Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục ca khúc khải hoàn trong ngày thứ tư liên tiếp. Bất chấp tin kinh tế bất lợi, phiên tăng vừa qua, 26/11, mang đậm dấu ấn của các nhà sản xuất ôtô, danh sách nội các mới của Tổng thống Obama cũng như diễn biến hồi phục thường thấy trước kỳ nghỉ lễ.

Chỉ số Dow Jones tăng 2,9% lên mức 8.726,61 điểm. Chỉ số Nasdaq đóng cửa tại 1.532,1 điểm, cao hơn phiên trước 4,6%. Chỉ số Standard & Poor kết thúc ngày giao dịch tại giá trị 887,68 điểm, đi lên 3,53%.

Tất cả các thị trường tài chính tại Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ năm để nghỉ lễ tạ ơn và sẽ giao dịch trở lại vào thứ sáu.

Bất chấp tin xấu được công bố, phố Wall vẫn hồi phục ấn tượng. Theo ông John Merrill, Giám đốc đầu tư tại Tanglewood Capital Management, điều này không có nghĩa giai đoạn khó khăn đã qua đi, nhưng là tín hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang được cải thiện.

Ông Paul Volcker là mảnh ghép mới trong thành phần nội các của Tân Tổng thống Mỹ, ông Obama. Ảnh: Marketoracle.co.uk.
Ông Paul Volcker là mảnh ghép mới trong thành phần nội các của tân Tổng thống Mỹ, ông Obama. Ảnh: Marketoracle.co.uk.

Việc Obama tuyên bố nội các mới tiếp tục nhận được sự hưởng ứng từ giới kinh doanh. Hôm qua, ông Obama đã giới thiệu thêm thành viên mới cho nội các, ông Paul Volcker, Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED). Vai trò mới của ông Volcker sẽ là người đứng đầu hội đồng tư vấn đặc biệt về kinh tế của Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng lợi từ xu hướng hồi phục trước ngày nghỉ lễ cuối năm. Số liệu thống kê cho thấy, giữa ngày thứ tư trước lễ tạ ơn và ngày thứ hai kế tiếp, chỉ số Dow Jones tăng điểm 14 lần trong 20 năm gần đây. Số điểm trung bình thị trường tích lũy được lên tới 470 điểm.

Các báo cáo kinh tế mới công bố tiếp tục tái khẳng định nước Mỹ đang ngập trong suy thoái, dù chưa có sự thừa nhận chính thức từ chính phủ. Theo báo cáo của Nhà Trắng, doanh số bán nhà mới giảm tồi tệ hơn nhiều so với dự tính của giới phân tích, xuống mức thấp nhất trong 18 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chưa chạm đáy.

Hoạt động chi tiêu tiếp tục yếu đi, giảm 1% trong tháng 10 sau khi đã mất 0,3% trong tháng 9. Đây là đà đi xuống mạnh nhất của hoạt động này kể từ tháng 9/2001. Chỉ số PCE lõi, đo mức độ chi dùng cá nhân đã loại trừ giá lương thực và nhiên liệu, tăng 2% sau 12 tháng. Thu nhập cá nhân tháng qua tăng 0,3%, cao hơn mức 0,2% của tháng 9. Các nhà kinh tế dự đoán, chỉ số này chỉ lên 1%.

Trong một diễn biến khác, số liệu về số đơn đặt hàng máy móc, thiết bị, hoặc phương tiện đi lại... giảm mạnh trong tháng 10. Ngoài ra, chỉ số sản xuất khu vực Chicago xuống mức 33,8 điểm trong tháng 11, ngưỡng thấp nhất trong 26 năm gần đây.

Tại thị trường lao động, số người mới thất nghiệp tuần qua hạ chút ít so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao với nửa triệu người không có việc làm.

Theo Đại học Tổng hợp Michigan, chỉ số lòng tin người tiêu dùng tiếp tục bị bào mòn trong tháng 11. Chỉ số này rơi xuống 55,3 điểm từ mức 57,9 điểm trong tháng 10, dự báo của các chuyên gia là 58 điểm.

Hai nhà sản xuất xe hơi, General Motor và Ford hồi phục lần lượt 35% và 30% trước niềm tin rằng, cùng với Chrysler, hai hãng sẽ được Chính phủ bảo trợ. Ngân hàng Deutsche Bank đánh giá, triển vọng của ngành công nghiệp xe hơi đang dần cải thiện.

Chứng khoán châu Á tiếp tục ghi nhận diễn biến trái chiều trên các chỉ số chính. Đồng yen lên giá so với đôla đã ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu lớn của Nhật như Honda, Toyota, Hitachi..., từ đó khiến Nikkei 225 sụt giảm 1,33%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong được cộng 3,87%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,49%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc bật mạnh 4,72%.

Tại châu Âu, phiên tăng nóng vào thứ ba đã dẫn đến xu hướng điều chỉnh giảm vào hôm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh đi xuống 0,44%. Chỉ số DAX của Đức không đổi trong khi CAC 40 của Pháp trượt dốc 1,24%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)