Dù thông tin về hoạch mới của Chính phủ nhằm giúp người sở hữu nhà đất vừa được công bố, Phố Wall vẫn ngập trong sắc đỏ trước nỗi lo suy thoái ngày càng trầm trọng. Cùng ngày, lần đầu tiên sau 19 tháng, dầu xuống dưới 60 đôla một thùng, phản ánh sự trì trệ của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số Dow Jones bị trừ 1,99%, đóng cửa tại 8.693,96 điểm. Chỉ số Nasdaq hiện chỉ còn 1.580,9 điểm, sụt giảm 2,22%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) trượt dốc 2,2%, chốt ở mức 898,95 điểm.

Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm, ông George Bush, vừa công bố kế hoạch giúp những người vay bất động sản. Kế hoạch trên hướng vào Fannie Mae và Freddie Mac, hai tập đoàn đang sở hữu hoặc cho vay khoảng 5.000 tỷ đôla bất động sản. Theo đó, chính quyền sẽ thương lượng với hai hãng trên để tìm ra phương án thỏa với các khoản vay sắp đáo hạn.

Cuộc khủng hoảng tài chính đang khiến nhiều người vay tiền để mua nhà đứng trước nguy cơ bị tịch thu tài sản để trả nợ (Foreclosure). Ảnh: abc.net.au.
Cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất đang khiến nhiều người vay tiền để mua nhà đứng trước nguy cơ bị tịch thu tài sản để trả nợ (Foreclosure). Ảnh: abc.net.au.

Ba nhà sản xuất xe hơi hàng đầu, General Motor, Ford Motor, và Chrysler tiếp tục chìm sâu vào nỗi lo sớm phá sản nếu không có sự can thiệp của Chính phủ.

General Motor nhà sản xuất xe hơi 65 năm tuổi, trước đó cho hay sẽ cắt giảm thêm 1.900 việc làm. Trong quý III, hãng chịu lỗ 4,2 tỷ đôla và hiện sắp cạn tiền mặt. GM, Ford, và Chrysler đều đang cầu viện sự trợ giúp từ phía Chính phủ. Tân Tổng thống, ông Barack Obama, vào đầu tuần cũng nhấn mạnh các nhà sản xuất ôtô cần sớm nhận được hỗ trợ của Chính quyền Liên bang.

Tại khối tài chính, Citigroup cho biết sẽ hỗ trợ 20 tỷ đôla để tránh cho những người vay tiền mua nhà, ước tính khoảng 130 nghìn người, không bị tịch biên tài sản. Trước Citigroup đã có Bank of America và JP Morgan áp dụng chính sách tương tự.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) vừa cho phép American Express chuyển đổi phương thức hoạt động thành tập đoàn ngân hàng. Thay đổi trên sẽ cho phép hãng có thể nhận hỗ trợ từ quỹ của FED.

Một số tập đoàn như Starbucks, Toll Brothers đều thông báo lợi nhuận giảm mạnh trong qúy III. General Growth Properties, Công ty Đầu tư Bất Động sản, thành phần của S&P 500, cho biết đang tính tới khả năng nộp đơn xin phá sản. Cổ phiếu của hãng này sẽ bị loại khỏi bộ chỉ số S&P 500 sau phiên giao dịch ngày thứ 4.

Dầu thô giao sau tháng 12 giảm 3,08 đôla, xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, khoảng 59,33 đolla một thùng. Giá xăng tại Mỹ cũng đi xuống ngày thứ 55 liên tiếp, hiện có giá 2,22 đôla một galon (3,78 lít).

Không nằm ngoài xu hướng khủng hoảng của thị trường thế giới, cổ phiếu tại châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc sau phiên hôm qua.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật xuống 3%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 4,85%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,66%. Chứng khoán Hàn Quốc cũng ngập trong sắc đỏ khi chỉ số KOSPI của nước này đóng cửa thấp hơn phiên trước 2,06%.

So với diễn biến tại Mỹ và châu Á, thị trường châu Âu thậm chí còn giảm sâu hơn. Chỉ số FTSE 100 của Anh đi xuống 3,57%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 5,25%. Chỉ số CAC 40 của Pháp sụt giảm 4,83%.

Theo nhận định của Bank of America, tăng trưởng kinh tế của 15 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro đã sụt giảm nghiêm trọng và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong năm tới.

Tính tới 9h40 sáng nay, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3%. Hang Seng xuống 1%. Shanghai Composite mất 0,38%. KOSPI tăng nhẹ 0,3%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)