10 sự kiện chứng khoán năm 2008
Cổ phiếu đầu tiên tính chuyện hủy niêm yết; Vn - Index liên tục dò đáy; SCIC ra tay ứng cứu thị trường... là những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực chứng khoán năm 2008.
1. Vn-Index liên tục lập đáy mới
Quá trình lao dốc không phanh khiến Vn-Index sụt gần 70% giá trị so với hồi đầu năm, 2/1. Ảnh: sme. |
Chỉ số chứng khoán sàn TP HCM sụt gần 70% giá trị so với giao dịch mở hàng đầu năm ngày 2/1, và càng tệ hại hơn nếu nhìn lại đỉnh cao trên 1.000 điểm năm 2007. Lạm phát kỷ lục, thâm hụt thương mại lớn dẫn đến sự mất cân đối trong tài chính vĩ mô khiến Chính phủ phải thắt chặt tiền tệ, ngân hàng siết vốn đổ vào chứng khoán. Thị trường không có thêm sản phẩm mới như giao dịch ký quỹ hay bán khống, trong khi repo được yêu cầu triển khai một cách hạn chế. Động thái bán tháo trước lực cầu yếu ớt đẩy chỉ số chứng khoán hai sàn tuột dốc không phanh.
Gượng dậy được một chút, Vn-Index lại hứng thêm cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, đưa chỉ số về khởi điểm của 3 năm trước, thiết lập đáy tại mức 286,85 điểm, một con số không ai có thể nghĩ tới trong những tháng đầu năm. Thảm hại hơn, HaSTC-Index còn rơi khỏi vạch xuất phát 100 điểm, "bốc hơi" gần 67% giá trị so với đầu năm.
2. SCIC ứng cứu thị trường
Nhà đầu tư đã không còn bình tĩnh trước cơn lao dốc không phanh của Vn-Index. Ảnh: B.H. |
Ngừng bán cổ phiếu tự doanh, dừng phát hành trái phiếu Chính phủ, lập quỹ bình ổn giá, ngưng niêm yết mới... là những hiến kế từ khắp nơi gửi về trong bối cảnh Vn-Index sụt giảm thảm hại. Thậm chí, giới chứng khoán còn tính đến khả năng tạm đóng cửa thị trường vài ngày. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc dừng giao dịch 3 phiên tại HOSE do trục trặc kỹ thuật lại được nhà đầu tư hồ hởi đón nhận thay vì giận dữ bởi lỡ mất cơ hội kiếm lời.
Liều thuốc được duyệt để chạy chữa là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tung tiền mua cổ phiếu thanh khoản cao. Song SCIC không phải là biệt dược, dù số tiền bỏ ra được dự đoán lên đến 5.000 tỷ đồng. Vn-Index “tỉnh lại” không đầy 10 phiên rồi ngã ngay sau đó.
3. Giải pháp biên độ
SCIC không hoàn thành sứ mệnh ngăn thị trường suy giảm. Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải dùng giải pháp hành chính khi 4 lần điều chỉnh biên độ. Tuy nhiên, động thái này chỉ trấn an tâm lý nhà đầu tư và hãm lại tốc độ rơi mãnh liệt của chứng khoán. Liều thuốc biên độ trong gần 5 tháng áp dụng cũng không giúp Vn-Index nhích lên điểm nào, có chăng chỉ là sự phản ứng tích cực tức thì để rồi giằng co mãi quanh mốc 500. Thanh khoản thị trường khoác lên gam màu tối khi giao dịch tẻ nhạt, ở mức vài triệu chứng khoán thực hiện mỗi phiên.
Cũng chính vì là giải pháp tình thế, áp dụng lúc thị trường nguy cấp cho nên cơ quan quản lý từng bước trả biên độ về như cũ vào ngày 18/8 (5% tại HOSE và 7% trên HASTC).
4. Phá sản tại các công ty chứng khoán
9 tháng đầu năm 2008, công ty chứng khoán Bảo Việt lỗ 324 tỷ đồng. Ảnh: Đ.Q. |
Có thể nói năm 2008 là mùa thất bát đối với nghề từng được coi là thời thượng. Công ty chứng khoán Asean phải giải thể khi chưa ra mắt chính thức ngày nào. Hay câu chuyện của công ty chứng khoán Thái Sơn phải thanh lý toàn bộ cơ sở vật chất để trả lương cho nhân viên khi cổ đông sáng lập không sẵn lòng thanh toán. Song chưa ai dám khẳng định đây đã là trường hợp phá sản cuối cùng trên thị trường.
Trong số khoảng 100 công ty chứng khoán, hiện có 4 công ty niêm yết cổ phiếu (SSI, BVS, HPC, KLS) và chuẩn bị có thêm HSC. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, BVS cùng HPC lỗ nặng. KLS, HSC tuy thoát được con số âm nhưng lợi nhuận đạt được cũng rất thấp và thua xa so với kế hoạch đầu năm. Riêng SSI, dòng thu nhập trong quý III chủ yếu từ hoàn nhập dự phòng.
Chưa năm nào như năm nay, các công ty chứng khoán đẩy mạnh khâu dịch vụ, tối ưu hóa tiện ích, làm đẹp lòng khách hàng bằng biểu phí ưu đãi, tái repo, cho vay cầm cố.... Tuy nhiên, sau những trái đắng phải nhận, nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khiến lượng giải ngân repo, cầm cố ở mức khiêm tốn.
5. Cổ phiếu đầu tiên tính chuyện hủy niêm yết
Tổng giám đốc công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (áo vàng) không còn bình tĩnh, đòi bỏ đại hội cổ đông đi về khi phương án tăng vốn bị cổ đông bác bỏ. Ảnh: B.H. |
Lần đầu tiên trong lịch sử 8 năm trên thị trường chứng khoán xảy ra trường hợp cổ phiếu bị treo giò, hạn chế giao dịch và đứng trước nguy cơ loại khỏi sàn niêm yết. Hiện tượng Bông Bạch Tuyết như giọt nước tràn ly sau bao ngày lỗ thật, lời giả. Mức lỗ tổng cộng trong năm 2006, 2007 gần 15 tỷ đồng. Cứu cánh đưa BBT thoát khỏi bờ vực phá sản là phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lại bị chính nội bộ công ty phản đối - Dệt may Gia Định (chiếm 30% cổ phần). Viễn cảnh BBT mù mịt khi thua tiếp 9,3 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2008 và gần như nắm chắc khả năng bị hủy niêm yết.
Scandal Bông Bạch Tuyết đưa giá cổ phiếu này tụt xuống mức thấp nhất trong số 174 mã niêm yết trên HOSE.
6. Đìu hiu đấu giá cổ phần
IPO Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) thu hút không đến 10% cổ phần của các cá nhân và tổ chức nước ngoài. Ảnh: B.H. |
Năm 2008 cũng chứng kiến giai đoạn thất thu đối với hoạt động phát hành huy động vốn. Biến động kinh tế vĩ mô cùng thế giới khiến tổng vốn huy động qua thị trường chỉ đạt 20.000 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2007.
Số cổ phần bán được năm 2008 không quá 60% trong tổng 28 doanh nghiệp bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Cá biệt có những đợt phải tổ chức đến 3 lần nhưng số đăng ký chỉ được 20 nhà đầu tư. Các đợt IPO cũng trở nên buồn tẻ khi vắng bóng tổ chức nước ngoài, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. IPO Vietinbank được xem là đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng thành công nhất trong năm nay khi bán hết số cổ phần đấu giá.
7. Chợ OTC lỗi hẹn
Sàn OTC ra đời sẽ làm tăng thanh khoản và minh bạch cho thị trường OTC. Ảnh: inteves.com. |
Giới đầu tư cũng nhìn nhận chưa năm nào như năm nay, giá giao dịch trên OTC suy giảm cực mạnh, lùi về mệnh giá và thậm chí tuột khỏi 10.000 đồng, trong đó có cả ngành ngân hàng, sau giai đoạn đỉnh cao năm 2007. Gía nhiều cổ phiếu cứ trong tư thế đi ngang suốt thời gian dài bởi không một ai đả động ngỏ mua.
Và có lẽ cũng chẳng ai quan tâm kế hoạch đưa các công ty đại chúng chưa niêm yết lên sàn tập trung dành riêng cho đối tượng này đã phải lỗi hẹn trong năm nay. Sàn OTC ra đời với mong đợi sẽ là bệ phóng đẩy nhanh tính thanh khoản và minh bạch của thị trường OTC nói riêng cùng chứng khoán Việt Nam nói chung phải dời sang năm. Hiện cổ phiếu OTC vẫn được giao dịch theo kiểu trao tay và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
8. Trì hoãn tách bạch tài khoản giao dịch chứng khoán
Ủy ban chứng khoán Nhà nước ra tối hậu thư buộc các công ty chứng khoán phải tách bạch tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, chuyển sang ngân hàng quản lý vào đầu tháng 3 nhằm tạo tính minh bạch trên thị trường. Tuy nhiên, quyết định này được du di cho lùi lại đến ngày 1/10. Thế nhưng, việc tách bạch quản lý tài khoản tiếp tục lỗi hẹn sau gần 2 năm có quyết định.
Hiện chỉ có khoảng 70 trong tổng số gần 100 công ty chứng khoán đã chuyển tài khoản nhà đầu tư sang nhà băng. Số còn lại thực hiện theo cách nhà đầu tư mở tài khoản nằm trong tài khoản tổng của công ty chứng khoán. Mất nhiều thời gian, công sức, trục trặc đường truyền là những viện dẫn cho sự trì trệ tách bạch tại các công ty chứng khoán. Lại một năm nữa trôi qua và nhà đầu tư chẳng biết phải đợi đến bao giờ việc tách bạch quản lý tài khoản mới vận hành đồng bộ.
9. Cổ tức trái mùa
Phút vui cười hiếm hoi trên gương mặt nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2008. Ảnh: H.P. |
Cuối năm là thời điểm các công ty quyết toán, thu nợ và chỉ lên kế hoạch thanh toán cổ tức. Thế nhưng, khá ấn tượng, thị trường những tháng cuối năm 2008 lại hết sức rôm rả chuyện tạm ứng cổ tức. Các doanh nghiệp đua nhau tạm chia lợi nhuận cho cổ đông trước ngày 31/12, giúp nhà đầu tư né một phần thuế chứng khoán, áp dụng vào năm sau. Động thái này khiến đôi bên cùng có lợi khi doanh nghiệp san sẻ quyền lợi với cổ đông, nhà đầu tư bù lại những khoản lỗ nặng nề. Tuy nhiên, các chuyên gia lại phác họa lên bức tranh không mấy sáng sủa cho doanh nghiệp năm 2009 khi lượng tiền mặt bị thu hẹp, ảnh hưởng đến nguồn vốn tái sản xuất kinh doanh.
10. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bất ngờ bộc phát và lan nhanh trên diện rộng ảnh hưởng nhanh chóng đến chứng khoán Việt Nam. Bắt đầu vào tháng 8 và rõ hơn vào tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài miệt mài bán ròng. Tâm lý nhà đầu tư nội vốn quan sát động thái mua bán của khối ngoại để ra quyết định cũng hoảng sợ và xả hàng theo, góp phần kéo Vn-Index lùi gần 70% giá trị.
Mua ít, bán nhiều khiến cho gía trị giao dịch mua khối ngoại tính đến tháng 12 chỉ đạt 41.076 tỷ đồng, sụt 38,5% so với 2007. Nếu năm trước, chênh lệch giá trị mua bán ước khoảng 35,4% thì năm 2008, khoảng cách này thu hẹp lại còn 19,4%.
Kịch bản thoái vốn cũng được khối ngoại áp dụng với công cụ đầu tư ít rủi ro nhất là trái phiếu khi mức xả lên đến hàng triệu một phiên, cá biệt có phiên chênh lệch bán mua lên đến 1.000 lần.
Bạch Hường-Vnexpress
0 Responses to 10 sự kiện chứng khoán năm 2008
Something to say?