Chứng khoán Mỹ mất điểm mạnh
Thông tin bất lợi từ lợi nhuận của các tập đoàn, thị trường lao động, và giá dầu tiếp tục giảm phủ nỗi lo suy thoái lên phố Wall, khiến các chỉ số chính đồng loạt giảm mạnh trong phiên hôm qua 7/1.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,71% xuống còn 8.769,7 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq mất 3,23%, chốt tại 1.599,06 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết thúc phiên tại 906,65 điểm, sụt 3%.
Các cổ phiếu tài chính Bank of America, Citigroup, JP Morgan Chase, Goldman Sachs, và Morgan Stanley xuống điểm mạnh. Chứng khoán của nhóm tập đoàn năng lượng và kim loại như Chevron, Exxon Mobil, Noble Energy và Occidental Petroleum ngập trong sắc đỏ do dầu và vàng mất giá.
Theo báo cáo từ ADP, khu vực tư nhân đã cắt giảm tới 693 nghìn việc làm trong tháng 12, tăng mạnh so với con số 476 nghìn người mất việc của tháng 11 và tồi hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế.
Theo một báo cáo độc lập khác, số lao động sắp mất việc, do kế hoạch sa thải nhân công của các tập đoàn, giảm 8,4% trong tháng vừa qua nhưng vẫn cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Các báo cáo kinh tế mới công bố đã đưa nhà đầu tư trở lại với thực tại suy thoái của nước Mỹ. Ảnh: daylife.com. |
Trước đó, Tập đoàn Sản xuất Nhôm lớn nhất nước Mỹ đã tuyên bố từ nay đến cuối năm sẽ cắt giảm khoảng 15 nghìn việc làm, tương được 13% tổng lao động của Alcoa. Hãng cho biết thêm, sẽ hạ thấp giảm sản lượng và bán 4 tổ hợp sản xuất để đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu.
Những thông tin trên đã phủ bóng đen lên thị trường lao động Mỹ trước giờ bản báo cáo quan trọng về thị trường lao động tháng 12 sẽ được Chính phủ công bố vào thứ sáu. Dự đoán, tổng số lao động bị loại khỏi bảng lương của các doanh nghiệp trong tháng cuối năm sẽ vào khoảng 475 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ là tăng từ 6,7% lên 7%.
Doanh thu của Intel trong quý IV sẽ đi xuống do nhu cầu tiêu thụ hàng công nghệ cao của thị trường giảm sút. Tập đoàn truyền thông và giải trí lớn nhất thế giới, Time Warner trong quý cuối năm chịu lỗ do doanh thu giảm 25 tỷ đôla.
Các nhà kinh tế dự đoán, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên mức kỷ lục 1.200 tỷ đôla, chiếm 8,3% GDP, trong năm 2009. Số liệu trên vẫn chưa tính đến chi phí của kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Barack Obama.
Vào thứ năm 8/1, doanh số bán lẻ tháng 12 của hệ thống chuỗi cửa hàng trong toàn nước Mỹ sẽ được công bố. Giới phân tích dự đoán, doanh số của tháng cuối năm sẽ không mấy khả quan do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Theo ông Chris Colarik Nhà Quản lý Quỹ tại Glenmede, kể từ mức thấp xác lập vào 20/11/2008, thị trường Mỹ đã hồi phục được khoảng 24% giá trị. Thế nên, nhiều người đang có ý định bán ra để chốt lãi. Quyết định đó càng được kích thích bởi các thông tin bất lợi, cũng như dự đoán kết quả bán lẻ, được công bố vào ngày mai, dự tính sẽ ảm đạm.
Dầu giao sau tháng 2 rơi tự do 12%, tương đương 5,78 đôla, chỉ trong một phiên xuống còn 42,8 đôla một thùng. Dầu mất điểm sau khi báo cáo từ Chính phủ chỉ ra dự trữ dầu và xăng của tuần trước đều cao hơn dự kiến. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn tiếp tục sụt giảm là hình ảnh phản chiếu tình trạng suy thoái của nước Mỹ.
Nhà đầu tư tại châu Âu có một ngày buồn do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraina cùng kết quả bất lợi từ bên kia bờ đại tây dương. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,83%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 1,77%. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt dốc 1,48%.
Diễn biến trên đã kéo sụt cả thị trường Hong Kong lẫn Trung Quốc. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm tới 3,37%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất 0,68%.
Đáng chú ý nhất trong phiên hôm qua là nhà cho vay lớn nhất nước Mỹ, Bank of America (BoA), bán ra 13% cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, ngân hàng lớn thứ ba tại Đại lục. Lý do BoA bán cổ phiếu là tập đoàn này cần tăng dự trữ tiền mặt để đối phó với khủng hoảng tài chính. Số tiền BoA thu được sau ba năm nắm giữ cổ phiếu của đối tác Trung Quốc lên tới 2,83 tỷ đôla.
Chứng khoán Nhật lần đầu tiên sau 3 năm có phiên tăng thứ 7 liên tiếp nhờ tin Chính phủ nước này có thể sẽ bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chỉ số Nikkei 225 được cộng thêm 1,74%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 2,84%.
Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)
0 Responses to Chứng khoán Mỹ mất điểm mạnh
Something to say?