Sau 5 phiên liên tiếp, Vn-Index đi xuống 3,8%. Tuần thứ 2 của tháng 11 cũng chứng kiến khối ngoại đua nhau xả hàng, lượng bán gấp 2-3 lần mua. Có phiên, chênh lệch bán mua trái phiếu là ... 1.000 lần.

Nếu chỉ nhìn vào số phiên tăng, 3 phiên sau 5 ngày giao dịch, tuần vừa qua có thể coi là thành công với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét cả về giá trị lẫn tinh thanh khoản, thị trường đang bộc lộ một số tín hiệu bất lợi.

Chỉ số Vn-Index kết thúc tuần tại 352,07 điểm, thấp hơn cuối tuần trước, 13,9 điểm, tương đương gần 3,8%. Giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ đạt 13,6 triệu chứng khoán, với tổng lượng sang tên 68 triệu cả tuần. Giá trị bình quân mỗi ngày đạt 377,32 tỷ đồng. Như vậy, so với tuần trước, lượng thực hiện và giá trị tương ứng đều đi xuống lần lượt 30% và 33,6%.

Có tới 3 lần tăng điểm trong tổng số 5 ngày giao dịch, nhưng xu hướng bất lợi vẫn xuất hiện khi thị trường sụt giảm cả giá trị lẫn khối lượng giao dịch. Ảnh: Hoàng Hà.
Có tới 3 lần tăng điểm trong tổng số 5 ngày giao dịch, nhưng xu hướng bất lợi vẫn xuất hiện khi thị trường sụt giảm cả giá trị lẫn khối lượng giao dịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Đà bán ra của nhà đầu tư nước ngoài sau khi chững lãi trong một số phiên cuối tuần trước đã tăng tốc trở lại ngay từ thứ hai, 10/11. Số cổ phiếu khối ngoại gom vào sau 5 phiên chỉ là 4,5 triệu trong khi lượng đẩy vào thị trường lên tới 15,72 triệu chứng khoán, cao hơn gấp ba lượng mua.

Nguồn cung kể trên là rất đáng kể so với giao dịch của HOSE tuần qua, chiếm khoảng 23% tổng lượng thực hiện toàn sàn, và tăng 170% so với tuần trước. Trái lại, số cổ phiếu khối ngoại mua vào sụt 50% so với tuần trước.

Bên cạnh đó, dấu ấn của thị trường thế giới lên chứng khoán trong nước một vài ngày gần đây đã không còn rõ nét. Nếu so sánh với Dow Jones, chỉ số quan trọng nhất của phố Wall, và là thành phần quan trọng của chứng khoán thể giới, Trong nửa tháng gần đây chỉ có khoảng 4 phiên Vn-Index có cùng xu hướng với Dow Jones. Theo nhận định của một chuyên gia, đà giảm của các chỉ số chính trên thế giới có thể sẽ sâu và kéo dài hơn so với Vn-Index. Lý do là, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính lên nước Mỹ và các nền kinh tế lớn khác là lớn hơn so với Việt Nam.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của xu thế giằng co trong 2-3 phiên tăng cuối tuần cho thấy tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự ổn định khi nền kinh tế trước mắt vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả quan hơn. Bên cạnh đó, đôla tăng trở lại cũng ảnh hưởng không tốt tới thị trường khi mà một số nhà đầu cơ rút vốn chứng khoán để lướt ngoại tệ.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index đóng cửa tại 113,07 điểm, xuống 2,8%, ngang mức 3,29 điểm. Số cổ phiếu được khớp mỗi phiên xấp xỉ 8,82 triệu, giá trị tương ứng 245 tỷ đồng.

Không chỉ đẩy mạnh bán ra cổ phiếu tại HOSE, nhà đầu tư nước ngoài còn tăng cường bán trái phiếu tại sàn Hà Nội. Cá biệt, trong phiên 10/11, họ mua vào chỉ 5.000 trong khi bán ra tới 5 triệu trái phiếu. Tuần qua, khối ngoại đã xả tổng cộng 40,4 triệu, và chỉ mua khoảng 20,4 triệu trái phiếu. Thực tế này tiếp tục khẳng định dự đoán các tổ chức nước ngoài đang rút dần vốn khỏi các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam, và Ấn Độ để đối phó với khủng hoảng tài chính,.

Xuân Hòa-Vnexpress