoa thật 100%.

Nuoc hoa nam | Nuoc hoa nu | My pham | Nuoc hoa gia re

Quảng Bá Website

Quản Trị Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân

Công Ty Truyền Thông Số iGO

Khách Thăm Trong Ngày