Khoảng 40 doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trên cả hai sàn trong thời gian tới, chưa kể một lượng lớn cổ phiếu phát hành thêm được đưa vào giao dịch, đang dấy lên lo ngại về nguy cơ nguồn cung quá tải và ảnh hưởng không tốt đến thị trường.

Hôm qua, công ty cổ phần Container Phía Nam (mã chứng khoán VSG) niêm yết hơn 11 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE.

Sàn TP HCM hôm qua cũng đón nhận 8,1 triệu cổ phiếu niêm yết của Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (mã chứng khoán DCL). Trước đó vào ngày 9/9, công ty cổ phần vận tải biển Vinaship (mã VNA) niêm yết 20 triệu cổ phiếu cùng lúc với 10 triệu cổ phiếu SZL (công ty cổ phần Sonadezi Long Thành) gia nhập sàn HOSE.

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) cũng đã được HOSE chấp thuận về nguyên tắc niêm yết 57 triệu. Đây là một trong những công ty hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực tôn - thép, vật liệu xây dựng, cảng biển, logistics... với số vốn điều lệ đạt 570 tỷ đồng.

Nhà đầu tư e ngại nguồn cung cổ phiếu lớn sẽ làm loãng và ảnh hưởng không tốt đến thị trường. Ảnh: H.P.

Còn phải kể đến lượng cung do các doanh nghiệp phát hành thêm. Phiên giao dịch hôm qua, hơn 1,44 triệu cổ phiếu VTC được Sở giao dịch chứng khoán cho niêm yết và giao dịch. Đây là số cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và trả cổ tức.

Ngày mai, 459.912 cổ phiếu của công ty cổ phần Công nghiệp Gốm Sứ Taicera (mã TCR) được niêm yết và giao dịch. Chưa kể số lượng niêm yết bổ sung của một loạt doanh nghiệp khác như 209.641 cổ phiếu SDN của công ty cổ phần Sơn Đồng Nai,100.000 cổ phiếu phát hành cho cán bộ công nhân viên năm 2007 của công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành (mã DTT)...

Áp lực về nguồn cung mới tạo thêm sức nặng cho thị trường, vốn đang rất mong manh trước nhiều tin xấu. Giám đốc phân tích tài chính công ty Vifinfo, ông Đào Trung Kiên cho rằng với những diễn biến chưa rõ ràng hiện nay của VN-Index, cộng với tác động của tình hình tài chính thế giới, sẽ càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn huy động vốn từ kênh chứng khoán.

Dù nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa, nhưng cũng chính vì vậy họ đầu tư dàn trải, lan man chứ không tập trung, chưa kể lượng cung tăng nhưng sức cầu có hạn tạo áp lực tâm lý đến nhà đầu tư. Do đó, vị giám đốc này e ngại thị trường sẽ tạo lập xu thế đi xuống.

Ngược với ý kiến trên, chuyên gia tài chính, Thạc sỹ Đinh Thế Hiển cho rằng, không phải việc lên xuống của chỉ số giá Vn-Index quan trọng mà cần lưu tâm đến chất lượng hàng hóa trên thị trường. Vì khi các doanh nghiệp nở rộ việc niêm yết, phát hành thêm sẽ làm phong phú nguồn cung. Khi đó, các công ty phải không ngừng phát triển, minh bạch thông tin, có những chính sách tốt, nâng cao chất lượng ban điều hành... để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Qua đó tạo nên cuộc canh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, vốn là động lực của sự phát triển.

Ông Hiển cho biết thêm, việc niêm yết, phát hành thêm của các công ty hiện nay sẽ làm sôi động và nhộn nhịp thị trường hơn ở các năm tiếp theo. Nếu để đến khi thị trường khát hàng mới bắt đầu cung sẽ không kịp, do vậy cần trải qua lộ trình, và những doanh nghiệp nào quyết định tung hàng hiện nay sẽ gặt hái những thành quả về sau vì ông tin vào triển vọng phát triển của thị trường này.

Bạch Hường