Khó xử lý room khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài
Sau hơn 3 năm chuẩn bị, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào xuất ngoại cổ phiếu. Lưu ký, thanh toán bù trừ, quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong doanh nghiệp là những vướng mắc cần tháo gỡ.
Trên thực tế, doanh nghiệp có quyền chủ động lựa chọn địa điểm, thời gian niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Sau khi hoàn tất thủ tục và đáp ứng đủ yêu cầu của cơ quan quản lý nước sở tại, doanh nghiệp chỉ cần thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu có khó khăn, Ủy ban sẽ tư vấn, trợ giúp về kỹ thuật.
Niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài là vấn đề khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, dù từ đầu năm 2005, Chính phủ đã có chủ trương. Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore cũng nhiều lần mời chào, tư vấn cho doanh nghiệp. Công ty Vinamilk, Gemandept hay Kinh Đô không ít lần đánh tiếng muốn niêm yết tại đảo quốc sư tử. Bản thân Vinamilk rất tích cực chuẩn bị. Song đến nay chưa có đơn vị nào xuất ngoại cổ phiếu.
Phía Việt Nam và cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã ký bản ghi nhớ, tạo điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp niêm yết tại đây. Song, ngoài những yêu cầu khắt khe của nước sở tại về khả năng tài chính, năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp còn lúng túng trong khâu lưu ký, thanh toán bù trừ, đặc biệt là xử lý những vướng mắc liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết dù niêm yết ở nước ngoài, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ quy định room dành cho nhà đầu tư ngoại không vượt quá 49%. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi công ty đã hết room, nếu muốn niêm yết ở nước ngoài sẽ phải phát hành thêm cổ phiếu hay phát hành thêm quyền, tỷ lệ niêm yết ở nước ngoài sẽ là bao nhiêu.
Việt Nam cũng chưa có quy chế riêng cho việc chào bán và niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Luật Chứng khoán chỉ quy định doanh nghiệp đăng ký với Ủy ban Chứng khoán sau khi hoàn tất thủ tục, chứ không cần xin phép. Ủy ban đang xây dựng một văn bản, có thể là quy chế hoặc cao hơn, nhằm hướng dẫn về kỹ thuật, chính sách cho doanh nghiệp.
Tháng 11, Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với Bộ Ngoại Giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore tổ chức hội thảo quốc tế hai vòng về vấn đề niêm yết, chào bán chứng khoán ở nước ngoài. Hội thảo vòng một sẽ diễn ra tại Hà Nội, nhằm thảo luận về những quy định pháp lý, vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật cần xử lý. Tại vòng hai, diễn ra ở Singapore, những người tham gia hội thảo, trong đó dự kiến có 30 doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết ở nước ngoài, sẽ tìm hiểu về chính sách, thủ tục niêm yết và thực tiến tại sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Kỳ Duyên
0 Responses to Khó xử lý room khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài
Something to say?