Chưa đầy một tháng nữa phương thức giao dịch không sàn sẽ được áp dụng thí điểm, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về tính bảo mật, cũng như những rủi ro đường truyền khi triển khai loại hình giao dịch này.

Nằm trong kế hoạch tổng thể nâng cấp hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), giao dịch không sàn sẽ được áp dụng thí điểm từ ngày 15/10 tới đến quý I/2008.

Trong thời gian này, các màn hình nhập lệnh sẽ được đưa về các công ty chứng khoán và nối trực tiếp với máy chủ của HOSE. Chính vì vậy, lệnh của nhà đầu tư sẽ được nhập vào thẳng hệ thống chứ không phải thông qua các đại diện giao dịch tại các công ty chứng khoán như hiện nay. Khi được triển khai chính thức, nhà đầu tư không cần phải đến sàn mà có thể nhập lệnh qua mạng hoặc nhắn tin từ điện thoại di động.

Nhà đầu tư còn nhiều băn khoăn

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt, với cách giao dịch trực tuyến như trên, nhà đầu tư có thể hoàn toàn chủ động trong việc đặt lệnh mà không phải qua khâu trung gian nào cả. Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian, và chi phí.Đồng tình với quan điểm này, anh Hưng, nhà đầu tư sàn Thăng Long cho hay, vì giờ giao dịch trùng với giờ làm việc nên để có thể tham gia anh thường xuyên phải "trốn sếp" nên nhiều khi rất căng thẳng. "Nếu không phải tới sàn mà vẫn đặt được lệnh, và giao dịch bình thường thì tiện quá", anh nói.

Tuy vậy, điều khiến anh Hưng cũng như nhiều người chơi chứng khoán khác băn khoăn nhất là tính bảo mật cũng như e ngại sẽ xảy ra tình trạng nghẽn mạch khi áp dụng phương thức mới này.Anh Hưng không thể quên được ngày 31/7 khi phương thức khớp lệnh liên tục vừa áp dụng được một ngày. Hôm đó do bận việc ở cơ quan nên anh không tới sàn được mà phải theo dõi giao dịch trên mạng. Tuy nhiên, bảng giao dịch trực tuyến của nhiều công ty chứng khoán và cả HOSE liên tục gặp sự cố. "Các số liệu cứ loạn cào cào, không biết đằng nào mà lần. Nếu bỏ sàn, tôi sợ cũng sẽ xảy ra tình trạng như vậy", anh Hưng e ngại.

Chia sẻ quan điểm này, anh Hùng, sàn VCBS cũng lo ngại về khả năng sẽ xảy ra tắc đường truyền khi các lệnh đổ vào nhiều quá. "Việc đặt lệnh của nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn, do vậy trong vòng một phút có thể có hàng triệu lệnh được đẩy đi. Liệu đường truyền từ các công ty chứng khoán tới trung tâm có thể đáp ứng được hay không?", anh Hùng băn khoăn.Anh Sơn, nhà đầu tư sàn Habubank cũng cho biết: "Khi bỏ sàn, nhà đầu tư sẽ không phải chen chúc hay phải trốn làm để tới sàn giao dịch như hiện nay. Tuy nhiên, tôi sợ nhất là công nghệ của các công ty chứng khoán chưa đáp ứng được, gây thiệt hại cho nhà đầu tư".

Theo một chuyên gia chứng khoán, những lo lắng của nhà đầu tư như trên là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện mới có rất ít công ty chứng khoán chú trọng phát triển công nghệ của mình. Nguyên nhân thì có nhiều, song một trong số đó là do phong trào đua nhau mở công ty chứng khoán trong khi điều kiện vật chất cũng như trình độ chưa hoàn toàn đáp ứng được.Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT HOSE cũng thừa nhận, thời gian qua, các công ty vẫn chưa thực sự chủ động trong việc nâng cấp công nghệ. Nhiều công ty vẫn còn sử dụng những phần mềm được viết từ cách đây 6-7 năm.

Theo đánh giá của phó giám đốc một công ty chứng khoán, hạ tầng công nghệ thông tin của các công ty trên toàn thị trường còn yếu và chưa được quan tâm đúng mức. Kể từ khi thị trường chứng khoán "bùng nổ", các hãng phần mềm nước ngoài đổ xô vào VN và hiện tại đã có khoảng 7-8 hãng cung cấp. Tuy vậy, do giá của những phần mềm ngoại này rất đắt đỏ, rẻ cũng phải vài chục nghìn USD, đắt có thể lên tới hàng triệu USD nên không phải công ty nào cũng đủ tài chính để đầu tư.

Trong khi đó, theo ông Lê Hải Trà, những công ty có tiềm lực tài chính thì lại loay hoay trong việc lựa chọn áp dụng công nghệ nào cho phù hợp. Thậm chí một số công ty còn sợ lỡ bỏ một cục tiền ra mà không biết hiệu quả thu về ra sao. "Công nghệ nào không quá quan trọng, điều cơ bản là nó phải "giao tiếp" được với hệ thống của trung tâm", ông Trà nhấn mạnh.

Bỏ sàn - xu hướng tất yếu

Ông Nguyễn Việt Cường cũng cho rằng, giao dịch không sàn là xu hướng tất yếu của các thị trường chứng khoán. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giao dịch là cách nhanh nhất để thị trường chứng khoán VN thích ứng với thế giới. Ngoài ra, theo ông Cường, bỏ sàn sẽ mang lại lợi ích cho cả công ty chứng khoán, nhà đầu tư và HOSE. Với HOSE, họ sẽ tiết kiệm được diện tích và chi phí quản lý. Còn đối với các công ty chứng khoán, áp lực cũng được giảm bớt. Với phương thức giao dịch trực tiếp hiện nay, nhà đầu tư muốn thực hiện giao dịch phải thông qua các đại diện giao dịch ngồi tại sàn.

"Việc đại diện giao dịch ngồi tại sàn như hiện nay nảy sinh rất nhiều bất cập vì có độ trễ trong việc xử lý mua bán. Các quyết định của nhà đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của đại diện giao dịch và dịch vụ của các công ty chứng khoán", ông Cường nói.Theo kế hoạch, từ tháng 10 đến hết quý I/2008, sẽ thử nghiệm phương thức giao dịch không sàn, tuy nhiên HOSE sẽ duy trì hình thức đại diện sàn song song. Việc bỏ sàn hoàn toàn có thể phải tới năm 2010 mới triển khai được.


© Copyright 2007 by Intellasia.net