Lehman Brothers tuyên bố phá sản, Merrill Lynch bị mua lại, AIG thoát hiểm trong phút chót, kế hoạch giải cứu thị trường tài chính của Chính phủ Mỹ, cùng hai phiên tăng thần tốc trong cuối tuần đã tạo nên một trong những tuần giao dịch đáng nhớ nhất trong lịch sử phố Wall.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục hồi phục với như "diều gặp gió" trước những biện pháp toàn diện của Chính phủ Mỹ chống lại khủng hoảng tài chính. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 780 điểm, tương đương 7,3%, chỉ trong 2 ngày qua, tốc độ cao nhất kể từ năm 2000.

Sau phiên hôm qua 20/9, Dow Jones nhảy vọt 3,35% lên 11.388,44 điểm, mức này vẫn thấp hơn cuối tuần trước 0,29%. Chỉ số Standard & Poor 500 tiến thêm 4,03%, chốt tại 1.255,08 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,4%, đóng cửa tại 2.273,90 điểm. Hai chỉ số trên tăng lần lượt 0,26% và 0,56% sau tuần qua.

Hai phiên tăng vừa qua là hai phiên tăng mạnh nhất của phố Wall trong 8 năm trở lại đây. Ảnh: cache.daylife.com.
Thông tin từ Chính phủ đã mang lại cho phố Wall hai phiên tăng mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây. Ảnh: cache.daylife.com.

Ngày thứ sáu, cổ phiếu tài chính thi nhau nhảy vọt, Merrill tăng 3,4%, Bank of America lên 23%, AIG lên 43%, Goldman lên 20% và Washington Mutual lên 42%.

Theo Wal Street Journal, Ngân hàng Citigroup có thể sẽ mua lại Washington Mutual. Cổ phiếu của tập đoàn này tăng 24%.

Tâm điểm của ngày hôm qua là việc cường quốc số một thế giới dự định sẽ hỗ trợ các ngân hàng bằng cách mua lại khoản nợ xấu liên quan tới cầm cố.

Cục Dự trữ Liên bang đang soạn thảo một kế hoạch giúp các ngân hàng loại bỏ các khoản nợ cầm cố xấu khỏi bản cân đối thu chi. Đây là nước cờ được cho là sẽ kết thúc cuộc khủng hoảng tín dụng kéo dài 15 tháng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Henry Paulson, cho biết kế hoạch này sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ đôla để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Ông Phil Dow, Giám đốc Nghiên cứu về cổ phiếu tại RBC Wealth Management, đánh giá, việc làm của Chính phủ không đảm bảo cho xu hướng lên của cổ phiếu nhưng sẽ thay đổi các yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của thị trường tài chính. Vị chuyên gia này nói: "Điều này sẽ tạo ra một nước ngoặt cho khối tài chính vì các nhà băng sẽ bắt đầu thu được lợi nhuận từ giá cổ phiếu tăng".

Cùng nằm trong gói giải pháp tổng thể của Chính phủ, Bộ Tài chính và FED cùng tuyên bố trong thứ sáu sẽ vực dây thị trường tiền tệ, vốn đang điêu đứng vì khủng hoảng.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ dùng 50 tỷ đôla bảo đảm cho các khoản đầu tư vào các quỹ tiền tệ tại các công ty. Đó là bảo đảm chắc chắn về việc giá trị của các quỹ sẽ không sụt giảm xuống dưới 1 đôla một cổ phần.

Ông Fred Dickson, Nhà Chiến lược Thị trường tại D.A. Davidson & Co, cho biết, đây có lẽ là bước tiến đáng kể nhất trong ngày. Theo đó, các quỹ trên sẽ trở thành một nguồn giữ tiền đáng tin cậy cho hàng triệu người. Người dân sẽ không còn phải lo sợ không biết gửi tiền vào đâu khi các nhà băng sụp đổ.

Nhằm hạn chế bán khống, họat động có thể khiến chứng khoán sụt mạnh, Sở Giao dịch Chứng khoán đã cấm bán khống gần 800 cổ phiếu tài chính. Nước Anh trước đó đã có giải pháp tương tự vào thứ 5.

Điểm lại tuần qua, sự kiện nổi bật đầu tiên là Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ 158 năm tuổi, đã tạo ra vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử. Tiếp đến, để tránh khỏi phá sản, Ngân hàng Đầu tư số một thế giới Merrill Lynch đã bị thâu tóm bởi Bank of American với giá 50 tỷ đôla, từ đó tạo ra tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới.

AIG suýt nữa đã theo bước Lehman Brothers nếu không được Chính phủ Mỹ cho vay tới tới 85 tỷ đôla. Với những sự kiện trên, tuần giao dịch vừa qua xứng đáng được ghi nhớ như một trong những tuần nhiều biến động nhất trong lịch sử phố Wall.

Tuy nhiên, hiểm họa vẫn rình rập một số gã khổng lồ khác như Morgan Stanley, Goldman Sachs và Washington Mutual.

Cùng ngày, giá vàng và kim cương sụt mạnh khi nhà đầu tư chuyển tiền từ các loại tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ, vàng sang các loại hàng hóa có tính rủi ro cao hơn như cổ phiếu.

Theo ông Fred Dickson, Nhà Chiến lược Thị trường tại D.A. Davidson & Co, các nhà điều hành kinh tế vẫn còn nhiều việc phải làm tuy nhiên sự tự tin của nhà đầu tư đã được hồi phục.

Ông Ryan Atkinson, nhà Phân tích Thị trường tại Balestra Capital, cho biết, trước mắt thị trường cổ phiếu sẽ mạnh hơn tuy nhiên điều này không có nghĩa là xu hướng giảm đã kết thúc. Ông nói: "Một khi nhà đầu tư "hấp thụ" hết tin tốt của việc khối ngân hàng không bị sụp đổ, họ sẽ nhận ra những vấn đề ở tầm vĩ mô hơn thực tế vẫn chưa được giải quyết".

Những vấn đề đó bao gồm thị trường lao động yếu, tiêu dùng giảm sút, và sự trì trệ của kinh tế Thế giới.

Bên cạnh đó, diễn biến của chứng khoán Mỹ vẫn hết sức thất thường. Tuần qua, tổng số điểm dao động giữa giá cao và thấp nhất trong các phiên lên tới 2.800 điểm.

Dầu tăng 6,67 đôla, mức tăng tính theo đôla lớn thứ hai trong lịch sử, kết thúc ngày giao dịch tại 104,55 đôla một thùng.

Thông tin từ thị trường Mỹ có thể ví như cơn mưa mát lành trút xuống thị trường cổ phiếu toàn cầu, vốn đã trở nên cằn cỗi và ngột ngạt trong thời gian qua. Các chỉ số chứng khoán chính từ châu Á cho đến châu Âu cùng đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, khối ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt.

Tại Anh, chỉ số FTSE 100 có phiên tăng mạnh nhất kể từ 1987, khi nhảy vọt 8,84%. Chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lên lần lượt 9,27% và 5,56%. Tính chung cuộc sau 5 ngày giao dịch, chỉ số FTSE giảm 1,9%. Chỉ số CAC 40 giảm 0,17%. Chỉ số DAX của Pháp giảm 0,7%.

Quán quân về tốc độ tại châu Á thuộc về Trung Quốc. Chỉ số Shang Hai Composite của nước này "đại nhẩy vọt" 9,46%. Tính liên thông lớn với thị trường đại lục giúp chỉ số Hang Seng của Chứng khóan Hong Kong tăng rất mạnh, 9,05%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật hòa chung niềm vui tăng điểm với mức nhảy vọt 3,76%.

So với cuối tuần trước, Nikkei 225 giảm 2,4%, Hang Seng giảm 0,3%, và Shang Hai Composite bị trừ 0,2%.

Xuân Hòa (Theo Reuters & CNN)