Cả ba chỉ số chính đều tụt dốc với biên độ trên 3% ngay phiên giao dịch đầu tuần. Sự hoài nghi về kế hoạch giải cứu thị trường tài chính của Nhà Trắng đã đẩy phố Wall vào đợt suy thoái mới.
Chỉ số Dow Jones xuống tới 3,27%, chốt tại 11.015,69 điểm. Standard & Poor 500 đóng cửa tại 1.207,09 điểm, bị trừ tới 3,82%. Nasdaq giảm mạnh nhất, với mức biến động lên tới 4,17%, kết thúc ngày giao dịch tại 2.178,98 điểm.
Chứng khoán hồi phục vào cuối tuần trước khi Chính phủ cho biết sẽ dùng 700 tỷ đôla để cứu khối ngân hàng khỏi các khoản nợ xấu. Đây được coi là biện pháp điều chỉnh kinh tế mạnh tay và sâu rộng nhất của Chính phủ kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930. Tuy nhiên, sau ba ngày chưa có thông tin thêm về kế hoạch trên, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại.
Giới đầu tư đã bắt đầu sốt ruột khi chưa có thêm thông tin gì về kế hoạch giải cứu ngân hàng của Chính phủ Mỹ. Ảnh: cache.daylife.com |
Tâm điểm của sự chú ý trong phiên vừa qua là Morgan Stanley và Goldman Sachs, hai ngân hàng đầu tư cuối cùng của Mỹ, đã phải chuyển sang mô hình ngân hàng cổ phần. Bằng cách này hai tập đoàn trên có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc hai hãng sẽ do FED giám sát chặt chẽ hơn.
Tập đoàn Mitsubishi UFJ của Nhật cho biết sẽ mua từ 10% đến 20%, cổ phần của Morgan Stanley, trị giá có thể lên tới 6 tỷ đôla. Tuy nhiên, thông tin tích cực trên là không đủ để khối ngân hàng tránh khỏi một phiên giảm mạnh.
Phố Wall phải đón nhận thêm một thông tin không mấy vui vẻ nữa. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ mức đánh giá tình trạng nợ của General Motors do hãng này gặp khó khăn trong thanh khoản và kế hoạch tăng vốn.
Tín hiệu tốt hiếm hoi trong ngày đến từ khối công nghệ và hàng may mặc. Microsoft, Hewlett-Packard (HP) và Nike tất cả đều tuyên bố sẽ mua lại hàng tỷ đôla cổ phiếu. Động thái trên phản ánh sự tự tin của các công ty trên về triển vọng kinh doanh.
Microsoft cho biết đã thông qua kế hoạch mua 40 tỷ đôla cổ phiếu. Trước đó, hãng cũng vừa hoàn thành kế hoạch tương tự, gom vào 40 tỷ đôla cổ phần. Như vậy nếu kế hoạch mới được hoàn thành, chỉ trong thời gian ngắn, số cổ phiếu mà Microsoft mua vào lên tới 80 tỷ đôla. Số cổ phiếu mà Nike và HP cùng tuyên bố mua lại có giá trị lần lượt 3 tỷ và 8 tỷ đôla . Tuy nhiên, sau phiên vừa qua, cổ phiếu của cả ba hãng đều giảm.
Theo ông Bill Stone, Nhà Chiến lược Thị trường tại PNC Financial Services Group, diễn biến giá của chứng khoán Mỹ, đặc biệt là nhóm ngành tài chính, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào kế hoạch giải cứu của Chính phủ. Nếu giới chứng khoán lạc quan, thị trường sẽ hồi phục; và ngược lại, sẽ đi xuống khi nhà đầu tư mất lòng tin.
Cùng ngày, diễn biến giá dầu, vàng, và đôla đều bất lợi cho chứng khoán. Trong khi đôla suy yếu thì dầu lại tăng vọt. Có những thời điểm giá dầu nhảy vọt 25 đôla, chạm mốc 130 đôla một thùng. Khi thị trường đóng cửa, giá loại nhiên liệu này chốt tại 120,92 đôla một thùng, tăng 16,37 đôla, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng cũng leo thang 44,3 đôla và được giao dịch tại mức 909 đôla một ounce sau khi thị trường đóng cửa.
Diễn biến từ bên kia bờ Đại Tây dương nhanh chóng phản ánh vào giá chứng khoán tại châu Âu. Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 1,41%. Chứng khoán Đức và Pháp cũng chứng kiến hai chỉ số chính DAX và CAC 40 xuống lần lượt 1,32% và 2,34%.
Chứng khoán Châu Á do giao dịch trước phố Wall nên chưa chịu tác động của thông tin bất lợi như châu Âu.
Đại gia ngân hàng Nhật Bản có thể mua lại cổ phần của Morgan Stanley đã giúp khối tài chính của chứng khoán Nhật tăng mạnh, từ đó đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng 1,42%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong, cộng thêm 1,58%. Trong các thị trường lớn tại châu Á, cổ phiếu tại Trung Quốc có bước tiến ngoạn mục nhất khi Shanghai Composite cao hơn phiên trước tới 7,77%.
Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)
0 Responses to Phố Wall lao dốc
Something to say?