Hôm qua 6/1, nhận định của Cục Dự trữ Liên bang về triển vọng không mấy tươi sáng của kinh tế Mỹ cũng như các báo cáo kinh tế khá ảm đạm vừa công bố là không đủ để dập tắt đà lên của phố Wall.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones lên 0,69%, đóng cửa tại 9.015,1 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 hiện ở mức 934,7 điểm, tiến thêm 0,78%. Chỉ số công nghệ Nasdaq kết thúc phiên ở mức 1.652,38, tăng 1,5%.
Bất chấp những nhận định của FED về tương lai không mấy sáng sủa của nước Mỹ trong thời gian tới, giới đầu tư tại phố Wall vẫn được hưởng niềm vui tăng điểm. Ảnh:Jamd.com. |
Trong bản báo cáo của mình, FED cho biết tăng trưởng GDP sẽ giảm trong năm 2009. Ngay cả khi sử dụng các phương pháp không truyền thống để ổn định kinh tế, triển vọng của kinh tế Mỹ sẽ vẫn khá yếu. Bên cạnh đó, nạn thất nghiệp còn gia tăng cho tới tận năm 2010.
Ông J. Stephen Lauck, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ashfield Capital Partners cho biết, thị trường chứng khoán đang phản ứng trước hình ảnh của nền kinh tế trong quý II của năm nay, khi các kết hoạch kích thích kinh tế cả về tiền tệ lẫn tài khóa phát huy hiệu quả. Đó là lý do vì sao phố Wall khởi sắc bất chấp những phát biểu của FED.
Chủ tại tại Barber Financial Group, ông Dean Barber, nhận định phiên tăng này thể hiện hy vọng của giới đầu tư rằng, chính quyền mới của Obama sẽ thay đổi được tình nước Mỹ. Ông nhận định, với việc rất nhiều tiền đang và sẽ được sử dụng để kích thích kinh tế, đang có một sự lạc quan rằng quá trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến.
Khối công nghệ và tài chính đóng vai trò đầu tầu trong các cổ phiếu đi lên. Tăng mạnh nhất trong nhóm công nghệ là IBM, Intel, Hewlett-Packard, và Cisco Systems. Các cổ phiếu ngân hàng như Citigroup, Bank of America, và Morgan Stanley đóng vai trò dẫn dắt khối tài chính.
Sau giờ đóng cửa, Alcoa, tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất nước Mỹ, cho biết sẽ cắt giảm ít nhất 13.500 việc làm, tương đương 13% số nhân viên công ty trên toàn thế giới nhằm hạ thấp chi phí.
Theo báo cáo của Hiệp hội nhà Kinh doanh Bất động sản Quốc gia, doanh số bán nhà đang xây giảm 4% trong tháng 11. Chỉ số đại diện cho doanh số bán nhà đang xây giảm xuống còn 82,3 trong tháng 11, tồi hơn so với dự tính cũng như mức thấp kỷ lục của chỉ số này, được lập vào năm 2001.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy đơn đặt hàng từ các nhà máy giảm 4,6% trong tháng 11, sau khi mất 6% vào tháng trước đó. Dự đoán của các nhà kinh tế chỉ là giảm 2,3%.
Khu vực dịch vụ của nền kinh tế chuyển biến khả quan hơn. Theo Học viện Quản lý Nguồn cung, dù hoạt động của khối dịch vụ vẫn ở mức yếu, nhưng chỉ số của khu vực này tăng từ 37,3 của tháng 11 lên mức 40,6 sau tháng 12.
Trong một diễn biến khác, tập đoàn xe hơi Toyota Motors cho hay sẽ dừng sản xuất tại Nhật trong 11 ngày vào tháng 2 và 3 nhằm giải quyết nốt lượng xe tồn kho. Trước đó, vào đầu tuần, Toyota thông báo lợi doanh số bán xe tháng 12 giảm tới 37%.
Hiện ngành công nghiệp xe hơi tại Mỹ cũng như trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Số xe bán được của cả ba nhà sản xuất hàng đầu nước Mỹ là General Motors, Ford, và Chrysler đều sụt trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường New York, dầu giao sau tháng 2 giảm nhẹ 23 cent xuống còn 45,58 đôla một thùng.
Cổ phiếu ngành khai mỏ như ArcelorMittal, Rio Tinto, và Xstrata tăng mạnh và đóng vai trò dẫn dắt trong phiên tăng hôm qua của thị trường châu Âu. Tại Anh, chỉ số FTSE 100 được cộng 1,29%. Chỉ số DAX của Đức tiến thêm 0,85%. Chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa cao hơn tham chiếu 1,08%.
Không tăng mạnh như thị trường cổ phiếu Âu Mỹ, các chỉ số chính của chứng khoán châu Á lên xuống xen kẽ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật nhích thêm 0,46%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên thêm 1,76%. Chứng khoán Hong Kong lại ghi nhận mức giảm 0,35% trên chỉ số Hang Seng. Chỉ số chính Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc kết thúc phiên bằng mức tăng 3%.
Tính tới 10h sáng nay, chỉ số Hang Seng giảm 0,15%. Chỉ số Nikkei tiến thêm 2%.
Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)
0 Responses to Phố Wall đi lên bất chấp tin xấu
Something to say?