Không hoàn thành đúng thời hạn 1/10, một số công ty chứng khoán tiếp tục lấy lý do việc chuyển tài khoản của nhà đầu tư sang ngân hàng rất mất thời gian và công sức, do phức tạp về kỹ thuật.

Trên 70 trong tổng số 98 công ty chứng khoán đã chuyển tài khoản của nhà đầu tư sang ngân hàng. Trong đó 19 công ty hoàn thành công đoạn thử nghiệm. Theo Quyết định số 27 của Bộ Tài chính, kể từ 1/3, tài khoản của nhà đầu tư phải được chuyển từ công ty chứng khoán về các ngân hàng để quản lý. Sau đó, kế hoạch này được hoãn lại đến hạn chót ngày 1/10.

Tại hội thảo về chuyển đổi tài khoản nhà đầu tư từ công ty chứng khoán sang ngân hàng hôm 21/10, đại diện nhiều công ty bày tỏ ủng hộ quy định của Bộ Tài chính, song cho rằng, sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Theo ông Ngô Công Trí, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt, từ đầu năm đến nay, công ty này không còn nhận tiền trực tiếp từ khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại ngân hàng chỉ là bước đầu tiên, sau đó là hàng loạt công việc công ty chứng khoán phải làm.

Hiện chỉ một số ngân hàng có nhân viên tại công ty chứng khoán, để nhà đầu tư có thể nộp tiền vào tài khoản, thay vì phải đến tận ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Để chuyển 200 tài khoản đang hoạt động sang ngân hàng, Bảo Việt mất một tuần. Nguyên nhân là các tài khoản không ở trạng thái đồng nhất, mà cùng lúc ở 4-5 mức độ khác nhau như T+1, T+2… Hiện công ty này có khoảng 40.000 tài khoản.

“Quyết định chuyển tài khoản giao dịch của nhà đầu tư từ công ty chứng khoán sang ngân hàng là hợp lý, nhưng đây là cả một quá trình khó làm nhanh bởi nó không chỉ phụ thuộc vào các công ty chứng khoán”, ông Ngô Công Trí lý giải.

Mặt khác, hiện mỗi công ty chứng khoán thường cùng lúc kết nối với nhiều ngân hàng, để nhà đầu tư có thể lựa chọn, thay vì bị buộc phải dùng chung dịch vụ của một nhà băng. Việc này khiến quá trình chuyển đổi càng tốn thời gian.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngô Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kim Long, tỏ ra lo ngại trục trặc trong đường truyền sẽ xảy ra. “Ngay các ATM khi sử dụng còn có lỗi. Vì thế, khi ngân hàng kết nối với công ty chứng khoán, các quy trình không hề đơn giản”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông, điều các nhà đầu tư quan tâm không phải là tài khoản của họ được đặt tại công ty chứng khoán hay ngân hàng, mà là khi họ giao dịch có thuận lợi hay không và khi cần tiền thì có rút được hay không.

Đại diện Kim Long cho rằng, việc chuyển tài khoản của nhà đầu tư vào lúc này là khó khăn bởi các công ty còn thực hiện kết nối với Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, và bản thân họ cũng đang khó khăn trong hoạt động.

Hiện phần lớn ngân hàng cung cấp dịch vụ mở tài khoản của nhà đầu tư cho các công ty chứng khoán. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một điểm kết nối lớn với 13 công ty và gần 8.000 tài khoản. Đại diện BIDV cho hay, để chuyển đổi tài khoản của mỗi công ty sẽ mất khoảng một tuần.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng cho rằng, việc chuyển tài khoản sang các ngân hàng khá phức tạp và mất thời gian.

Ông Hùng phân tích, việc chuyển tài khoản sang ngân hàng một phần là do nhà đầu tư lo ngại số tiền không được an toàn, nhưng khi tài khoản nằm tại ngân hàng, cũng không phải loại trừ được toàn bộ rủi ro. “Tuy nhiên, Luật các Tổ chức tín dụng không quy định công ty chứng khoán là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nên nếu nhận tiền gửi của nhà đầu tư là phạm luật”, ông Hùng nói.

Mới đây SSC đã có thêm công văn 1880 yêu cầu các công ty không được nhận tiền của nhà đầu tư. Theo ông Hùng, thay vì chỉ chuyển tài khoản của các ngân hàng đầu tư đang có sang ngân hàng, thì từ nay khi mở tài khoản mới, các nhà đầu tư sẽ mở tại các ngân hàng.

Ngọc Châu