Cuộc khủng hoảng tài chính bùng lên trong năm 2008 đã cuốn trôi khoảng 17.000 tỷ USD từ thị trường chứng khoán toàn cầu. Mức thiệt hại khổng lồ khiến giới đầu tư quốc tế chọn phương án đứng ngoài thị trường.

Hãng đánh giá định mức tín nhiệm Standard & Poor's hôm 6/1 đưa ra con số ước tính này dựa trên giá trị của nhóm chỉ số chứng khoán cơ bản toàn cầu (GBMI), được xây dựng từ 46 chỉ số chứng khoán chính trên thế giới.

Trong đó, chỉ số tại các thị trường mới nổi giảm 54,72% và tại thị trường phát triển giảm 42,72% trong năm 2008, năm được đánh giá là tồi tệ nhất đối với nhiều quốc gia kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Đến cuối năm thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi, với phần lớn thị trường mới nổi cũng như phát triển đều tăng nhẹ.

Những thị trường mới nổi có diễn biến tệ nhất trong năm là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với mức sụt giảm cao nhất lên đến 73,67%. Ma rốc và Israel là những thị trường diễn biến tốt nhất.

Với các nền kinh tế phát triển, Iceland chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá các loại cổ phiếu mất gần 70% giá trị, tiếp sau là Hy Lạp và Na Uy. Nhật, Thụy Sĩ và Mỹ là những thị trường khả quan nhất.

Chuyên gia phân tích Howard Silverblatt của S&P's cho rằng, do các ngân hàng trung ương đang nỗ lực giảm lãi suất, tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán có phần khả quan hơn khi bước sang năm 2009. "Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang áp dụng chiến thuật đứng ngoài thị trường và chờ đợi, bằng chứng là một lượng tiền mặt lớn vẫn ở ngoài thị trường. Vì thế, năm 2009 vẫn sẽ chứng kiến những đợt biến động mạnh", ông Silverblatt nhận định.

Thu Nga (theo AFP)