Nhiều công ty niêm yết có thể chuyển sàn ra Hà Nội
46 doanh nghiệp trên HOSE nếu không kịp tăng vốn điều lệ trước ngày 8/2 sẻ phải chuyển sang HASTC, song Ủy ban chứng khoán có thể sẽ cho thời hạn thêm 3 tháng nữa để hoàn tất thủ tục.
Theo quy định của Nghị định 14/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán, sau hai năm kể từ khi luật này có hiệu lực, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn TP HCM (HOSE) phải có vốn điều lệ tối thiểu 80 tỷ đồng. Nếu vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng, công ty chỉ được niêm yết trên sàn Hà Nội (HASTC). Quy định này áp dụng chung cho các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp thực hiện quy định trên là ngày 8/2. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 46 công ty niêm yết không đạt số vốn điều lệ cần thiết để tiếp tục là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.
Trước tình hình trên, Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết hướng xử lý: "Sau 3 tháng kể từ ngày 8/2, doanh nghiệp nếu vẫn không đáp ứng đủ số vốn tối thiểu như yêu cầu mới buộc chuyển sang giao dịch tại sàn Hà Nội". Hiện phương án này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, sau đó Ủy ban mới có quyết định chính thức, ông Sơn cho biết.
Thị trường chứng khoán tuột dốc trong năm qua khiến nhiều công ty niêm yết tại Hose không có nhu cầu tăng vốn, có thể chuyển ra sàn Hà Nội. Ảnh: Đức Quang. |
Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường suy giảm mạnh năm qua và đến nay chưa có dấu hiệu chững lại, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ càng gặp khó khăn.
Với vốn điều lệ hiện tại gần 60 tỷ đồng, Công ty cổ phần gạch men Thanh Thanh (mã TTC) vừa gửi công văn lên SSC xin gia hạn thời gian tăng vốn đến hết tháng 6 sau hơn 2 năm có mặt tại sàn TP HCM. Nghị quyết Hội đồng quản trị công ty năm 2008 có kế hoạch tăng thêm 21 tỷ đồng để đạt vốn điều lệ 80 tỷ. Tuy nhiên, theo giải trình của TTC, diễn biến thị trường năm ngoái không thuận lợi nên doanh nghiệp không thể tăng vốn như dự kiến, bằng phương án phát hành riêng lẻ. Giá cổ phiếu TTC từ mức 27.100 hồi đầu năm đến nay đã tuột khỏi mệnh giá xuống còn 8.100 đồng.
Một câu hỏi được các doanh nghiệp trong diện sẽ phải chuyển sàn đặt ra là không chỉ khó về khâu tăng vốn mà còn phương án sử dụng vốn này như thế nào. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp huy động vốn khi chưa thực sự cần thiết. Cách trở xa về địa lý giữa TP HCM với sàn Hà Nội nếu chuyển đổi, cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp. Tâm lý nhà đầu tư bất an có thể bán ra hàng loạt gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, thanh khoản hai sàn khác biệt... là những nỗi lo khác của nhiều doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sơn, nếu nhận thấy không có nhu cầu cụ thể để tăng vốn, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận chuyển sàn. Bởi lẽ, công ty niêm yết đã có thời gian khoảng 2 năm để chuẩn bị cho lộ trình này chứ không phải được thông báo mới đây. Rạch ròi về mức vốn điều lệ hai sàn nhằm phân định quy mô thị trường, đáp ứng tiêu chí khác nhau về nơi đăng ký niêm yết giao dịch. Ông Sơn cho biết thêm, doanh nghiệp sẽ thuyết phục nhà đầu tư bằng kết quả kinh doanh, hiệu suất đầu tư và lợi nhuận mang lại chứ không phải so kè về vốn điều lệ.
Có khả năng một số thành viên phải chia tay với HOSE, song ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị HOSE cho rằng: "Đã là quy định thì buộc phải chấp hành, kể cả việc chuyển sàn của doanh nghiệp". Qua đó, tạo tính minh bạch trên thị trường, nhà đầu tư cũng như các công ty biết được tiêu chuẩn niêm yết mỗi nơi.
Theo ý kiến nhà đầu tư Minh Thanh, sàn SSI, thị trường hiện nhạy cảm với bất kỳ thông tin nào, giai đoạn đầu chuyển sàn chắc chắn sẽ gây xáo trộn khi cổ phiếu niêm yết sẽ áp những chuẩn mực của sàn HASTC. Theo anh, phương án tăng vốn cần được thông qua và bàn luận kỹ tại Đại hội cổ đông, cho nên có lẽ việc tăng vốn điều lệ cần hoãn một thời gian.
Bạch Hường-Vnexpress
0 Responses to Nhiều công ty niêm yết có thể chuyển sàn ra Hà Nội
Something to say?