Chứng khoán Mỹ mở đầu tuần mới không thể tệ hơn khi ngân hàng hàng đầu Lehman Brothers sụp đổ. Các chỉ số chính như Dow Jones, Nasdaq có mức giảm mạnh nhất trong 7 năm trở lại đây.
Sau khi các cuộc đàm phán với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, Bank of America, và Barclay đều không có kết quả, Lehman Brothers, ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ trong năm 2007, với 158 năm hoạt động đã tuyên bố phá sản vào hôm qua. Tính tới thời điểm này Lehman lỗ tới 60 tỷ đôla do nợ xấu trong thị trường cầm cố nhà đất. Cùng ngày, cổ phiếu của Lehman rơi tự do 94%.
Cái tên đình đám khác là Merrill Lynch cũng biến mất sau khi Bank of America mua lại ngân hàng đầu tư này với giá 50 tỷ đôla. Nhà bảo hiểm hàng đầu AIG cũng trở thành một quả bom nổ chậm khi khó tăng đủ số vốn cần thiết để duy trì hoạt động. Cổ phiếu của AIG rơi tự do tới 60,7% trong phiên giao dịch vừa qua.
Vào cuối tuần trước AIG đã yêu cầu được vay Cục Dự trữ liên bang (FED) 40 tỷ đôla. Tuy nhiên, số tiền mà Chính phủ Mỹ hỗ trợ cho AIG chỉ khoảng 20 tỷ đôla.Trước cơn địa chấn mang tên Lehman, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất tới 4,42% xuống chỉ còn 10.917,51 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm mạnh 3,6%, đóng cửa tại 2.179,91 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500, chốt tại 1.192,7 điểm, lao dốc 4,71%.
Ba chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh nhất kể từ 17/9/2001, ngày phố Wall giao dịch trở lại sau cuộc khủng bố 11/9.
Tại thị trường Mỹ, 18 mã giảm mới có một mã tăng.
Sáu tháng sau khi giải cứu Bear Stearns, những biến cố vừa qua một lần nữa nhắc nhở nước Mỹ rằng, sẽ còn lâu nữa cuộc khủng hoảng tín dụng mới kết thúc.
Không có lựa chọn nào khác cho khối tài chính sau phiên giao dịch hôm qua. Cổ phiếu của Group C, Morgan Stanley, Goldman Sachs, hay JP Morgan Chase mất điểm hàng loạt.
Lehman Brothers, phá sản sau 158 năm tồn tại, đã tạo nên cơn địa chấn đối với thị trường tài chính tại cường quốc số một thế giới. Ảnh: daylife.com. |
Hung tin không chỉ đến từ khối tài chính mà còn từ các tập đoàn công nghệ. Hewlet-Packard, nhà sản xuất máy tính với thương hiệu HP, cho biết sẽ cắt giảm tới 24.600 nhân công, chiếm 7,5% tổng nhân công của toàn tập đoàn.
Ông Jim Dunigan, Giám đốc Đầu tư tại PNC Advisors, nói một cách hài hước: “Bạn nên vứt sách giáo khoa lịch sử đi bởi vì chẳng sự kiện nào so sánh được với những gì đang diễn ra”.
Theo ông Art Hogan, nhà chiến lược thị trường tại Jefferies & Co, mức độ sụt giảm của thị trường tài chính đang lớn chưa từng có và có thể so sánh được với cuộc đại khủng hoảng năm 1930 hay sự sụp đổ của ngành đường sắt vào những năm 1800.
Ông Stephen Leeb, Chủ tịch tại Leeb Capital Management, cho biết những gì vừa diễn ra có thể chỉ là sự khởi đầu cho kết cục tồi tệ hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số nét tích cực giúp ổn định tâm lý như cuộc sáp nhập của Merrill Lynch hay khả năng FED cắt giảm lãi suất xuống dưới 2%.
Tin tốt khác là 10 ngân hàng hàng đầu gồm cả Morgan Stanley, Goldman Sachs và Barclays, mỗi ngân hàng đã góp 7 tỷ đôla, để tạo một quỹ giá trị khoảng 70 tỷ đôla nhằm hỗ trợ các công ty gặp khó khăn trong khối tài chính.
Cơn bão mất điểm từ Mỹ tràn vào thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á, trong đó khối tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Anh, chỉ số FTSE xuống 3,92%. Chỉ số DAX của Đức mất 2,74%. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 3,78%. Để tránh cho các ngân hàng khỏi một kết cục như Lehman Brothers, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã dành ra 30 tỷ Euro để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng tại châu lục này.
Tính tới 4h chiều nay, giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật đã giảm gần 4,95% xuống mức 11.609,72 điểm và chính thức rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 12.000 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong có mức điểm trừ 5,44%. Chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên giảm sâu khi chỉ số Shang Hai Composite bị trừ 4,47%.
Xuân Hòa (Theo CNN)
0 Responses to Chứng khoán thế giới gặp ác mộng
Something to say?