Cuộc họp của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) kết thúc hôm 17/11 mà không tìm ra giải pháp chung xoa dịu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tình hình còn trở nên đáng lo hơn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết cần thêm 100 tỷ đôla để chống khủng hoảng.
Kết quả cuộc gặp trên chỉ dừng lại ở việc đồng ý với một số bước để khắc phục khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ các nước vẫn sẽ phải "mạnh ai nấy làm" trong việc xử lý các khó khăn riêng của mình. Việc không có một kế hoạch chung giữa các nước đã phủ mây đen lên thị trường chứng khoán thế giới. Các chỉ số chính tại Mỹ, châu Âu, và châu Á đồng loạt xuống dốc vào hôm qua. Dầu cũng hạ giá 3,5% với nỗi lo nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới sụt giảm do tăng trưởng trì trệ.
Trong phát biểu sau cuộc họp, G20 cam kết sẽ áp dụng những quy tắc kế toán ngặt nghèo hơn, xem xét lại các khoản đền bù cũng như cần có sự hợp tác lớn hơn nữa giữa nhà giám sát kinh tế các nước. Giám đốc Điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn cho biết tổ chức này cần ít nhất 100 tỷ đôla nữa trong 6 tháng tới để giúp các quốc gia "sống sót" sau khủng hoảng.
Ông Dominique Strauss-Kahn, Giám đốc điều hảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 15/11 tại Washington. Ảnh: Reuters. |
Một loạt thông tin công bố cũng như dự báo trong cuộc họp đều bất lợi. Lãnh đạo tại cộng đồng chung châu Âu thừa nhận kinh tế khu vực đang suy thoái sau hai quý liên tiếp không tăng trưởng. Theo dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp của các nước thuộc liên hiệp Anh sẽ là 9% vào năm 2010. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết kinh tế nước này sẽ giảm 0,5% trong quý IV.
Bộ Tài chính Mỹ vào hôm qua cho biết đã hoàn thành việc mua lai chứng khoán của 21 ngân hàng, tổng giá trị khoảng 33,56 tỷ đôla. Theo dự đoán của các nhà phân tích, cuộc suy thoái sẽ còn kéo dài tới 14 tháng nữa, từ đó sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp 7,7% trong năm nay lên cao hơn.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, đây sẽ là giai đoạn kinh tế Mỹ gặp khó khăn dài nhất kể từ năm 1982, khi xảy kinh tế suy thoái kéo dài 16 tháng. Trước tình hình trên, Chính phủ dự định sẽ đưa ra một gói giải pháp lần hai, trước đó kế hoạch bơm 700 tỷ đôla vào thị trường tài chính đã được thông qua.
Tình hình tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng không khả quan hơn. Các số liệu mới đây chỉ ra nước này rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 7 năm, GDP giảm 0,1% trong quý III. Hoạt động xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Nhật, chịu ảnh hưởng lớn do nhu cầu tiêu dùng giảm do khó khăn kinh tế. Bộ Trưởng Kinh tế Nhật, ông Minister Kaoru Yosano, nói: "Chúng ta cần ý thức là tình hình kinh tế còn có thể tồi tệ hơn khi tại Mỹ và Châu Âu, khủng hoảng tài trở nên chính trầm trọng, nỗi lo kinh tế suy thoái gia tăng, và thị trường chứng khoán sụt giảm".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cảnh báo, rủi ro suy thoái kinh tế đang gia tăng. Ngoài ra, kinh tế sụt giảm cũng tác động xấu tới xuất khẩu của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông Simon Wardell, nhà phân tích tại hãng Tư vấn Kinh tế Global Insight, nói: "Triển vọng kinh tế là đáng lo ngại và trong ngắn hạn không có giải pháp nào được đưa ra".
Xuân Hòa (Theo AFP)
0 Responses to G20 thất bại trong việc tìm giải pháp chung cho suy thoái
Something to say?