Ngoại trừ Dow Jones, các chỉ số quan trọng khác của chứng khoán Mỹ và châu Âu hôm 18/3 tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, thị trường diễn biến tích cực hơn khi đà giảm chậm lại.

Hôm 18/2, mức giảm điểm của các thị trường đã thấp hơn những ngày trước. Ảnh: AP

Sau nhiều diễn biến giằng co, đến cuối ngày giao dịch, Dow Jones chỉ nhích 3,03 điểm (0,1%) lên mức 7.555,63 điểm. Đây là ngày giao dịch thứ hai chỉ số công nghiệp đứng sát với mức giá thấp lịch sử của ngày 20/11 năm ngoái.

Trong khi đó, Standard & Poor's 500 tiếp diễn đà di xuống, khi giảm 0,1% và Nasdaq cũng mất thêm 0,2%.

Giới đầu tư có phản ứng khá lạnh nhạt với thông tin Tổng thống Obama công bố kế hoạch 75 tỷ USD nhằm hỗ trợ những người mua nhà thế chấp trả nợ để tránh tình trạng họ bị tịch biên nhà. Họ cũng được khích lệ bởi phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama về "khởi đầu của sự kết thúc khủng hoảng" với gói 787 tỷ USD, nhưng tâm lý lo lắng vẫn bao trùm.

Đến nay khủng hoảng nhà đất Mỹ đã kéo dài 14 tháng và là một trong những thời kỳ nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua. Số liệu mới công bố cho thấy tỷ lệ xây dựng nhà mới trong tháng 1 đã giảm 16,8%, xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Sản xuất tại các khắp nước Mỹ cũng giảm 1,8% trong tháng qua, mạnh hơn mức dự kiến.

Tại châu Âu, FTSE 100 của Anh giảm 0,7%, DAX của Đức mất 0,3% và CAC 40 của Pháp lùi thêm 0,1%. Cùng ngày tại Nhật, Nikkei 225 giảm mạnh 1,5%, và đóng cửa tại 7.534,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tín hiệu tích cực đã xuất hiện rõ nét hơn khi sáng nay, các chỉ số tại châu Á đã quay đầu tăng điểm. Chỉ số MSCI châu Á tiến được 0,3% vào 10h sáng tại Tokyo (8h tại Hà Nội), trong khi Nikkei 225 lấy lại 0,6%, S&P/ASX 200 tăng 1,2% và NZX của New Zealand nhích 0,4%.

Ngọc Châu (theo AP, Bloomberg)