Chứng khoán Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu thêm một phiên xuống dốc khi hàn thử biểu kết thúc ngày giao dịch ở mức 345,11 điểm, thấp hơn 20 điểm so với đáy cũ.

Sau khi xuống 366 điểm vào ngày 23/10, ngay sau giờ mở cửa sáng nay, đáy mới 346,63 điểm đã được xác lập, lùi 13,8 điểm so với phiên trước, tương đương 3,83%. Số cổ phiếu sang tên đạt 2,88 triệu, giá trị 81,43 tỷ đồng.

Một lần nữa, sự kiên trì của nhà đầu tư bị thử thách khi đáy cũ 366 điểm của Vn-Index bị phá thủng. Ảnh: Hoàng Hà.

Những phút tiếp theo của phiên giao dịch cũng không khá hơn khi phần lớn cổ phiếu được bán giá sàn "ê hề" trên bảng điện tử, trong khi lượng mua vào quá ít ỏi. Càng về cuối đợt khớp lệnh thứ hai, diễn biến của chứng khoán càng bất lợi. Các blue chip khác như DPM, FPT, KDC, ITA, PVD, SAM lần lượt có tên trong nhóm đo sàn. Từ đó, kéo Vn-Index chìm sâu hơn xuống dưới mốc tham chiếu.

Kết thúc đợt khớp lệnh thứ hai, Vn-Index chốt 245,38 điểm, bị trừ 15,05 điểm, tương đương 4,18%. Lượng giao dịch sau đợt hai đạt 10,44 triệu chứng khoán, giá trị khoảng 304,9 tỷ đồng.

Đến cuối phiên, Vn-Index đóng cửa tại 345,17 điểm, đi xuống 15,32 điểm, tương đương 4,25%. Tổng lượng cổ phiếu trao tay đạt 13,17 triệu chứng khoán, giá trị giao dịch 450,89 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,11 triệu cổ phiếu, giá trị 105,78 tỷ đồng. Toàn sàn có 14 mã tăng, 19 mã đứng giá, số còn lại đều mất điểm.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng Bộ phận Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán SME chi nhánh TP HCM, nhận định với việc hàn thử biểm giảm sâu tới 20 điểm so với đáy 366, thị trường có thể tiếp tục hướng đến mốc chẵn 300 điểm. Theo ông Lân, hiện tại diễn biến xấu của Vn-Index không hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý do khủng hoảng tài chính, mà còn bắt nguồn từ tình hình trong nước. Khối ngoại thời gian qua liên tiếp đẩy cổ phiếu ra, đặc biệt lượng bán tập trung vào nhóm mã dẫn dắt đã khiến Vn-Index giảm mạnh, dù kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp đã được công bố nhìn chung khá khả quan.

Một số nhà đầu tư lo ngại xu hướng sụt giảm kéo dài có thể lại tái diễn và mong muốn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) can thiệp để ổn định thị trường. Nhận định về vấn đề này, ông Lân cho rằng, SSC liên tục "nhúng tay" vào diễn biến thị trường là điều không tốt vì bản chất giá chứng khoán được quyết định bởi quy luật cung cầu và là tấm gương phản ánh những vấn đề của kinh tế trong nước và cả xu hướng toàn cầu. Việc tăng giảm biên độ hay ngừng giao dịch chỉ nên được áp dụng nếu tâm lý hoảng loạn và tháo chạy xuất hiện, như tháng 5/2008. Hiện tại, thanh khoản vẫn được duy trì và không có hiện tượng hoảng loạn trong giới đầu tư. Vì vậy thời điểm này có lẽ chưa phù hợp để các nhà điều hành can thiệp vào thị trường.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index cũng bị cuốn theo vòng xoáy giảm điểm. Sau phiên này, chỉ số dẫn dắt của sàn Hà Nội, đóng cửa tại 111.58 điểm, giảm 3,76 điểm, ngang mức xuống 3,26%. Tổng giao dịch toàn thị trường đạt 8,7 triệu cổ phiếu, giá trị 216,85 tỷ đồng.

Khối ngoại đóng góp đáng kể khiến phiên giao dịch hôm nay thêm ảm đạm khi mua vào 906 nghìn và bán ra 2,53 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Xuân Hòa