Nhiều blue-chip rớt khỏi Top 20 doanh nghiệp niêm yết
Trong Top 20 công bố hôm qua 16/9, một vài đại gia trong danh sách năm ngoái đã không có tên như STB, VNM, NKD, DHG, MPC tại sàn TP HCM hay hai công ty chứng khoán HPC, và BVS tại sàn Hà Nội . Thay vào đó, các cổ phiếu lớn như TSC, VIC, TAC, HAP, NBC đã lần đầu tiên góp mặt trong lễ trao giải của CIC.
Để lọt vào danh sách cuối cùng, nhóm 20 công ty hàng đầu đã phải vượt qua vòng tuyển chọn khắt khe từ 293 trong số 299 doanh nghiệp trên cả hai sàn. Tính tới 30/6, đã có 157 doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, và 142 công ty niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp xếp hạng tối ưu có bước chuyển biến rõ rệt về số lượng. Ảnh: Xuân Hòa. |
So với lần xét duyệt diễn ra vào năm 2006, số đơn vị tại HOSE tăng 37,72%, trong khi tại HASTC tăng 61,36%. Trong 299 doanh nghiệp niêm yết, có 151 doanh nghiệp có quy mô lớn, 119 quy mô trung bình và 29 quy mô nhỏ.
Doanh nghiệp có quy mô lớn là 151 doanh nghiệp, tăng 54% so với năm 2006, chủ yếu niêm yết tại HOSE. Số 119 doanh nghiệp cỡ vừa và 29 công ty cỡ nhỏ chủ yếu được giao dịch tại HASTC.
Các doanh nghiệp xếp hạng tối ưu AAA là 117 doanh nghiệp, ứng với tỷ lệ 39,9% tổng số mã trên cả hai sàn. Ngành thương mại hóa, công nghiệp sản xuất lần lượt có số doanh nghiệp xếp hạng AAA chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đợt xếp hạng vừa qua cho thấy, doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp quy mô trung bình và nhỏ. Các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có năng lực hoạt động tốt hơn các công ty tại HASTC.
Chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp là khá khả quan, khả năng thanh toán được cải thiện, và các chỉ số sinh lời đạt điểm cao.
20 doanh nghiệp tiêu biểu trên thị trường chứng khoán
1. Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến tre (mã ABT). 2. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (mã ACB). 3. Công ty Khoáng sản Bình Định (mã BMC). 4. Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ (mã FPT). 5. Công ty Cổ phần Hapaco Hải Âu (mã HAP). 6. Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Xi Măng Hải Phòng (mã HCT). 7. Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình (mã HRC). 8. Công ty Cổ phần Than Núi Béo (mã NBC). 9. Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong (mã NTP). 10. Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (mã PAN). 11. Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (mã PTS). 12. Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn (mã SCJ). 13. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (mã SJS). 14. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI). 15. Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã TAC). 16. Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã TCT). 17. Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (mã TSC). 18. Công ty Cổ phần Viễn Liên (mã UNI). 19. Công ty Cổ phần Vincom (mã VIC). 20. Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã VSC). |
Xuân Hòa
0 Responses to Nhiều blue-chip rớt khỏi Top 20 doanh nghiệp niêm yết
Something to say?