Hai chỉ số chính Vn-Index và HaSTC-Index mất lần lượt 1,74% và 2,52% sau tuần qua, kéo dài chuỗi giảm tuần của chứng khoán lên con số 4. Trong đó, lợi nhuận ảm đạm của quý IV tiếp tục là thủ phạm cho diễn biến xấu của thị trường.

Chỉ số chính của HOSE mất điểm 4 trong tổng số năm phiên. Từ mức 281,63 điểm của cuối tuần trước, Vn-Index trượt dốc 7,12 điểm, tương đương 2,52%, xuống còn 274,51 điểm. Như vậy, chỉ trong 3 phiên gần đây, Vn-Index liên tiếp phá đáy ba lần, xuống mức thấp nhất kể từ 16/9/2005, và nhiều khả năng sẽ còn “phá” tiếp trong những ngày tới.

Trung bình có 6,55 triệu chứng khoán được sang tên mỗi phiên, giá trị 126,86 tỷ đồng. So với tuần trước, khối lượng khớp lệnh thay đổi không nhiều, giảm 0,6% nhưng giá trị khớp lệnh giảm 11,5%.

Chứng khoán giảm điểm 4 phiên trong tổng số 5 phiên của tuần, trong đó có 3 lần liên tiếp phá đáy. Ảnh: Hoàng Hà.
Chứng khoán giảm điểm 4 phiên trong tổng số 5 phiên của tuần, trong đó có 3 lần liên tiếp phá đáy. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau 5 ngày giao dịch liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài không còn ở vị thế mua vào mà tăng cường bán ra. Khối ngoại tuần qua mua vào 4,19 triệu cổ phiếu, và bán ra 5,9 triệu. Lượng bán ra lớn hơn mua vào xấp xỉ 1,6 triệu cổ phiếu, trong khi tuần trước, nhà đầu tư ngoại mua ròng gần 800 nghìn cổ phiếu.

Xuyên suốt 4 phiên giảm của Vn-Index là sự ảm đạm đến từ kết quả quý IV cũng như cả năm 2008 của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Không chỉ các công ty nhỏ hoặc trung bình gặp khó khăn mà nhiều cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hang đầu thị trường cũng điêu đứng.

Bên cạnh các mã thiệt hại nặng là REE lỗ 152 tỷ, BVS lỗ 452,86 tỷ, KLS lỗ 347 tỷ... là những khoản lỗ quý IV chóng mặt 1.001 tỷ của PPC, 232 tỷ của HPG. Ngoài ra, trong giới đầu tư đang rộ lên tin đồn các quỹ nước ngoài bán bớt cổ phiếu để cơ cấu lại danh mục do sức ép giảm giá liên tiếp thời gian qua. Thông tin không kiểm chứng này cũng góp phần khiến chứng khoán càng thêm ảm đạm.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC dù gắng gượng được hai phiên tăng nhưng chung cuộc vẫn mất 1,72 điểm, tương đương với 1,85%, và chốt tại 90,94 điểm sau tuần qua. Tổng lượng khớp lệnh đạt 3,124 triệu chứng khoán, giá trị thực hiện 64,48 tỷ đồng.

Trước đó, chính phủ đã tuyên bố sẽ thực hiện gói kích cầu ngay trong tháng này với một số chương trình đáng chú ý như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, giãn thuế, giảm giá nhiên liệu... Tuy nhiên, thông tin trên chưa thể cải thiện được tâm lý bi quan của nhà đầu tư do kết quả kinh doanh của năm 2008.

Diễn biến và tình hình vĩ mô của thị trường trong nước là khá trùng hợp với xu hướng của thế giới, đặc biệt tại thị trường Mỹ, khi các gói kích cầu, kế hoạch cứu trợ ngân hàng được áp dụng hoặc thông qua nhưng vẫn không đủ để vực dậy các chỉ số chứng khoán.

Có lẽ do các điều chỉnh về tài khóa, tiền tệ để kích thích vĩ mô sẽ cần khoảng 3 đến 6 tháng để phát huy hiệu quả. Khoảng thời gian trên là khá dài và khó có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra với Vn-Index nên đa số nhà đầu tư vẫn chưa muốn quay lại với thị trường cổ phiếu.

Trong tuần tới, bên cạnh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, diễn biến của thị trường thế giới, cụ thể là nước Mỹ với việc gói kích cầu trị giá 787 tỷ đôla nhiều khả năng được chính thức thông qua vào thứ 2, sẽ có tác động nhất định tới chứng khoán.

Xuân Hòa-Vnexpress