Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10 bằng một phiên giảm điểm. Tuy nhiên trong ngày hôm nay, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý tới cuộc bỏ phiếu của thượng viện về kế hoạch giải cứu thị trường tài chinh đã được sửa đổi.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 0,18% xuống 10.831,07 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq đang ở mức 2.069,4 điểm, giảm 1,07%. Chỉ số Standard & Poor 500 thấp hơn phiên trước 0,32%, đóng cửa tại 1.161,06 điểm.

Chỉ số Dow Joness giảm mạnh vào buổi sáng và hãm đà giảm vào cuối phiên khi những thông tin chi tiết hơn về kế hoạch giải cứu khối tài chính được công bố. Trong đó, cổ phiếu tài chính và xây dựng tăng điểm còn chứng khoán của các hãng công nghệ và dầu mỏ đi xuống.

Dù có nhiều thông tin bất lợi về vĩ mô nhưng các nhà đầu tư tại phố Wall đang dồn sự chú ý tới cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Ảnh: money.howstuffworks.com.
Dù có nhiều thông tin bất lợi về vĩ mô nhưng các nhà đầu tư tại phố Wall đang dồn sự chú ý tới cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Ảnh: money.howstuffworks.com.

Bản kế hoạch đã được sửa đổi cho phép dùng 700 tỷ đôla để giải cứu thị trường tài chính sẽ được Hạ viện bỏ phiếu thông qua trong ngày hôm nay. Sự tự tin của giới đầu tư về việc đạo luật trên được chấp thuận đã làm dịu phố Wall nhưng không đủ để đẩy các chỉ số chính lên cao hơn.

Nhìn chung, các nhà phân tích đều nhận định, kế hoạch này dù cần thiết cho cả phố Wall lẫn thị trường tài chính, nhưng sẽ không thể giúp cho kinh tế Mỹ tránh khỏi trì trệ. Trên lý thuyết, các khoản nợ xấu được xóa khỏi bảng cân đối kinh doanh sẽ giúp “phá băng” tại thị trường tài chính. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả của việc mua lại các khoản nợ ngân hàng.

Cùng ngày, một số thông tin đáng chú ý khác được công bố. Tập đoàn Berkshire Hathaway, của tỷ phú Warren Buffet, cho hay sẽ mua lại 6 tỷ đôla cổ phiếu của tập đoàn General Electric (GE). Các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu công bố doanh số bán hàng tháng 9, trong đó Ford Motor và General Motor cùng thông báo sụt giảm lần lượt 34% và 16%.

Chỉ số sản xuất ISM, một chỉ báo sức khỏe kinh tế, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, hiện ở gần ở ngưỡng đánh dấu suy thoái kinh tế.

Ông Bill Flaig, Nhà Quản lý quỹ tại Arrow Funds, bình luận: “Đang có nhiều tin xấu về sức khỏe của nền kinh tế, tuy nhiên thị trường dường như chỉ chú ý tới kế hoạch giải cứu của chính phủ”.

Chứng khoán châu Âu có những diễn biến trái chiều. Trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh và CAC 40 của Pháp tăng lần lượt 1,17% và 0,56%. Chỉ số DAX của Đức lại mất 0,42%.

Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 tăng thêm 0,96% nhờ cổ phiếu của các nhà xuất khẩu như Honda, Mitsubishi hồi phục. Chứng khoán Hong Kong, Trung Quốc ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

Xuân Hòa (Theo CNN)