Phiên giao dịch ngày 7/10 diễn ra trong khí ảm đạm, giao dịch sụt giảm bởi nỗi lo Vn-Index không trụ vững mốc 400. Lượng cầu yếu và chỉ tập trung ở vùng giá thấp kéo chỉ số này tuột dốc mạnh 19,47 điểm (4,48%), chỉ còn 414,24 điểm.

Không gặp bất cứ trở ngại nào, chỉ sau 30 phút giao dịch đầu tiên, chứng khoán sàn TP HCM giảm gần hết biên độ cho phép (4,62%) và tiệm cận ngưỡng 400. Các mã không kể lớn nhỏ rủ nhau lao dốc khiến bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ. Giao dịch ở mức thấp với 4 triệu chứng khoán sang tay, đạt 146,7 tỷ đồng

Dù có cơ hội được mua giá rẻ, chọn hàng thuận lợi nhưng nhà đầu tư vẫn quyết định chờ đợi thay cho động thái hăm hở mua vào như giai đoạn hồi phục những tháng trước đó. Hết đợt khớp lệnh liên tục, chưa đến 10 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chuyển nhượng, tương ứng giá trị 320,1 tỷ đồng.

Giao dịch hôm nay diễn ra trong không khí ảm đạm, nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng và chờ đợi thông tin hỗ trợ thị trường trước khi quyết định mua vào. Ảnh: B.H.

Khá nhiều lần, Vn-Index thử ngưỡng 420, song nhà đầu tư ngần ngại "bắt đáy", tỏ ý chờ đợi thông tin hỗ trợ thị trường, trước mắt là kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết. Không khí này khác hẳn những lần Vn-Index dò đáy trước đây. Những nhà đầu tư bắt đáy ở ngưỡng 420 các đợt trước đều có lợi nhuận, bởi thị trường nhanh chóng bật lên sau đó. Gần đây nhất, ngày 19/8 chỉ số sàn TP HCM tiến sát mốc 420, sau đó đã sải những bước dài dứt khoát, và gần chạm đến mốc 500, thanh khoản luôn ở mức cao.

Khoảng trống về sức cầu kéo Vn-Index rơi không phanh 19,47 điểm khi kết thúc phiên. Xu thế đẩy hàng của bên bán khiến người mua chùn tay, bởi thị trường còn để ngỏ cơ hội mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn. Diễn biến ấy làm cho tính thanh khoản co hẹp lại. Chỉ 10,2 triệu chứng khoán khớp lệnh thành công, trị giá 319,7 tỷ đồng.

Qua giao dịch thỏa thuận có thêm 490 nghìn chứng khoán chuyển nhượng, đưa tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 10,6 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá 359 tỷ đồng. STB có khối lượng giao dịch nhiều nhất phiên với 1,6 triệu cổ phiếu.

Trong tổng số 164 mã niêm yết trên HOSE, có chưa đến 10 mã tăng. Trong đó, đáng chú ý nhất là mã BBT của công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, dù chỉ được giao dịch ở 15 phút cuối cho đến khi doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ về việc phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có đến 32.120 cổ phiếu trao tay, vươn lên tăng trần 0,3 điểm, đứng ở mức giá 6.400 đồng.

Trên sàn Hà Nội, HaSTC-Index cùng chung diễn biến đi xuống với Vn-Index, với mức giảm 8,4 điểm (5,86%), chốt ở 134,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 7 triệu chứng khoán, tương ứng 211,3 tỷ đồng.

Liên quan tới vụ sữa nhiễm melamine gây sỏi thận, Hanoi Milk (HNM) - một đại diện ngành sữa niêm yết trên HASTC đã có 7 mẫu bị nhiễm theo kết quả kiểm tra của Bộ Y tế. Hôm nay mã này đã giảm tiếp 0,8 điểm. Tuy nhiên, dư bán lên đến cả triệu cổ phiếu khi đóng cửa thị trường, nhưng tính thanh khoản của HNM vẫn ở mức cao, gần gấp đôi so với phiên trước đó với 318.000 cổ phiếu giao dịch. Riêng VNM trên sàn HOSE, không có chứa melamine trong sản phẩm nhưng giá cổ phiếu hôm nay vẫn chịu tác động chung của thị trường, rớt tiếp 3.500 đồng.

Bạch Hường