Chỉ số Hang Seng của Hong Kong có phiên giảm mạnh nhất kể từ 1997, năm nổ ra khủng hoảng tài chính châu Á. Chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc xuống thấp nhất trong 5 năm trở lại đây do nỗi lo suy thoái.

Hôm qua 27/10, chỉ số Dow Jones mất 2,42%, đóng cửa tại 8.175,77. Chỉ số Standard & Poor 500 đi xuống 3,18% chốt ở mức 848,92 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq thấp hơn phiên trước 2,97%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 1.505,9 điểm.

Con "ngáo ộp" suy thoái đã khiến giới đầu tư quên rằng gói kế hoạch thứ hai nhằm hỗ trợ thị trường tài chính đã bắt đầu được triển khai, cũng như tin tốt mới công bố từ thị trường nhà đất.

Thông tin được giới đầu tư ngóng chờ những ngày qua là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào ngày thứ 4. Theo dự đoán, sau lần họp trước bầu cử này, lãi suất sẽ tiếp tục được cắt giảm khoảng 0,25% xuống còn 1,25%.

FED vừa công bố kế hoạch mua lại các phiếu chi thương nghiệp, và các khoản nợ ngắn hạn, nảy sinh do hoạt động hàng ngày, của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, việc Chính phủ thực hiện một gói giải pháp khác để hỗ trợ cho các công ty là một tin tốt. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều tuần để những điều chỉnh trên tạo ra những thay đổi lớn cho thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ.

Cùng ngày, lãi suất của thị trường liên ngân hàng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Lãi suất LIBOR qua đêm và 3 tháng giảm lần lượt 0,2% và 0,1% xuống còn 1,26% và 3,51%.

Doanh số bán nhà tại Mỹ trong tháng 9 tăng 2,7% với 464 nghìn căn nhà được bán.

Tại châu Á và châu Âu, cơn bão tài chính đang hoành hành khiến thị trường cổ phiếu thêm phiên giảm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật lao dốc 6,36%, hạ xuống thấp nhất trong vòng 26 năm. Việc đồng yên tăng giá lên mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây so với đồng đôla đã gây tổn hại cho các cổ phiếu xuất khẩu. Trước diễn biến trên, G7 đã tỏ ra lo ngại yen tăng giá sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới. Chính phủ Nhật dự định sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để ổn định tỷ giá nội tệ.

Chứng khoán Hong Kong có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1997, năm xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: foreignpolicy.com.
Chứng khoán Hong Kong có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1997, năm xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: foreignpolicy.com.

Chỉ số Hang Sheng giảm mạnh nhất trong 11 năm trở lại đây khi mất 12,7%. Chứng khoán Trung Quốc đi xuống, với số điểm trừ 6,32% trên chỉ số Shanghai Composite. Việc Chính phủ Hàn Quốc hạ lãi suất khẩn cấp 0,75%, mức cắt giảm kỷ lục, xuống còn 4,25% đã giúp chỉ số KOSPI của nước này tăng 0,82%. Đây cũng là điểm sáng hiếm hoi tại thị trường châu Á phiên vừa qua.

Tương như như tại Mỹ, giới đầu tư tại châu Âu đang hướng sự quan tâm tới việc Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giảm mạnh lãi suất trong thời gian tới.

Sau ngày hôm qua, chỉ số FTSE 100 của Anh sụt 0,79%. Chứng khoán Pháp mất điểm khá nặng khi chỉ số CAC 40 bị trừ tới 3,96%. Chỉ số DAX của Đức, diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn, cao hơn phiên trước 0,96%.

Tính tới 10h sáng nay 28/10, chỉ số Nikkei 225 của Nhật xuống 0,95%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong lên 5,7%. Shanghai Composite của Trung Quốc xuống 0,9% trong khi KOSPI của Hàn Quốc chuyển biến khá tốt khi tăng 0,76%.

Xuân Hòa (Theo Reuters & CNN)