Vụ khủng bố vừa qua tại Mumbai, nơi được coi là thủ đô tài chính của Ấn Độ, có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, ngành du lịch, và cản trở đầu tư mới. Tuy nhiên, về dài hạn, biến cố trên sẽ không tác động lớn đến nền kinh tế của quốc gia Nam Á này.

Cuộc tấn công, nổ ra vào thứ đêm thứ tư, khi những người có vũ trang đột kích vào hai khách sạn sang trọng, một nhà hàng và nhiều địa điểm khác thuộc khu thương mại của Mumbai. Sự việc trên diễn ra đúng vào thời điểm quốc gia Nam Á này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như khó khăn kinh tế.

Thị trường chứng khoán Mumbai đã đóng cửa vào thứ năm và chưa rõ khi nào sẽ giao dịch trở lại. Theo các doanh nhân nước ngoài đang làm việc tại Mumbai, nhiều kế hoạch đầu tư mới hoặc ngắn hạn tại Mumbai đã bị trì hoãn. Ngoài ra, những ai dự định đến Mumbai trong thời gian tới cũng đang xem xét lại kế hoạch của mình.

Vụ tấn công khủng bố sẽ không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng dài hạn của kinh tế Ấn Độ. Ảnh:
Vụ tấn công khủng bố sẽ không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng dài hạn của kinh tế Ấn Độ. Ảnh: static.guim.co.uk.

Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tổng cộng 13,5 tỷ đôla ra khỏi thị trường chứng khoán, đẩy chỉ số chỉ số Sensex của chứng khoán Ấn Độ giảm 57% cũng như ảnh hưởng xấu đến đồng rupee. Nhìn chung, kinh tế quốc gia đa tôn giáo này đang khó khăn khi tốc độ tăng trưởng chậm và người dân thắt chặt chi tiêu.

Theo ông Habil Khorakiwala, Chủ tịch Công ty dược Wockhardt, các mục tiêu của vụ khủng bố cho thấy những kẻ thực hiện muốn gây hoảng loạn cho giới kinh doanh trong nước cũng như quốc tế.

Tuy vậy, một doanh nhân cho biết Mumbai là một thành phố thanh bình, và mọi chuyện sẽ trở lại bình thường vào thứ bảy tới. Thế nên, với các tập đoàn, kế hoạch đầu tư dài hạn vào khu vực này vẫn sẽ không thay đổi.

"Đây là một thử thách cho Chính phủ trong việc duy trì luật pháp và trật tự" ông Takihara Ogawa, Giám đốc bộ phận xếp hạng Chính phủ của Tập đoàn Standard & Poor, chi nhánh Singapore. Ông Ogawa nói thêm: "Vào giai đoạn này, tôi không cho rằng vụ khủng bố sẽ có không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế vĩ mô cũng như vị thế tài chính của Chính phủ".

Nhóm hồi giáo vũ trang tự xưng là Deccan Mujahideen đã tự nhận trách nhiệm cho vụ khủng bố. Theo Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh, có bằng chứng cho thấy nhóm khủng bố trên có trụ sở tại nước ngoài. Ngay sau khi vụ khủng bố diễn ra, quân đội Ấn Độ đã tổ chức các cuộc phản công nhằm giải cứu các con tin. Theo nhà chức trách, hiện đã có 104 người chết và 300 người bị thương.

Người dân Mumbai không lạ gì với các cuộc tấn công khủng bố. Vào tháng 7/2006, một chuỗi các vụ đánh bom đã cướp đi sinh mạng của 187 người. Sau sự việc trên, các công ty tại Mumbai đều đã chú ý hơn tới các vấn đề an ninh. Manjit Rajain, Chủ tịch của Tenon Services, hãng chuyên quản lý thiết bị và an ninh, cho biết đã nói chuyện suốt đêm thứ tư với các khách hàng như Accenture, Intel Corp, Suzuki, Tata group, và Vodafone.

Theo ông Rajan, các nhà đầu tư mới sẽ tạm tránh xa Mumbai nhưng hầu hết các khách hàng của ông đều là các công ty lớn và họ sẽ không rút khỏi Ấn Độ.

Xuân Hòa (Theo AP)