Phố Wall "đổ dốc" do những thông tin tiêu cực về tình hình kinh doanh của các tập đoàn. Cùng ngày, thị trường chứng khoán tại châu Á và châu Âu cũng có một ngày ảm đạm không kém.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2,99%, hiện chỉ còn 11.188,23 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 có cùng mức giảm như Dow Jones, chốt tại 1.236,83 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq thậm chí còn xuống nhiều hơn khi bị trừ tới 3,2%, kết thúc phiên ở mức 2.259,04 điểm.

Với Dow Jones, đây là lần thứ 51 trong năm, chỉ số này mất trên 100 điểm một phiên, chỉ kém mốc 67 lần của năm 2002.

Những vấn đề của kinh tế Mỹ đang được phản ánh vào diễn biến trên phố Wall. Ảnh: Cache.daylife.com.
Những vấn đề của kinh tế Mỹ đang được phản ánh vào diễn biến trên phố Wall. Ảnh: cache.daylife.com.

Đại diện FED chi nhánh San Francisco, bà Jenet Yellen cho biết cả khủng hoảng tín dụng và nhà đất vẫn chưa tới đáy. Nhận định này được coi là một đòn khá nặng vào tâm lý vốn đã bất ổn của giới đầu tư.

Doanh số cao hơn dự kiến của Wall-Mart cũng như thông tin tích cực về họat động sản xuất và dịch vụ trong tháng 8 là không đủ để vực dậy tâm lý hoang mang của phố Wall.

Wal-Mart, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, thông báo doanh số tháng 8 tăng 3%, cao hơn dự đoán 1,6% của các chuyên gia. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ khác như Abercrombie & Fitch, Pacific Sunwear có doanh số thấp hơn dự kiến đã khiến tình trạng chung của ngành công nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng và may mặc trong tháng 8 trở nên bi đát.

Số người mới thất nghiệp tuần qua tăng lên 444 nghìn người, cao hơn mức 439 nghìn của tuần trước.

Sản xuất trong quý II tăng 4,3%, cao hơn nhiều mức ước tính 3,5%. Thống kê từ khối dịch vụ cũng cho thấy chỉ số của các ngành cung cấp dịch vụ tăng lên 50,6, đây là dấu hiệu cho thấy khối dịch vụ được mở rộng trong tháng 8. Thông tin trên cùng kết quả từ Wal-Mart là điểm sáng ít ỏi trên phố Wall.

Giá dầu tiếp tục xuống 1,46 đôla, hiện giao dịch tại 107,89 đôla một thùng. Khác với nhiều ngày trước, dầu xuống đã không còn tác dụng hỗ trợ với chứng khoán, thay vào đó, lại làm mối lo suy thoái kinh tế thêm trầm trọng.

Ông Gus Scacco, Giám đốc tại AG Asset Management, cho biết sau 6 tháng sụt giảm, các yết tố tiêu cực trên phố Wall vẫn còn nguyên. Theo ông, tình hình hiện còn bi đát hơn trước đây khi bức tranh về sự trì trệ trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã hiển hiện rõ ràng.

Ông Len Blum, Giám đốc tại Westwood Capital, nói: "Tôi cho rằng nền kinh tế đang rất yếu và xu hướng giảm của chứng khoán đã phản ánh đúng thực trạng này".

Theo ông, nước Mỹ có biểu hiện rõ nét của suy thoái; và người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất do giá sinh hoạt, xăng dầu đắt đỏ, tín dụng bị thắt chặt và nạn thất nghiệp đang gia tăng.

Tại châu Á, các thị trường lớn cũng lao đao do thông tin không tốt từ Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 1,04%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong mất 0,95%. Chỉ số Shang Hai Composite của chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ 0,03%.

Chứng khoán Châu Âu cũng trải qua một ngày giao dịch ảm đạm không kém. Cả ba chỉ số FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và DAX của Đức mất lần lượt 2,5%, 3,22%, và 2,91%.

Xuân Hòa (theo CNN)