Chỉ số chính của phố Wall tăng giảm xen kẽ trong phiên hôm qua 13/1 do những thông tin trái chiều từ triển vọng lợi nhuận của các tập đoàn, phát biểu của ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), và thông tin từ Citigroup.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, mất 0,3% giá trị xuống còn 8.448,56 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 đóng cửa tại 871,79, tiến thêm được 0,18%. Chỉ số công nghệ Nasdaq chốt phiên ở mức 1.546,46, được cộng 0,5%.

Dư âm từ việc Alcoa lỗ nặng sau quý IV/2008 tiếp tục làm trầm trọng thêm mối lo kết cục tương tự sẽ xảy ra với các tập đoàn khác. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên khá hơn khi Citigroup xác nhận đang đàm phán để bán cổ phần của mình trong hãng môi giới Smith Barney. Vào cuối ngày ngân hàng trên cho biết đã bán 51% cổ phiếu của Smith Barney cho Morgan Stanley.

Theo một số thông tin đáng chú ý từ các tập đoàn, Yahoo cho biết đã mời ông Carol Bartz, một Giám đốc điều hành có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vào vì trí Tổng Giám đốc. Nhà sản xuất thuốc, Pfizer sẽ buộc phải cắt giảm 800 việc làm, với đối tượng bị sa thải là các nhà khoa học. Tương tự như Pfizer, Ngân hàng Barclay xác nhận sẽ tinh giảm bộ máy nhân sự, tuy nhiên hãng chưa tiết lộ số việc làm sẽ bị cắt giảm. Các báo cáo trước đó dự đoán số nhân viên bị mất việc khoảng 2000 người.

Chứng khoán Mỹ dao động hình răng cưa trong một ngày có nhiều thông tin tốt xấu xen lẫn. Ảnh: wn.com.
Chứng khoán Mỹ dao động hình răng cưa trong một ngày có nhiều thông tin tốt xấu xen lẫn. Ảnh: wn.com.

Theo báo cáo từ Chính phủ vào chiều qua, thâm hụt Ngân sách của Mỹ là 83,6 tỷ đôla trong tháng 12, cao hơn 0,6 tỷ đôla so với ước tính của giới phân tích. Từ đó tổng thâm hụt ngân sách cho 3 tháng đầu năm của năm tài khóa 2009 (tính từ tháng 9/2008) là 485,2 tỷ đôla, cao hơn thâm hụt của toàn bộ năm 2008.

Thâm hụt cán cân thương mại thu hẹp xuống thấp nhất trong 5 năm do suy thoái . Trong đó, nhu cầu về dầu và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc giảm sút rõ rệt. Doanh số xuất khẩu mặt hàng nông sản và ôtô cũng có bước lùi đáng kể do nhu cầu tiêu thụ của thế giới đi xuống. Theo số liệu từ Bộ Thương mại, thâm hụt thương mại tháng 11 chỉ là 40,4 tỷ đôla, thấp hơn nhiều so với con số 56,7 tỷ đôla của tháng 10.

Trong bài phát biểu tại London, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke nói, gói cứu trợ 800 tỷ đôla được đề xuất bởi tân Tổng thống, ông Barack Obama sẽ tạo ra một lực đẩy lớn cho nền kinh tế. Ngoài ra, ông cho biết có thể sẽ cần hỗ trợ thêm cho các ngân hàng.

Cùng ngày, Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Quốc hội đã lắng nghe tường trình từ Chương trình Giải trừ Tài sản xấu (TARP). Trước đó, vào thứ hai, Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội cung cấp nốt 350 tỷ đôla, phần còn lại của TARP. Ông Obama cho hay, phấn còn lại của TARP sẽ phải được dùng để giải quyết khó khăn cho người sở hữu nhà đất và người tiêu dùng nói chung.

Theo ông Gary Webb, Giám đốc điều hành tại Webb Financial Group, hiện các thông tin cả vĩ mô lẫn từ các tập đoàn đều không mấy hứa hẹn. Ông nhận định dù tin xấu đều đã được dự đoán từ trước nhưng có vẻ như các yếu tố tiêu cực vẫn chưa được phản ánh hết vào giá.

Thứ tư, Chính phủ sẽ công bố doanh số bán lẻ tháng 12 và báo cáo kiểm kê kinh doanh tháng 11. Bên cạnh đó, số liệu trữ lượng dầu hàng tuần và báo cáo bán niên về tình hình kinh tế cũng được đưa ra. Vào cuối tuần, JP Morgan Chase và Intel sẽ công bố kết quả quý IV.

Kết thúc ngày giao dịch, tại Sở Giao dịch New York, dầu giao sau tháng 2 giảm 19 cent xuống còn 37,78 đôla một thùng.

Tại châu Á, phần lớn các chỉ số chính đều giảm điểm. Chứng khoán Nhật do nghỉ lễ vào thứ hai nên những diễn biến xấu từ phiên ngừng giao dịch đã được gộp cùng các yếu tố bất lợi ngày hôm qua. Chỉ số Nikkei 225 sụt 4,79% trong đó nhóm các nhà xuất khẩu lớn đi xuống nhiều nhất do đồng yen lên giá so với đôla.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa thấp hơn tham chiếu 0,33%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 2,17%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,95%.

Thị trường châu Âu cũng không tránh được ngày giao dịch ảm đạm. Chỉ số FTSE của Anh mất 0,61%. Chỉ số DAX của Đức thoái lui 1,75%, bất chấp việc Chính phủ nước này vừa chấp thuận gói hỗ trợ kinh tế trị giá 50 tỷ euro. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,49%.

Tính tới 10h sáng nay 14/1, chỉ số Nikkei tăng 0,81%, chỉ số Hang Seng tăng 1,21%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0.8, chỉ số KOSPI tăng 0,26%.

Xuân Hòa (Theo CNN, Bloomberg)