Trong một ngày chứng khoán thế giới kém sôi động do phố Wall nghỉ lễ, thị trường châu Á có phiên khởi sắc mạnh mẽ trước những hy vọng dành cho chính quyền mới của Obama. Ngược lại, cổ phiếu châu Âu chìm trong sắc đỏ trước tin xấu từ ngành ngân hàng.

Hôm qua 19/1, Chỉ số Nikkei 255 của Nhật tăng 0,32% trước việc Obama sắp chính thức trở thành ông chủ nhà trắng. Giới kinh doanh nước này hy vọng, chính quyền mới của Obama sẽ giúp các nhà xuất khẩu Nhật vượt qua khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, số điểm cộng của các chỉ số chính đã bị bào mòn phần nào bởi nỗi lo lợi nhuận của các tập đoàn sẽ sụt giảm trong thời gian tới. Trong tuần trước, Nikkie giảm gần 7%.

Cổ phiếu của Toshiba tăng 6% nhờ hãng này vừa trúng thầu hợp đồng xây dựng hai hạng mục cho một nhà máy điện hạt nhân tại Texas. Giá trị hợp đồng ước tính khoảng 600 đến 800 tỷ yen, tương ứng khoảng 6,6 tới 8,8 tỷ đôla.

Chứng khoán châu Á khởi sắc nhưng vẫn còn đó những nỗi lo từ ngành ngân hàng. Ảnh: daylife.com.
Chứng khoán châu Á khởi sắc nhưng với các nhà đầu tư, vẫn còn đó những nỗi lo từ khối ngân hàng. Ảnh: daylife.com.

Cổ phiếu của các nhà xuất khẩu và công ty điện tử khởi sắc mạnh mẽ. Trong đó có Honda Motor lên 4%, Toyota Motor được cộng 0,7%. Tokyo Electron, nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn thứ 2 thế giới, tăng 4,5%...

Theo ông Yumi Nishimura, Giám đốc tại Daiwa Securities SMBC, "Giao dịch sẽ thiếu định hướng trong hôm nay và ngày mai". Tuy nhiên, chứng khoán thế giới sẽ được làm nóng trở lại sau khi Obama nhậm chức vào thứ ba và mùa công bố lợi nhuận của các hãng tại Mỹ bước vào giai đoạn cao điểm.

Trung Quốc và Hong Kong chứng kiến hai chỉ số chính Shanghai Composite và Hang Seng được cộng lần lượt 1,64% và 0,64%. Động lực cho phiên tăng này vẫn đến từ những hy vọng được thay đổi mà chính quyền mới của Obama có thể tạo ra. Tuy nhiên, mây đen còn luẩn quẩn quanh khối tài chính khi Ngân hàng Anh HSBC (niêm yết chéo tại Hong Kong) vừa bị Morgan Stanley và Goldman Sachs hạ điểm tín dụng. Cổ phiếu của HSBC giảm 3%.

Chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc được cộng 1,36%. Thủ tướng nước này trong một động thái nhằm cải tổ kinh tế đã có những thay đổi lớn trong nội các. Cụ thể, 5 bộ trưởng có thể mất chức và 5 cái tên mới được sẽ được bổ nhiệm.

Chứng khoán châu Âu có phiên đầu tuần ảm đạm do thiệt hại tồi tệ từ khối ngân hàng. Trong đó, Royal Bank of Scotland (RBS) là tâm điểm của phiên giảm khi tập đoàn này công bố mức lỗ 28 tỷ bảng, tương đương 41 tỷ đôla sau năm 2008, kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Trước thông tin trên, Chính phủ Anh cho biết sẽ phải bơm tiền vào RBS để tránh nguy cơ phá sản.

Cổ phiếu của RBS giảm 67% xuống mức thấp nhất trong hơn 25 năm qua. Các đại gia ngân hàng còn lại tại châu Âu như BNP Paribas, Deutsche Bank, và Lloyds cũng chứng kiến cổ phiếu của mình đồng loạt giảm mạnh.

Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt dốc 0,93%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 1,15%. Chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa thấp hơn tham chiếu 0,9%.

Tới 9h45 sáng nay 21/1, thị trường châu Á lại quay về sắc đỏ. Chỉ số Nikkei 225 giảm 3,12%, chỉ số Hang Seng giảm 3,27%, chỉ số Shanghai Composite mất 0,91%, chỉ số KOSPI bị trừ 2,72%.

Chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch trong ngày thứ hai 20/1, để kỷ niệm ngày mất của Martin Luther King.

Trước đó, vào chủ nhật, Mỹ và Anh ra tín hiệu sẽ thực hiện những biện pháp khẩn cấp và dứt khoát để khơi thông tình trạng tắc nghẽn tính dụng tại hai thị trường tài chính hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Barack Obama đã chuẩn bị một bài phát biểu với các ngân hàng sau khi ông tiếp nhận vị trí Tổng thống Mỹ vào tuần này.

Xuân Hòa (Theo Reuters, Bloomberg)