Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trước tin có thêm hơn nửa triệu người mất việc trong tháng 12. Không chỉ tác động tới phố Wall, diễn biến của thị trường lao động Mỹ còn tiếp tục nhuộm đỏ nhiều thị trường lớn tại châu Á và châu Âu.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 1,64%, chỉ còn 8.599,18 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq đóng cửa tại 1.571,59 điểm, giảm 2,81%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) ngừng giao dịch ở mức 890,35 điểm, thấp hơn phiên trước 2,13%.
Như vậy, sau tuần đầu tiên của năm mới, chỉ số Dow Jones giảm 4,8%, chỉ số Nasdaq giảm 3,7%, chỉ số S&P 500 mất 4,5% giá trị.
Theo báo cáo từ Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp trong tháng cuối năm 2008 đã cắt giảm 524 nghìn việc làm. Tuy kết quả trên vẫn thấp hơn mức 584 nghìn của tháng 11, nhưng là đủ khiến 2008 trở thành năm tồi tệ nhất cho thị trường lao động kể từ cuối Đại chiến Thế giới lần thứ 2 với tổng số người thất nghiệp 2,6 triệu người.
Thống kê của tháng 12 là khá sát mức dự đoán 525 nghìn được đưa ra bởi các nhà kinh tế và cao hơn nhiều so với con số ước tính 693 nghìn việc làm bị cắt giảm, theo ước tính của nhiều chuyên gia của phố Wall.
Trong nhiều tháng qua, chứng khoán Mỹ thường ảm đạm mỗi khi báo cáo từ thị trường lao động được công bố. Ảnh: daylife.com. |
Cựu Bộ Trưởng Bộ Tài chính, ông Robert Rubin cho biết sẽ không tiếp tục tái ứng cử vào vị trí Giám đốc tại Ngân hàng Citigroup mà sẽ nghỉ hưu dưới vai trò hiện tại là một nhà tư vấn cao cấp. Quyết định trên được đưa ra sau khi ông Rubin chỉ trích kết quả kinh doanh năm 2008 của Citigroup.
Theo một diễn biến khác, Citigroup và Morgan Stanley đang đàm phán để sáp nhập bộ phận môi giới của hai hãng.
Boeing vừa cho biết sẽ cắt giảm 4.500 việc làm. Đây được coi là hành động chữa cháy cho việc tập đoàn hàng không hàng đầu này mở rộng bộ máy nhân sự trong năm 2008. Boeing là một trong số ít công ty lớn tuyển thêm nhân công trong năm qua.
Hôm qua, hãng sản xuất hàng điện tử số một nước Mỹ, Best Buy, đã thu hẹp triển vọng lợi nhuận trong năm 2009. Lợi nhuận ước tính trên mỗi cổ phiếu được giảm từ 2,7 đôla xuống còn 2,5 đôla. Trước đó, đứng thứ hai trong danh sách các nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu là Circuit City đã nộp đơn xin phá sản và hiện công ty này đang tìm "mạnh thường quân" có thể mua lại hoặc hỗ trợ hãng về tài chính.
Cổ phiếu của Lennar giảm 28% sau khi công ty xây nhà lớn thứ 2 tại Mỹ bị cáo buộc lừa đảo theo mô hình ponzi, tương tự như những gì mà Benard Madoff đã làm trong vụ lừa đảo trị giá 50 tỷ đôla vừa bị phanh phui. Tuy nhiên, cổ phiếu của Lennar đã hồi phục sau khi hãng phủ nhận cáo buộc trên.
Chứng khoán Mỹ và Thế giới nói chung đang rất nhạy cảm với các các tin tức liên quan tới lừa đảo. Công ty máy tính Satyam của Ấn Độc vừa qua cũng bị cáo buộc lừa đảo kế toán trong nhiều năm qua.
Theo thống kê từ Trim Tabs, dòng tiền có dấu hiệu đảo ngược quay lại với chứng khoán. Sau 7 ngày gần đây, nhà đầu tư đã đổ 6,4 tỷ đôla vào các quỹ đầu tư trong khi 1,2 tỷ đôla đã bị rút ra vào tuần trước đó.
Các nhà phân tích nhận định, đà tăng cuối năm của phố Wall đến từ việc nhà đầu tư đánh cược vào khả năng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục nhờ cải tổ đến từ Chính phủ mới của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, khi mà các kế hoạch kích thích kinh tế còn chưa được thực hiện thì thị trường đã bị thử thách bởi một chuỗi báo cáo kinh tế xấu và tin bất lợi từ các công ty.
Các nhà lập pháp vẫn đang cân nhắc liệu có nên chấp thuận gói kích thích kinh tế trị giá tới 775 tỷ đôla của Tổng thống Obama.
Ông Stephen Lauck, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Ashfield Capital Partners, mức giảm của phố Wall sau chuỗi tin xấu tuần qua là có thể chấp nhận được. Nó cho thấy nhà đầu tư đã không còn bị choáng bởi các tin bất lợi mà đang có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng thị trường trong 5-6 tháng tới.
Trong tuần tới, chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận báo cáo lợi nhuận quý từ nhiều doanh nghiệp.
Dầu giao sau tháng 12 giảm nhẹ 87 cent xuống còn 40,83 đôla một thùng tại Thị trường New York.
Chứng khoán châu Âu cũng có một phiên ảm đạm do tin xấu từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,26%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 0,75%. Chỉ số DAX của Đức hạ thấp 1,97%.
Sau tuần đầu của năm 2009, chỉ số FTSE giảm 2,4%, CAC 40 thụt lùi 0,75%, DAX mất 3,8%.
Thị trường châu Á cũng không tránh được một kết cục buồn trong ngày giao dịch cuối tuần trước diễn biến xấu từ Mỹ và châu Âu. Chỉ số Nikkie 225 trong phiên thứ sáu và sau tuần qua giảm lần lượt 0,5% và 0,3%. Góp mặt trong đà giảm của chứng khoán Nhật có cổ phiếu của một số nhà xuất khẩu hàng đầu như Panasonic, Cannon, Honda...
Tại Hong Kong, chỉ số chính Hang Seng bị trừ 0,3% và hiện thấp hơn 4,4% so với cuối tuần trước. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng, công nghệ và viễn thông sụt giảm đáng kể do kết quả kinh doanh nghèo nàn và nỗi lo các cổ đông lớn tại phương tây sẽ bán tháo cổ phiếu.
Cùng ngày, chỉ số Shanghai của Trung Quốc tăng 1,42%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc trượt dốc 2,05%. Hai chỉ số này tăng lần lượt 4,6% và 2%.
Xuân Hòa (Theo CNN, Reuters)
0 Responses to Tin thất nghiệp phủ bóng đen lên chứng khoán thế giới
Something to say?