Phố Wall sụt mạnh vào phiên cuối tuần 14/11 sau khi thống kê cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng vừa qua sụt xuống thấp kỷ lục. Thực tế này tiếp tục làm trầm trọng thêm nỗi lo suy thoái trong giới đầu tư.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 3,82%, kết thúc ngày giao dịch tại 8.479,31 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 đóng cửa ở mức 873,29 điểm, giảm 4,17%. Chỉ số Nasdaq bị trừ 5%, hiện có giá trị 1.516,85 điểm. Tính chung cả tuần, ba chỉ số chính, Dow Jones, Nasdaq, và Standard & Poor 500 sụt giảm lần lượt 5%, 7,9%, và 6,2%.

Ảnh: Publicradio.org.
Nỗi lo suy thoái khiến chứng khoán Mỹ kết thúc tuần bàng một phiên giảm khá mạnh. Ảnh: Publicradio.org.

Phố Wall đi xuống ngay sau khi thông tin từ Bộ Thương mại cho thấy mức sụt giảm của hoạt động bán lẻ tháng 10 là lớn nhất kể từ năm 1992. Doanh số bán lẻ trong tháng 10 giảm 2,8%, cao hơn nhiều so với mức 1,3% của tháng 9. Nếu loại trừ biến động của mua bán xe hơi, doanh số tháng vừa qua thấp hơn tháng trước tới 2,2%, lớn hơn đáng kể so với mức đi xuống 0,5% trong tháng 9. Như vậy, các thống kê tháng về bán lẻ đều tồi hơn nhiều so với dự tính của các nhà kinh tế.

Ông Scott Anderson, Nhà Kinh tế Trưởng tại Wells Fargo, cho hay các biểu hiện của suy thoái đang ngày càng trầm trọng, và mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong quý IV. Theo ông, họat động bán lẻ đi xuống đã phần nào phản ánh thực tại trên.

Thị trường hiện đang hướng sự chú ý tới cuộc họp của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, được tổ chức tại Washington, thứ 6 vừa qua. Nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó, lãnh đạo một số nước châu Âu thừa nhận, kinh tế khu vực này đã chính thức rơi vào suy thoái. Đức và Hong Kong thừa nhận thực tại tương tự. Các nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ cũng đã suy thoái, dù chưa có tuyên bố chính thức.

Cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) ông Ben Bernanke, nhận định thị trường tài chính toàn cầu vẫn căng thẳng. Ông cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với ngân hàng Trung ương tại các quốc gia để đối phó với khủng hoảng. Bên cạnh đó, người đứng đầu FED còn nói bóng gió về khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 12.

Kết thúc ngày giao dịch 14/11, chỉ số FTSE 100 của Anh tiến thêm 1,53%. Thị trường Đức và Pháp ghi nhận mức tăng lần lượt 0,67% và 1,31% trên hai chỉ số DAX và CAC 40. Tuy nhiên, tính chung cả năm ngày giao dịch liên tiếp, FTSE trượt dốc 3,02%, DAX sụt 4,6%, và CAC 40 bị hạ thấp 5,1%.

Chỉ số Nikkei 225 sau phiên hôm qua được cộng thêm 2,72%. Tuy nhiên, tính cả tuần, chỉ số này lại xuống 5%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đóng cửa cao hơn tham chiếu 2,43%, nhưng thấp hơn tuần trước 4,92%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đi lên 3,05% và nhảy thêm 13,66% sau tuần giao dịch.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)