Hôm qua 2/10, chỉ số chính tại các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm dù thượng viện Mỹ đã chấp thuận kế hoạch giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỷ đôla, do lo ngại cuộc bỏ phiếu tiếp theo tại hạ viện sẽ đi vào vết xe đổ lần trước.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,22% xuống mức 10.482,85 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 mất 4,08%, đóng cửa tại 1.114,28 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq đóng cửa tại 1.976,72 điểm, bị trừ 4,48%.

Thông tin tâm điểm trong phiên hôm qua là việc thượng viện Mỹ đã chấp thuận đạo luật cho phép Bộ Tài chính dùng 700 tỷ đôla để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Tuy nhiên, để đạo luật chính thức được ban hành, còn cần sự chấp thuận của hạ viện và Tổng thống ký ban hành.

Ở lần bỏ phiếu tại hạ viện trước đó, kế hoạch giải cứu đã bị bác. Khả năng tương tự vẫn có thể xảy ra đang khiến giới đầu tư tại phố Wall lo ngại.

Ông Ron Kiddoo, Giám đốc Đầu tư tại Cozad Asset Management, cho biết: "Vẫn còn những nghi ngờ liệu hạ viện có thông qua đạo luật giải cứu thị trường hay không. Và ngay cả khi họ thông qua, liệu giải pháp trên có hiệu quả".

Bức biếm họa phản ánh mối lo, dù "chú sam" đã rót tiền vào các ngân hàng, người tiêu dùng tại Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thắt chặt tín dụng. Ảnh: blackcommentator.com

Nhiều nhà phân tích có quan điểm, đạo luật này sẽ không giúp được nhiều cho nền kinh tế Mỹ đang "ốm yếu". Tuy nhiên, phe ủng hộ lại tin rằng, dùng tiền mua lại các khoản nợ xấu sẽ chặn đứng cuộc suy thoái đang diễn ra với khối tài chính.

Tỷ phú Warrent Buffett nhận định đạo luật hỗ trợ thị trường tài chính sẽ có ý nghĩa lớn với kinh tế thế giới, nhưng con số 700 tỷ đôla có lẽ vẫn là chưa đủ.

Thị trường tín dụng và cho vay bị thắt chặt đang khiến các doanh nghiệp Mỹ cũng như cuộc sống của người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Ngay cả các công ty phát triển ổn định cũng gặp khó trong việc vay vốn. Ngoài ra người tiêu dùng, nhóm đóng góp tới hai phần ba tăng trưởng kinh tế của Mỹ nhờ chi tiêu cá nhân, cũng bị hạn chế nhiều trong mua sắm.

Sau phiên vừa qua, phần lớn các cổ phiếu tại Sở Giao dịch New York cùng mất giá mạnh, 5 mã giảm mới có 1 mã tăng.

Diễn biến của phố Wall còn bị tác động bởi thông tin bi quan từ thị trường lao động. Trong ngày hôm qua, con số mới thất nghiệp trong tuần ở Mỹ leo lên 497 nghìn người, mức cao nhất trong 7 năm qua. Tuần trước số này là 496 nghìn. Cuộc trưng cầu ý kiến trước đó chỉ ra, đa số đều cho rằng số người thất nghiệp sẽ giảm xuống mức 475 nghìn người. Hôm nay, thông tin về số người thất nghiệp trong tháng sẽ được công bố.

Ngoài ra, số đơn đặt hàng tháng 8 tại các nhà máy lại giảm 4% xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm. Tháng trước chỉ số này tăng 0,7% và dự đoán của các chuyên gia chỉ là giảm 2,9%.

Dầu tiếp tục mất giá do nhu cầu sử dụng năng lượng toàn thế giới đi xuống. Giá dầu sụt 4,56 đôla, chốt tại 93,97 đôla một thùng. Vàng giao sau cho tháng 12 xuống tới 43 đôla, chốt tại 844 đôla một ounce.

Tương tự như chứng khoán Mỹ, giới chứng khoán tại châu Á và châu Âu phản ứng không mấy tích cực trước thông tin thượng viện Mỹ chấp thuận đạo luật giải cứu khối tài chính.

Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,8%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 2,51%. Chỉ số CAC 40 của Pháp thấp hơn phiên trước 2,25%.

Tại Nhật chỉ số Nikkei 225 giảm 1,88%. Trong khi đó chứng khoán Hong Kong, sau một ngày nghỉ lễ, đã có một phiên tăng nhẹ sau với mức đi lên 0,2% của chỉ số Hang Seng.

Chứng khoán Trung Quốc ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

Xuân Hòa (Theo CNN)