Thông tin về kế hoạch hỗ trợ cho thị trường bất động sản do Nhà Trắng đề xuất đóng vai trò cứu cánh cho phố Wall khỏi một phiên giảm sâu.

Hôm qua 12/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 0,09%, tương ứng với 6 điểm, đóng cửa tại 7.932,76 điểm. Chỉ số Nasdaq kết thúc phiên ở mức 1.541,71 điểm, cao hơn tham chiếu 11,21 điểm, ứng với 0,73. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) chốt phiên tại 835,19 điểm, tăng 1,45 điểm, ngang với 0,17.

Trước khi có một kết quả "dễ coi" như trên, chỉ số Dow Jones đã có thời điểm bị trừ tới 245 điểm, rơi xuống thấp nhất kể từ 21/11, ngưỡng được coi là đáy của thị trường. Trong đó, sự hoài nghi về tính hiệu quả của kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình Giải trừ Nợ xấu Ngân hàng (TARP) là lý do chính khiến phố Wall xuống điểm vào đầu giờ. Đà bán càng được đẩy nhanh khi báo cáo xấu về tình hình nhà đất tại Mỹ.

Tuy nhiên, mọi việc đã đỡ tồi tệ hơn khi có tin Chính quyền của Obama đang làm việc để đưa ra kế hoạch hỗ trợ người vay thế chấp để mua nhà. Động thái trên được hy vọng sẽ ổn định lại thị trường nhà đất đang tuột dốc tại Mỹ.

Nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm trước kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình TARP. Ảnh: huffingtonpost.com.
Nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm trước kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình TARP. Ảnh: huffingtonpost.com.

Những thông tin ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua:

- Giá nhà đất tại Mỹ trượt dốc 12,4% trong quý IV/2008, đưa thị trường về mức thấp nhất kể từ 2003 trở lại đây.

- Số người thất nghiệp tuần trước giảm sút nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 26 năm. Số người thất nghiệp tuần qua là 623.000 người, thấp hơn 8.000 so với thống kế gần nhất.

- Sau 6 tháng liên tiếp đi xuống, doanh số bán lẻ tăng 1% trong tháng 1, khả quan hơn so với dự đoán của chuyên gia.

- Trong ngày thứ sáu, Đại học Tổng hợp Michigan sẽ công bố chỉ số lòng tin người tiêu dùng tháng 2. Dự kiến chỉ số này sẽ sụt từ 61,2 của tháng trước xuống còn 60,2.

- Dầu thô giao sau tháng 3 tại Sở Giao dịch New York, giảm 1,96 đôla xuống còn 33,98 đôla một thùng.

Cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu nhờ vậy đã xóa được phần lớn số điểm âm tích lũy vào đầu giờ. Điểm sáng của phiên thuộc về Coca-Cola nhờ tập đoàn nước giải khát này công bố lợi nhuận quý cao hơn dự kiến. Cổ phiếu của Coca-Cola tăng 7,6%. Dẫn đầu trong đà hồi phục của khối công nghệ là các công ty Qualcomm, Dell, và Apple.

Trái với phiên thoát hiểm của phố Wall, chứng khoán Âu, Á chìm nghỉm trước làn sóng bán ra, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh đi xuống 0,76%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 2,7%. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 2,09%.

Trở lại sau ngày nghỉ lễ, chứng khoán Nhật lập tức gây thất vọng với mức giảm 3,03% trên chỉ số chính Nikkei 225. Trong đó, bên cạnh đà giảm chung của cổ phiếu ngân hàng, việc đồng yen tăng giá cũng khiến chứng khoán của các nhà xuất khẩu hàng đầu giảm theo.

Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa thấp hơn phiên trước 0,56%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ thấp 2,3%. Tại Hàn Quốc, bất kể nỗ lực cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 2% của ngân hàng Trung ương nước này, chỉ số chính KOSPI vẫn bị trừ 0,87%. Theo dự đoán, kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng âm 2% trong năm 2009.

Tính tới 10h50 sáng nay 13/2, chỉ số Hang Seng và chỉ số Nikkei 225 cùng tăng 1,47%. Chỉ số Shanhai Composite tăng 1,08%. Chỉ số KOSPI tăng nhẹ 0,08%.

Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)