Chứng khoán có một trong những tuần giao dịch bình lặng nhất trong nhiều tháng qua khi hàn chênh lệch giữa giá trị đầu và cuối tuần chỉ vẻn vẹn 0,06 điểm. Tuy nhiên, giá trị và khối lượng tích lũy được có thể là cơ sở cho đà tăng của Vn-Index trong thời gian tới.

Tuần đầu tiên của năm 2009 đầy ắp thông tin mới nhưng chuỗi 5 phiên giao dịch vừa qua không mang lại nhiều thay đổi cho chứng khoán Việt Nam. Chỉ số chính chốt tuần tại 313,4 điểm, cao hơn tuần trước vỏn vẹn 0,06 điểm, tương đương 0,019%. Dẫu vậy, nếu so với giá trị cuối năm 2008, Vn-Index chẳng những không tăng điểm mà còn đi xuống 2,22 điểm.

Tổng lượng khớp lệnh tuần qua đạt 53,94 triệu chứng khoán. Lượng thực hiện trung bình khoảng 10,78 triệu chứng khoán một phiên, giá trị tương ứng 253,54 tỷ đồng. So với giá trị bình quân của 5 ngày giao dịch trước đó, tuần qua tính thanh khoản tiếp tục đi lên, số cổ phiếu trao tay tăng 10%.

Hoạt động mua bán của khối ngoại trở nên sôi động sau khi kỳ nghỉ lễ kéo dài từ giáng sinh cho tới ngày đầu năm mới kết thúc. Vẫn với xu hướng mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã gom vào 10,01 triệu chứng khoán và bán ra 6,97 triệu cổ phiếu. Lượng mua và bán trên cao hơn tuần trước lần lượt 40% và 99%.

Tâm điểm giao dịch của khối ngoại rơi vào các blue chip như DPM, SSI, và VNM.

Trong những ngày qua thông tin có ảnh hưởng mạnh tới kết quả giao dịch vẫn là việc thuế chứng khoán được áp dụng. Trước thời điểm thuế chứng khoán có hiệu lực vào 2/1, nhà đầu tư tỏ ra khá e dè với thay đổi trên. Tuy nhiên tính thanh khoản trong 5 phiên gần đây là khá tốt, thậm chí tăng so với 2 tuần gần đây.

Vào ngày cuối tuần, Vụ Thống kê đã chính thức cho biết tăng trưởng kinh tế của năm 2008 chỉ là 6,23% thấp hơn dự kiến của Chính phủ. Đây là thông tin được dự kiến sẽ có tác động nhất định tới xu hướng của thị trường trong tuần tới.

Tin tức bất lợi liên quan tới thuế chứng khoán và tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến có thể sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới kết quả giao dịch trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Hà.
Tin tức liên quan tới thuế chứng khoán và tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến có thể không còn ảnh hưởng nhiều tới kết quả giao dịch trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán, tương tự như thông tin về thuế chứng khoán, số liệu bất lợi về tăng trưởng kinh tế, đã được dự đoán từ trước, sẽ được "tiêu hóa" nhanh chóng. Trong những ngày tới, có thể có một đợt tăng ngắn hạn do nhà đầu tư tranh thủ ôm trước các cổ phiếu có thể có kết quả kinh doanh qúy IV tốt.

Dẫu sao, kết quả IV/2008 cũng quý I/2009 sẽ không mấy khả quan, nên khó có điều kiện để chứng khoán tăng mạnh. Chiến thuật khôn ngoan với các nhà đầu tư từ nay đến tết âm có lẽ là "đánh nhanh rút gọn", mua nhanh bán nhanh.

Trong ngày thứ ba, 12/1 Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, sẽ chính thức áp dụng việc giao dịch không sàn. Dù vẫn có những lo lắng hoặc bỡ ngỡ về phía các nhà đầu tư và công ty chứng khoán thì đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo thông tin công bố vào 8/1, thời hạn chuyển sàn cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết tại HOSE đã được nới thêm 3 tháng kể từ ngày 8/2. Đây là một tin tốt cho nhiều công ty để họ có thêm thời gian tăng đủ số vốn 80 tỷ, điều kiện cần thiết để niêm yết tại HOSE. Bên cạnh đó, áp lực cơ cấu lại danh mục với các nhà đầu tư sẽ giảm bớt, tạm thời sẽ không có cảnh tranh bán với các cổ phiếu nhỏ.

Ngoài các sự kiện trên, điểm sáng của tuần thuộc về cổ phiếu BBT của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết. Dù vừa thất bại trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào 6/1 nhưng BBT sau 11 phiên tăng trần đã bứt từ mức 3.500 đồng lên thành 5.200 đồng một cổ phiếu, đi lên 48% về giá trị. Dù vậy, BBT hiện vẫn là mã có giá thấp nhất tại HOSE.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index đóng cửa tại 106,17 điểm, thấp hơn cuối tuần trước 1,7 điểm, tương đương 1,6%. Lượng trao tay mỗi phiên xấp xỉ 5,26 triệu cổ phiếu, giá trị khoảng 125,82 tỷ đồng.

Giao dịch trái phiếu bình quân mỗi phiên là 10,31 triệu, trị giá tương ứng 1.155,54 tỷ đồng.

Xuân Hòa-Vnexpress