Mặc dù giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng diễn biến giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM tuần qua đã phát đi tín hiệu mới, củng cố phần nào niềm tin cho những người tâm huyết với thị trường đang trên đường tìm lại ánh sáng chói lói của một thời chưa xa.

Cả tuần có 4/5 phiên tăng điểm, nhất là hai phiên thứ Tư và thứ Năm tăng thật là tăng. Sẽ là một tuần đầy đặn nếu VN-Index tiếp tục giữ đà tăng điểm cho đến hết tuần, nhưng những gì đã thể hiện được cũng đủ giúp cho tâm trạng nhà đầu tư vui trở lại.

Tiếp sau phiên thứ Tư 19/9 tăng 11,05 điểm, VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm tích cực vào ngày thứ Năm 20/9. Với 80 mã chứng khoán tăng giá, 14 mã giảm giá và 23 mã đứng giá, VN-Index tăng thêm 17,39 điểm, tương đương 1,84%, vượt qua mức 960 điểm (sau nhiều ngày) để đạt 963,61 điểm.

Các cổ phiếu lớn trong phiên này đồng loạt tăng giá, tái khẳng định chắc chắn về vai trò "làm nên chuyện" của mình trong mọi trường hợp. Một điểm khác biệt nữa của thị trường so với những phiên "lình xình" trước đó là khối lượng và giá trị tăng vọt. Trong phiên khớp lệnh, khối khớp thành công của cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt gần 11 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 900 tỷ đồng. Có cái gì đó hao hao như "hơi thở" của những phiên giao dịch sôi động hồi đầu năm.

Sang phiên cuối tuần, thứ Sáu 21/9, chỉ số thị trường sau đợt khớp lệnh mở cửa còn nhích thêm một chút, nhưng đóng cửa cuối ngày giảm nhẹ 4,94 điểm, tương đương 0,51%, xuống còn 958,67 điểm. Chung cuộc, toàn thị trường chỉ có 24 mã chứng khoán tăng giá, 72 mã giảm giá và 21 mã đứng giá.

STB sau 5 phiên tăng giá liên tiếp, góp công không nhỏ vào việc duy trì điểm số tăng của thị trường, đến hôm thứ Sáu có phiên giảm giá đầu tiên trong những hồi hộp liên quan đến việc cổ phần hóa và giá cổ phần của "anh cả" trong ngành ngân hàng là Vietcombank. Vai trò lớn được đặt lên vai của FPT với phiên hồi phục thứ ba liên tiếp, khi mà nhiều cổ phiếu lớn khác lại có một phiên bỏ lơi nhiệm vụ. Trong tuần, cổ phiếu mới VIC của CTCP Vincom chính thức gia nhập cuộc chơi chuyên nghiệp và có sự thể hiện không tồi khi tăng từ mức 125.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/9 lên 137.000 đồng/cổ phiếu vào ngày cuối tuần 21/9 với lượng giao dịch tăng từ trên 300.000 cổ phiếu lên gần 800.000 cổ phiếu và hơn 1,2 triệu cổ phiếu.

Phiên giảm điểm cuối tuần vẫn có sự sôi động khiến niềm âu lo được giảm bớt khi dự đoán về những diễn biến tiếp theo của thị trường. Vẫn gần 11 triệu đơn vị chứng khoán được giao dịch khớp lệnh thành công với giá trị còn cao hơn phiên trước, lên đến 940 tỷ đồng.

Nhà đầu tư không còn quá kỳ vọng vào việc có thể lặp lại một giai đoạn thị trường đi lên theo chiều thẳng đứng. Tăng, giảm là điều bình thường, và tăng nhiều hơn giảm có nghĩa thị trường vẫn đi lên. Quan trọng nhất là thị trường bắt đầu có xu hướng chuyển động, bắt đầu có sóng…!


© Copyright 2007 by Intellasia.net