Hôm qua 6/2, chứng khoán toàn cầu có một phiên cuối tuần suôn sẻ nhờ diễn biến mới liên quan tới chương trình Giải trừ Nợ Xấu Ngân hàng và kế hoạch kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tiến thêm được 2,7% lên mức 8.280,59 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) kết thúc tuần tại 868,6 điểm, cao hơn tham chiếu 2,69%. Chỉ số Nasdaq được cộng 2,94%, đóng cửa ở mức 1.591,71 điểm.

Phiên tăng mạnh này đã giúp chứng khoán Mỹ lên điểm sau 5 phiên giao dịch liên tiếp, đồng thời chặn đứng chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 3,49%, chỉ số Nasdaq tăng 7,8%, chỉ số Standard & Poor 500 tăng 5,1%.

Trong ngày hôm qua, Thượng viện Mỹ đã họp bàn nhằm giảm bớt ngân quỹ 900 tỷ đôla của gói kích thích kinh tế do Tổng thống Obama đề xuất. Cuộc bỏ phiếu có thể được thực hiện vào đêm thứ 6.

hvhj. Ảnh: nj.com.
Vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của kế hoạch kích thích kinh tế, hiện vẫn chưa được thông qua, do Tổng thống Obama đề xuất. Ảnh: nj.com.

Cổ phiếu tài chính tiếp tục hồi phục phiên thứ hai liên tiếp nhờ tin vào thứ hai tuần tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tim Geithner sẽ công bố chi tiết kế hoạch sử 350 tỷ đôla, thuộc phần còn lại của Chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng. Góp mặt trong nhóm tăng điểm là những ông lớn như Citigroup, American Express, JPMorgan Chase, và Bank of America. Trong đó, Bank of America đạt mức tăng ấn tượng 26%.

Tại thị trường lao động, các nhà tuyển dụng đã cắt giảm 598 nghìn việc làm trong tháng 1, vượt xa con số dự đoán 540 nghìn của các nhà phân tích. Từ đó, tháng đầu năm 2009 trở thành tháng tồi tệ nhất của thị trường lao động xứ cờ hoa trong hơn 34 năm trở lại đây.

Tỷ lệ thất nghiệp, thu được trong một cuộc khảo sát độc lập khác, tăng từ 7,2% lên 7,6% trong tháng 1, cao hơn ước tính 7,5% của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp hiện là cao nhất kể từ tháng 9/1992.

Bản báo cáo trên cũng cho biết, nước Mỹ đang có 2,6 triệu người phải ngồi không trong khoảng 6 tháng gần đây. Đây là số người thất nghiệp trong dài hạn cao nhất kể từ năm 1983.

Tuy vậy, ở một góc độ khác, tin xấu từ thị trường lao động khiến nhà đầu tư tin rằng, Thượng viện sẽ không chần chừ nữa mà sẽ sớm thông qua kế hoạch kích thích kinh tế.

Ông Scott Anderson, Nhà Kinh tế trưởng tại Wells Fargo, nói: "Bản báo cáo đã làm rõ rằng tình trạng mất việc đang ở tăng tới mức báo động và chúng ta cần một kế hoạch kích cầu càng nhanh càng tốt".

Tuy nhiên, ông Anderson tỏ ra không đồng tình với phản ứng của thị trường cổ phiếu và trái phiếu. "Tôi không lạc quan như thị trường", ông nói. "Tôi cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ leo lên 9% vào cuối năm và đạt trên 9% trong quý I/2010".

Dầu thô giao sau tháng 3 tại New York mất 1 đôla xuống còn 40,17 đôla một thùng.

Chứng khoán châu Á và châu Âu cũng có một phiên cuối tuần tốt đẹp nhờ thông tin từ Mỹ.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 1,6%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong được cộng 3,61%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa cao hơn tham chiếu 2,75%. Chứng khoán Trung Quốc bật xanh khi chỉ số Shanghai Composite hiện cao hơn phiên trước 3,97%.

Sau tuần qua, chỉ số Nikkei tăng 1%, chỉ số KOSPI tăng 4,14%, chỉ số Hang Seng tăng 2,84%, và quán quân tăng điểm tuần qua là chỉ số Shanghai Composite với số điểm cộng 9,57%.

Mức tăng ghi nhận tại thị trường cổ phiếu châu Âu có phần thấp hơn thị trường Mỹ và châu Á. Chỉ số FTSE 100 của Anh tiến thêm 1,49%. Chỉ số DAX của Đức lên 2,97%. Chí số CAC 40 của Pháp cao hơn tham chiếu 1,84%.

So với cuối tuần trước, ba chỉ số chính lên lần lượt 3,4%, 7,05%, và 5%.

Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)