Theo các điều tra viên giá trị 50 tỷ đôla của vụ lừa đảo Madoff có thể đã bị thổi phồng, và sẽ phải mất hàng năm, tiêu tốn hàng trăm triệu đôla mới biết được thiệt hại thực sự của vụ lừa đảo trên.

Giá trị của vụ lừa đảo được đưa ra dựa trên tuyên bố của Madoff. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng như nhân viên thực thi pháp luật đều nghi ngờ tính xác thực của tuyên bố trên. Ông Jonathan Levitt, một luật sư đại diện cho các nhà đầu tư đã "cúng tiền" cho trùm lừa đảo Benard Madoff, cho rằng: "Căn cứ vào lời khai của Madoff không phải là cách chính xác để xác định thiệt hại".

Ông Levitt cho biết quá trình gỡ rối mạng lưới tài chính rối rắm mà Madoff tạo ra dù với 500 kế toán viên, luật sư và nhà điều tra cũng sẽ sẽ kéo dài hàng năm. Theo ông dự tính chỉ riêng hoạt động kế toán có thể tiêu tốn hàng trăm triệu đôla và những chi phí này sẽ lại đổ lên đầu người đóng thuế.

Một luật sư khác, ông Greg Blue tại công ty tư vấn Morgenstern, Jacobs & Blue, có cùng quan điểm, chưa có cách xác định số tiền bị cuốn vào vụ lừa đảo. Ông nói: "Những gì chúng ta biết chỉ là sổ sách. Ghi chép của Madoff là rất lộn xộn và hiện chưa có thống kê chính thức nào".

Thiệt hại của vụ scandal không thể được xác định nếu chỉ dựa trên những phát biểu của Madoff. Ảnh: nytimes.com.
Thiệt hại của vụ scandal không thể được xác định nếu chỉ dựa trên những phát biểu của Madoff. Ảnh: nytimes.com.

Scandal của Madoff là vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Số tiền 50 tỷ đôla mà Madoff tuyên bố có thể chỉ mang tính "hư cấu" như chính những gì mà ông vua lừa đảo từng hứa hẹn với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý liên quan tới vài trò của nhà đầu tư trong vụ Madoff là rất phức tạp. Giả sử, nếu một nhà đầu tư đều đặn rút 10% mỗi năm tiền lãi từ mô hình trên, và sau một thời gian nhất định thu được cả gốc lẫn lãi. Liệu như vậy anh ta có bị kết tội là thu lợi bất hợp pháp và phải trả tiền lời cho nhà đầu tư đến sau hay không. Thậm chí, trường hợp nhà đầu tư mới kiện nhà đầu tư cũ cũng có thể xảy ra.

Một câu hỏi khác được đặt ra là chi phí cơ hội cho các nạn nhân có được cộng vào tổng thiệt hại hay không.

Benard Madoff, bị bắt vào tháng 12 với dội danh lừa đảo, đã lập ra quỹ đầu tư với lời hứa tỷ lệ lợi nhuận là 11%, trong khi lãi suất tại Mỹ kể từ đầu năm liên tục giảm từ 4,25% xuống còn 0,25% vào thời điểm hiện tại.

Mô hình Ponzi, hay còn được gọi là mô hình kim tự tháp, thực tế là hình thức lừa đảo ra đời từ trước thế kỷ 20. Trong đó kẻ lừa đảo vẽ ra các viễn cảnh đầu tư tươi đẹp và hứa hẹn lợi nhuận cao với các nạn nhân hòng thu tiền đầu tư của họ. Các nhà đầu tư tham gia vào hệ thống trước sẽ nhận được lợi nhuận bằng tiền nộp vào từ những người đến sau.

Hệ thống này đứng vững nếu số người tham gia ngày càng được nhân rộng. Trái lại mô hình ponzi sẽ đổ vỡ khi nhiều người quyết định rút tiền hoặc nguồn tiền mới đổ vào mạng lưới không đủ để trả lãi cho những nhà đầu tư tham gia trước đó. Tuy nhiên, về lâu dài mô hình Ponzi sớm muộn cũng sụp đổ do không đủ tiền lưu chuyển giữa các nhà đầu tư.

Thông thường, một khi đã bỏ tiền vào mô hình ponzi, nhà đầu tư mong muốn lợi nhuận cao sẽ không bao giờ "gặt lúa non", sớm rút cả gốc lẫn lãi, mà thậm chí còn tái đầu tư hoặc tăng cường bơm tiền để có lãi lớn hơn. Đây là lý do khi cả hệ thống sụp đổ, phần lớn các nhà đầu tư đều mất trắng.

Trước đó Madoff, theo yêu cầu của tòan án, đã đồng cung cấp danh sách tài sản của mình cho Sở Giao dịch Chứng khoán vào ngày 31/12/2008.

Xuân Hòa (Theo CNN)