Đây là khẳng định của một quan chức Ngân hàng Nhà nước khi trả lời VnEconomy sáng nay, 24/9.

Đã ban hành và đi vào thực hiện nhưng Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN (về kiểm soát quy mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế) vẫn là tâm điểm bàn luận của thị trường trong suốt hai tháng nay, trong đó có những tin đồn và hy vọng sẽ có sự điều chỉnh liên quan đến hạn mức dư nợ 3%.

Những tin đồn và hy vọng đó được đẩy cao trong tuần qua, khi nhiều nhà đầu tư gửi thư và gọi điện tới VnEconomy để tìm hiểu khả năng này. Báo chí cũng hy vọng sẽ có giải đáp cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là trong một cơ hội tiếp xúc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua.

Thế nhưng hiện nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ. Trước hết, đó là khả năng một số ngân hàng sẽ không kịp hồi vốn về 3% theo Chỉ thị vào cuối năm nay; khi đó, hướng xử lý sẽ như thế nào?

Thứ hai, tin đồn về khả năng nới rộng hạn mức 3% ít nhiều đang tác động đến tâm lý nhà đầu tư vẫn đang cần một phản hồi chính thức từ cơ quan quản lý. Mới nhất, một số nguồn tin đề cập đến khả năng "dù sớm hay muộn cũng sẽ phải sửa đổi", càng thắp thêm hy vọng với nhiều nhà đầu tư, cũng như với một số ngân hàng đang có dư nợ loại này cao.

Trước những tin đồn này, một quan chức Ngân hàng Nhà nước từ chối bình luận khi trả lời VnEconomy, ngoài khẳng định "hiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương sửa đổi Chỉ thị 03".

Nếu Chỉ thị 03 tiếp tục giữ nguyên các quy định từ nay đến cuối năm, liệu đà phục hồi của thị trường chứng khoán có tiếp tục bị níu kéo? Những phiên giao dịch gần đây cho thấy lực của thị trường vẫn rất lớn; nhà đầu tư đang trở lại và thị trường đang hướng tới những phiên sôi động gần 1.000 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Trong một khảo sát của VnEconomy mới đây, kết quả cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang chủ động nguồn vốn của mình. Chỉ 14% trong số 3.200 ý kiến tham gia cho rằng vốn của họ đang phụ thuộc ở nguồn vay ngân hàng thương mại.

Chỉ thị 03 là văn bản được xây dựng và ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được sự đồng thuận của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia (theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy).

Bởi vậy, vẫn có một số ý kiến lo ngại việc văn bản vừa được thực hiện, nếu thay đổi ngay sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác điều hành, nhất là khi có ảnh hưởng lớn tới một thị trường nhạy cảm là chứng khoán.


© Copyright 2007 by Intellasia.net