Mạch giảm của Vn-Index tiếp tục lan sang phiên sáng nay khi chỉ số này tuột dốc mạnh ngay từ đầu và theo một chiều đi xuống duy nhất cho đến lúc đóng cửa thị trường. Vn-Index sụt 9,38 điểm (2,57%), còn 342,33 điểm.

Chỉ số chứng khoán sàn TP HCM diễn biến qua nửa giờ giao dịch ngập chìm trong sắc đỏ. Vn-Index bị kéo lùi 12,91 điểm trước áp lực xả hàng của bên bán. Chỉ số này còn 338,8 điểm nhưng tâm lý người mua vẫn tỏ ra dè chừng, khiến khối lượng chuyển nhượng sau đợt 1 chỉ đạt 3,55 triệu chứng khoán, tương đương 102 tỷ đồng.

3 phiên giao dịch đầu tuần, Vn-Index mất tổng cộng 23,64 điểm. Ảnh: Đ.Q.

Nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất HOSE bổ nhào xuống mức điểm âm trong đợt khớp lệnh liên tục khiến hy vọng lật ngược tình thế của Vn-Index trở nên mong manh. Trọn đợt 2, giao dịch diễn ra cầm chừng khiến khối lượng thực hiện ít trong không khí ảm đạm của thị trường. Có gần 10 triệu chứng khoán sang tay, mức thấp nhất so với cùng đợt trong hơn 10 phiên qua, trị giá 271 tỷ đồng.

Đợt khớp lệnh cuối chậm chạp trôi qua và không có yếu tố bất ngờ xuất hiện, ấn định phiên giảm thứ hai liên tiếp của Vn-Index, hòa cùng dòng chảy đi xuống chung của chứng khoán Mỹ, Châu Âu, Châu Á.

Trước một xu hướng giảm sàn cố định từ đầu phiên, lực cầu trở nên thận trọng. Mua giá sàn, chọn hàng thuận lợi nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn quyết định chờ đợi. Sự chờ đợi đi cùng với tâm lý thận trọng trước diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới và nghe ngóng thêm thông tin trong nước. Khối lượng giao dịch do vậy đạt mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11, với 14,9 triệu chứng khoán, tương đương giá trị 494 tỷ đồng.

STB vẫn khẳng định là cổ phiếu có tính thanh khoản nhất khi tiếp tục dẫn đầu thị trường về khối lượng khớp lệnh với 2,5 triệu cổ phiếu, kế đến là SAM (874.880 cổ phiếu), DPM (723.550 cổ phiếu), HPG (679.230 cổ phiếu).

Toàn sàn có 41 mã tăng, 25 mã đứng và 103 cổ phiếu giảm giá. Ngoại trừ STB tăng chạm trần và VPL đứng giá, 8 trong số 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất HOSE sụt giảm từ 1.200 đồng đến 3.500 đồng một cổ phiếu.

Phòng phân tích Công ty chứng khoán Quốc tế cho rằng, kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý III của nhiều tập đoàn tài chính lớn như AIG, Fannie Mae, Goldman Sach... chứng tỏ ảnh hưởng của khủng hoảng tín dụng Mỹ chưa kết thúc. Thêm vào đó, các chỉ số vĩ mô của nhiều nước công nghiệp phát triển ngày càng xấu đi khiến nguy cơ suy thoái kinh tế khó tránh khỏi. Những thông tin xấu từ bên ngoài vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chứng khoán.

Trái ngược với đà lao dốc mạnh của Vn-Index, HaSCT-Index của sàn Hà Nội gắng gượng đi lên 0,7 điểm (0,62%), dừng ở 113,01. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 10,8 triệu chứng khoán, tương đương 302 tỷ đồng.

Bạch Hường-Vnexpress