Từ trước khi đợt báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2008 được công bố, nhà đầu tư đã nghĩ đến những kết cục “phú quý thụt lùi” cho nhiều doanh nghiệp tại sàn niêm yết. Trong đó, thiệt hại đến từ đầu tư tài chính chiếm một phần đáng kể trong bức tranh lợi nhuận u ám này.

Nếu so sánh báo cáo tài chính năm nay với năm ngoái, có thể thấy chi phí tài chính của nhiều công ty gia tăng đáng kể. Chi phí tài chính gồm quỹ dự phòng, chiết khấu thanh toán và chi phí lãi vay. Trong năm 2008, biến động về giá cổ phiếu, tỷ giá, và lãi suất đã khiến chi phí tài chính tăng mạnh bất thường, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó, việc mua chứng khoán niêm yết và OTC là một trong những nguyên nhân góp phần tạo lỗ cho doanh nghiệp trong năm nay. Tuy nhiên, cùng là việc mua cổ phiếu nhưng lại được thể hiện khác nhau trong các báo cáo tài chính, phụ thuộc vào tính chất riêng của doanh nghiệp.

Năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp đều khốn đốn vì chi phí đầu vào. Ảnh: Hoàng Hà.

Đầu tiên, xét tới các công ty thuộc lĩnh vực tài chính chứng khoán, nhóm “dính đòn” nặng nhất từ sự đi xuống của thị trường chứng khoán.

Tính đến 11/2, mới có Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) và Kim Long (KLS) cùng tại HaSTC công bố lợi nhuận và cả hai đều báo lỗ năm lần lượt 453 và 347 tỷ đồng.

Bên cạnh doanh thu đi xuống từ nghiệp vụ môi giới, tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành, và lưu ký, mảng tự doanh mà cụ thể là đầu tư chứng khoán, đóng một vai trò đáng kể và bị giới đầu tư “soi” rất kỹ. Do đặc thù về hoạt động của công ty chứng khoán, hoạt động này thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, thế nên lỗ do đầu tư tài chính được đẩy vào chi phí kinh doanh, thay vì chi phí tài chính, như trong báo cáo của các công ty khác.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của KLS là cả 3 quý trước, kết quả kinh doanh của công ty này đều có lãi, dù chỉ vài tỷ đồng. Chỉ đến quý IV, toàn bộ các khoản lỗ do tự doanh mới được hạch toán, từ đó khiến chi phí hoạt động quý cuối năm của công ty này nhảy vọt lên 414 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 65% tổng chi phí cả năm 2008. Theo một chuyên gia chứng khoán, KLS đã khá khôn khéo khi bằng cách này, chỉ đến cuối năm thiệt hại từ đầu tư tài chính mới được thể hiện.

Trái lại, với BVS, lỗ quý nào được phân phối vào quý đó nên không có thay đổi đột biến về lời lãi như trên.

Lợi nhuận của HPC và đại gia SSI được công bố trong những ngày tới dự đoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn vì thiệt hại từ hoạt động tự doanh.

Nhóm thứ hai cũng chịu ảnh hưởng xấu từ sự đổ dốc của Vn-Index là các công ty tích cực tham gia hoạt động đầu tư tài chính.

Đáng kể nhất là Công ty Cơ điện lạnh (REE), một blue-chip tại HOSE dù lãi 9 tỷ trong quý cuối năm và đạt tổng doanh thu hơn 1.100 tỷ nhưng lại lỗ lũy kế tới 152 tỷ trong năm 2008 sau khi trích lập dự phòng 467 tỷ đồng cho đầu tư tài chính. Tại HaSTC, CMC cũng lỗ 23 tỷ chủ yếu do đầu tư tài chính ngắn hạn. PAN, cổ phiếu từng thuộc nhóm "chân dài" tại HaSTC sau khi trích lập quỹ dự phòng 31,4 tỷ đồng, kết thúc quý IV với lợi nhuận âm.

Với các doanh nghiệp thích chơi “trái tay”, lợi nhuận âm nảy sinh từ đầu tư tài chính được phản ánh vào chi phí tài chính dưới dạng trích lập quỹ dự phòng.

Theo một số nhà đầu tư, thiệt hại do đầu tư tài chính sẽ không dừng lại ở đây khi các khoản đầu tư chưa “được gọi” là dài hạn vào các cổ phiếu niêm yết OTC, có thể lại xuống giá và gây lỗ trong năm tới. Lý do là, khi đầu tư dài hạn, chênh lệch giá sẽ không được tính đến vì thế trên sổ sách, gần như các công ty không có thiệt hại trong khoản mục này. Thậm chí, đa số đều sinh lời vì doanh nghiệp nhận được cổ tức từ chứng khoán mà họ nắm giữ.

Chuyển sang biến động chi phí tài chính nảy sinh từ trồi sụt tỷ giá và lãi suất, báo cáo từ nhiều doanh nghiệp cho thấy giai đoạn giữa năm, khi tỷ giá đôla chợ đen leo lên 19.000 đồng ăn 1 đôla và lãi suất cơ bản lên đỉnh 14%, chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán của nhiều công ty bị đội lên cao chót vót.

Chẳng hạn như Công ty VITALY (mã VTA), chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, chi phí tài chính của riêng quý IV năm 2008 là 18 tỷ, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2007. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới 90% tổng chi phí tài chính.

Với các doanh nghiệp thuộc khu vực xuất nhập khẩu như Công ty Xuất Nhập khẩu Xăng dầu (mã PIT), cơn sốt ngoại tệ và lãi suất càng phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả cuối năm. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí tài chính quý IV và cả năm của công ty từng đoạt giải "Thương hiệu Việt Nam tốt nhất năm 2007" đã tăng lần lượt gấp đôi và gấp ba so với năm 2007. Từ đó khiến PIT lỗ 10,7 tỷ trong 3 tháng cuối năm.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng khối Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán SME, nhận định biến động mạnh về chi phí tài chính nhiều khả năng sẽ không lặp lại trong năm 2009 do 2 lý do.

Thứ nhất, nhà nước sẽ thực hiện chương trình hỗ trợ lãi vay 4% một năm theo gói kích cầu trị giá 1 tỷ đôla, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tỷ giá để giảm khó khăn cho các công ty có hoạt động liên quan tới xuất, nhập khẩu. Với mức lãi suất thấp như hiện nay, các doanh nghiệp đã có thể tăng cường đi vay nhằm đảo nợ hoặc mở rộng sản xuất.

Thứ hai, việc đầu tư tài chính nhìn chung đã được phản ánh khá đầy đủ vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp thông qua việc trích lập dự phòng. Tất nhiên, nếu các công ty vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu thì các khoản dự phòng giảm giá có thể tiếp tục xuất hiện và ảnh hưởng tới lợi nhuận. Nhưng căn cứ trên mặt bằng giá cổ phiếu niêm yết nói chung, ít có khả năng các khoản trích lập trong năm 2009 sẽ lớn như từng có trong năm 2008.

Dẫu sao, sẽ khó xác định lỗ nếu cổ phiếu nắm giữ thuộc loại OTC. Lý do là nhóm cổ phiếu loại này mất thanh khoản và khó xác định giá nên giá trị thực tế của các khoản đầu tư này trên thực tế có thể thấp hơn nhiều so với các con số thu được trên sổ sách.

Có cùng quan điểm như trên, ông Phan Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vincom, cho rằng nhà đầu tư khi xem xét việc đầu tư tài chính của doanh nghiệp, cần phải biết đó là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hay đầu tư dài hạn, để hợp tác, góp vốn, hoặc kiểm soát các doanh nghiệp khác.

Xuân Hòa-Vnexpress