Tin xấu từ ngành ngân hàng, bán lẻ, và các báo cáo kinh tế bủa vây phố Wall trong phiên giao dịch hôm qua 15/1. Từ đó, khiến các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh trước nỗi lo suy thoái sẽ còn kéo dài.

Chỉ số Dow Jones kết thúc ngày giao dịch tại 8.200,14 điểm, trượt dốc 2,94%. Chỉ số công nghệ Nasdaq đóng cửa tại 1.489,64 điểm, bị trừ 3,67%. Chỉ số Standard & Poor cũng giảm 3,35%, hiện chỉ còn 842,62 điểm.

Phiên giảm vừa qua đã nối dài chuỗi ngày mất điểm cho chứng khoán Mỹ trong hai tuần đầu năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là tin kinh tế bất lợi cả về vĩ mô cũng như từ các tập đoàn.

Tập đoàn Viễn thông Motorola vừa cho biết sẽ cắt giảm thêm 4000 việc làm. Đợt cắt giảm này được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau tuyên bố sa thải 3000 nhân viên, thông báo vào cuối năm 2008.

Ngân hàng Deutsche Bank báo lỗ tới 6,4 tỷ đôla trong quý IV/2008. Trong khi đó, theo Morgan Stanley, Ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC sẽ cần cắt giảm một nửa cổ tức đồng thời tăng thêm lượng vốn khổng lồ, lên tới 30 tỷ đôla.

Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài. Ảnh: carolynbaker.net.
Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài. Ảnh: carolynbaker.net.

Bộ Thương mại Mỹ hôm qua cho biết, doanh số bán lẻ tháng 12 đi xuống 2,7%, tồi tệ hơn nhiều những gì các chuyên gia kinh tế đã dự báo. Mức giảm trên cũng nhanh hơn đà đi xuống 2,1% của tháng 11. Nếu loại bớt biến động đến từ mua bán xe hơi, số liệu này hạ thấp 3,1%, tệ hơn nhiều so với ước tính xuống 1,4% của giới phân tích cũng như kết quả giảm 2,5% của tháng 11.

Nhóm các tập đoàn bán lẻ hàng đầu cho biết thêm, doanh số của họ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2,8%, bi quan hơn so với mức dự đoán xuống 2,2%, do suy thoái kinh tế.

Ngành công nghiệp bán lẻ tiếp tục gặp hạn khi vào hôm qua, Gottschalks đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Một công ty khác là Goody's cho hay thanh khoản của hãng đang sụt trầm trọng.

Trong một diễn biến khác, Nortel Networks, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Bắc Mỹ, vừa nộp đơn xin phá sản.

Đầu giờ chiều qua, báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chỉ ra sự trì trệ trong hoạt động kinh tế tại phần lớn các khu vực trên toàn nước Mỹ. Bên cạnh đó, số liệu tích trữ kinh doanh sau khi giảm 0,6% trong tháng 10, tiếp tục mất thêm 0,7% trong tháng 11. Dự đoán của các nhà kinh tế chỉ là hạ 0,5%.

Sau giờ đóng cửa, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Công nghệ hàng đầu Apple thông báo sẽ tạm rời xa công việc kinh doanh từ nay cho đến hết quý II để chữa bệnh. Tin này khiến cổ phiếu của hãng mất 10% giá trị.

Theo thống kê từ Trim Tab, nhà đầu tư tiếp tục rút tiền 6 tỷ đôla ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán trong tuần qua.

Ông Drew Kanaly, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tại Kanaly Trust Company, không mấy người ngạc nhiên khi phố Wall tụt dốc. Tuy nhiên điều được quan tâm sẽ là giai đoạn giảm sẽ kéo dài trong bao lâu với mức độ như thế nào.

Nhà chiến lược thị trường tại Weeden & Co, ông Steven Goldman, phiên giảm hôm nay đến từ phản ứng của nhà đầu tư với sự suy yếu của khối ngân hàng.

Trong ngày thứ năm, số liệu thất nghiệp tuần, tình hình sản xuất tại hai khu vực, và chỉ số giá thành sản xuất (PPI), một chỉ báo tình trạng lạm phát, sẽ được công bố. Một ngày sau, giới chứng khoán sẽ được biết lời lãi của Citigroup trong quý cuối năm 2008. Bên cạnh đó, JP Morgan Chase cũng sẽ đưa ra kết quả kinh doanh quý IV. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Giám đốc điều hành của công ty, ông Jamie Dimon nói tình hình kinh tế Mỹ nói chung và khối tài chính nói riêng sẽ tiếp tục tệ đi trong năm nay.

Dầu thô giao sau tháng 2 tại Thị trường New York giảm 50 cent xuống còn 37,28 đôla một thùng.

Thị trường châu Âu chao đảo trước tin xấu từ hai ngân hàng HSBC của Anh, Deutch Bank của Đức cũng như chỉ báo kinh tế ảm đạm trong khu vực. Chỉ số FTSE 100 của Anh xuống 4,97%. Chỉ số DAX của Đức mất 4,63%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 4,56%.

Trái với diễn biến tại châu Âu và Mỹ, chứng khoán châu Á có một phiên khởi sắc mạnh mẽ. Trong đó, đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc, không chỉ bởi mức tăng 3,52% của chỉ số Shanghai Composite mà là ở thông tin GDP của nước này tăng trưởng 13% trong năm 2007, cao hơn mức dự đoán 11,7%. Với kết quả này, Trung Quốc đã chiếm vị trí của Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Nhật và Mỹ.

Mức tăng của các thị trường còn lại chỉ ở mức vừa phải. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật lên 0,29% nhờ cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn khởi sắc. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc được cộng 1,28%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiến thêm được 0,27%.

Tính tới 10h10 sáng 15/1, chỉ số chính tại châu Á ngập trong sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng giảm 4,81%. Chỉ số Nikkei giảm 3,98%. Chỉ số KOSPI giảm 4,91%. Chỉ số Shanghai Composite mất 0,47%.

Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)